Hà Nội là địa phương có nhiều di sản và lễ hội nhất cả nước. Trong đó, phần lớn các lễ hội diễn ra vào đầu năm mới, tạo nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách gần xa.
Lễ hội gò Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng)
Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (nhiều người gọi tắt là lễ hội gò Đống Đa) là một trong những lễ hội lớn, truyền thống của Hà Nội, tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng.
Ngày 2.2 (tức ngày mùng 5 tháng Giêng) tại Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, UBND quận Đống Đa đã tổ chức Lễ hội kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) nhằm tôn vinh, tưởng nhớ công lao to lớn của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng sĩ quân Tây Sơn đã anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giữ vững độc lập dân tộc.
Theo Ban tổ chức, lễ hội tiếp tục diễn ra đến hết ngày 4.2 (tức ngày 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ), với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Trước đó, trong sáng 2.2, lễ hội Gò Đống Đa đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; lễ rước kiệu; biểu diễn múa lân, múa rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định gia; hội thi cờ tướng, cờ người; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống...
Lễ hội chùa Hương (mùng 6 tháng Giêng)
Lễ hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mùng 6 tháng Giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3. Vào dịp lễ, hàng triệu phật tử cùng du khách 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương, trở thành nét văn hóa đặc sắc vào dịp Tết đến xuân về.
Sáng 3.2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội chùa Hương chính thức khai hội với chủ đề "Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt".
Sáng 3.2, dù thời tiết có mưa và rét, hơn 20 nghìn khách thập phương vẫn đổ về dự khai hội chùa Hương. Hàng trăm người thuộc lực lượng chức năng của huyện Mỹ Đức và Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương có mặt từ 5 giờ sáng làm nhiệm vụ phân luồng, hướng dẫn phương tiện giao thông vào điểm dừng đỗ, hướng dẫn du khách mua vé thắng cảnh, xuống thuyền đò di chuyển vào khu vực lễ hội... Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, nên tất cả các tuyến đường, khu vực lễ hội không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông, ùn ứ khách...
Lễ hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3.2 - 1.5 (tức từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 4.4 năm Ất Tỵ).
Lễ hội Cổ Loa (mùng 6 tháng Giêng)
Đây là một trong những lễ hội lớn bậc nhất ở Hà Nội, khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài đến ngày 18 tháng Giêng. Theo đó, sáng 3.2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ 2025 chính thức khai hội với các hoạt động dâng hương, lễ rước.
Lễ hội Cổ Loa Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra trong không khí cả nước "mừng Đảng - mừng Xuân Ất Tỵ", chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, từ đó tăng cường quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa, du lịch, các di tích lịch sử - văn hóa, lễ hội truyền thống, thu hút đông đảo du khách đến với Cổ Loa, Đông Anh.
Trước đó, vào ngày 2.2, Tuần văn hóa lễ hội Cổ Loa đã khai mạc với các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, thu hút hàng vạn người tham dự. Các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc tổ chức tại lễ hội Cổ Loa mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, gồm: Giải bóng chuyền cúp Loa Thành, giải vật dân tộc, bắn nỏ truyền thống, thi đấu cờ người, đu tiên, biểu diễn tuồng cổ, hát chèo, nghệ thuật múa rối nước Đào Thục, hát quan họ thuyền rồng...
Lễ hội Cổ Loa có quy mô, lịch sử hình thành từ lâu đời, tổ chức trong quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Hằng năm, lễ hội thu hút hàng vạn người tham dự. Do đó, công tác chuẩn bị tổ chức đòi hỏi chu đáo, đầy đủ, có nhiều điểm nhấn và đổi mới về công tác quản lý nhằm tôn vinh công đức của Đức vua An Dương Vương, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa.
Ban tổ chức Lễ hội Cổ Loa 2025 cho biết, điểm nổi bật tại lễ hội năm nay là đã di chuyển 100% các điểm kinh doanh dịch vụ ra ngoài không gian tổ chức Lễ hội Cổ Loa, bảo đảm không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Ban tổ chức đã ra mắt chuyên trang https://dulichcoloa.com.vn; tăng cường công tác tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu tuyến du lịch hành trình di sản từ Cổ Loa về Đền Sái và hành trình di sản về vùng đất cố đô.
Lễ hội Gióng đền Sóc
Lễ hội Gióng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đây là một trong những lễ hội độc đáo, đặc sắc của Hà Nội bởi những nghi lễ cổ xưa nhằm tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Sáng 3.2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc, huyện Sóc Sơn, Lễ hội Gióng đền Sóc đã chính thức khai mạc. Năm nay, Lễ hội Gióng đền Sóc được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 3.2 - 5.2 (tức ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Mặc dù thời tiết chuyển lạnh, lất phất mưa, nhưng từ sáng sớm hàng nghìn người đã có mặt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc tham dự lễ khai hội. Đúng 6 giờ sáng, lễ rước và dâng hương diễn ra.
Lễ hội Gióng đền Sóc năm nay vẫn duy trì hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ là lễ rước 8 lễ phẩm và lễ tế của các thôn làng, là những nghi lễ tạo nên "hồn cốt" của lễ hội. 8 lễ phẩm theo truyền thống được các thôn làng cung tiến dâng Đức Thánh gồm: Giò hoa tre, ngựa chiến, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, cô tướng và cầu húc.
Phần hội năm nay cũng rất phong phú với nhiều hoạt động thi đấu thể dục, thể thao (vật, bóng chuyền hơi), các trò chơi dân gian truyền thống: Đi cà kheo, đập niêu, kéo co, đi cầu thăng bằng) và đặc biệt là hội thi nấu cơm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, nghi thức Kéo Mỏ được trình diễn và cuộc thi cầu húc được tổ chức trên quy mô toàn huyện Sóc Sơn.
Ngoài ra, lễ hội còn có hoạt động trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương; giới thiệu quảng bá văn hóa, di sản, du lịch Sóc Sơn nói riêng và du lịch Hà Nội nói chung; các gian hàng OCOP giới thiệu, quảng bá những sản phẩm đặc sắc của huyện.
Lễ hội năm nay cũng có nhiều đổi mới. Từ đêm 30 Tết, phần hội đã diễn ra, người dân và du khách đã đi lễ từ Tết Nguyên đán. Lượng khách đến đền Sóc từ trong tết lên tới hàng vạn người.