Hãng tin Al Jazeera nêu 3 phương án có thể đảm bảo an toàn cho tàu hàng di chuyển qua Biển Đỏ.
Ngày 19.11, lực lượng Houthi bất ngờ tập kích một tàu hàng trên Biển Đỏ ngoài khơi Yemen. Tàu Galaxy Leader đang di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Ấn Độ thì bị nhiều xuồng nhỏ cùng chiến binh có vũ trang chặn lại. Một số khác dùng trực thăng đáp lên boong rồi ra lệnh cho thủy thủ đoàn chuyển hướng di chuyển đến cảng Hodeida (Yemen).
Không có nổ súng và Galaxy Leader là tàu dân sự di chuyển giữa các quốc gia trung lập, nhưng vụ việc vẫn đem đến nguy cơ làm xung đột Israel - Hamas leo thang. Trong tình xuống xấu nhất thì diễn biến này sẽ khiến cả Mỹ lẫn Iran tham chiến.
Houthi xác định Galaxy Leader thuộc sở hữu của Israel, trước đó nhóm từng tuyên bố nhắm đến tất cả tàu thuộc sở hữu, được khai thác hay treo cờ Israel di chuyển qua Biển Đỏ hoặc eo biển Bab al-Mandeb. Phía Israel lại phủ nhận có bất cứ liên hệ với tàu nào vừa bị bắt mặc dù thông tin vận chuyển cho thấy nó thuộc sở hữu của một trong những người giàu nhất nước này.
Biển Đỏ có chiều rộng hơn 200km, nhưng tại điểm cuối phía nam là Bab al-Mandeb chỉ rộng chưa đầy 20km. Hơn 17.000 tàu di chuyển qua đây mỗi năm, tức gần 5 chục tàu/ngày. Nhiều chiếc có điều kiện pháp lý vô cùng phức tạp giống như Galaxy Leader: treo cờ Bahamas, do một công ty Nhật điều hành, thuyền trưởng người Bulgaria và thủy thủ đoàn đến từ ít nhất 5 quốc gia khác nhau (không ai trong số họ là công dân Israel). Ở ngành vận tải biển, quyền sở hữu không quan trọng bằng cờ mà tàu treo nhằm thể hiện quốc gia nơi đăng ký cùng công ty điều hành.
Bahamas với thuế suất thấp và chính sách lao động nới lỏng thu hút nhiều đơn vị vận hành đến đăng ký tàu. Nippon Yusen Kabushiki Kaisha - đơn vị vận hành Galaxy Leader - đang khai thác 818 tàu. Trong số gần 1.500 tàu di chuyển qua Biển Đỏ mỗi tháng có không ít chiếc liên quan đến Israel dễ bị Houthi tập kích.
Hoạt động vận chuyển không thể ngừng lại, Houthi cũng chắc chắn không dừng tay. Như vậy chỉ có thể tìm cách ngăn chặn các vụ tập kích xảy ra bằng 3 phương án: triển khai tàu vũ trang hộ tống, phá hủy hoặc hạn chế năng lực tấn công trên biển của Houthi, thuyết phục Houthi kiềm chế.
Triển khai tàu hộ tống
Với phương án đầu tiên, câu hỏi đặt ra là ai đủ sức triển khai lực lượng? Ả Rập Saudi và Ai Cập - hai nước nằm giáp Biển Đỏ - sở hữu hải quân mạnh mẽ, nhưng Ả Rập Saudi đang đình chiến với Houthi, còn Ai Cập cố gắng giữ lập trường trung lập và không muốn làm mất lòng Houthi. Israel không thể dành ra tàu nào cho nhiệm vụ hộ tống.
Lựa chọn còn lại là hải quân Mỹ. Ngay khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, Washington đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald R.Ford (hiện ở Địa Trung Hải) cùng USS Dwight D.Eisenhower (hiện ở vịnh Oman).
Mỗi nhóm phụ trách một nhiệm vụ cụ thể: USS Gerald R.Ford giám sát Israel, Palestine, Lebanon, Syria, Iraq và xử lý mọi mối đe dọa có thể làm leo thang xung đột; USS Dwight D.Eisenhower theo dõi Iran và sẵn sàng hành động.
Nhóm tác chiến USS Dwight D.Eisenhower chưa tiến vào eo biển Hormuz - gửi đi thông điệp rằng Mỹ không có ý định thù địch với Iran. Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng nói rõ họ không muốn trực tiếp tham chiến dù vẫn sẽ hỗ trợ Hamas.
Ngoài hai nhóm trên, Mỹ còn điều vài tàu riêng lẻ giám sát Houthi đến khu vực. Giữa tháng trước tàu USS Carney bắn hạ tên lửa cùng máy bay không người lái do Houthi bắn đi nhắm vào Israel.
Vẫn còn nhóm tác chiến tàu đổ bộ USS Bataan ở phía nam kênh đào Suez, nhưng triển khai chúng xa hơn về phía nam sẽ làm suy yếu khả năng đáp trả của Mỹ trước hành động leo thang quanh Dải Gaza.
Tấn công Houthi
Phương án thứ hai không khả dĩ hơn là bao. Houthi nổi tiếng không ngại đối đầu kẻ thù mạnh hơn mình. Mỹ nếu nhắm vào nhóm này có thể khiến xung đột leo thang đến mức nghiêm trọng, Washington có thể yêu cầu Israel tiến hành tấn công bằng tên lửa tầm xa, một động thái cũng ẩn chứa rủi ro lớn.
Cố gắng thuyết phục kiềm chế
Với phương án thứ 3, Iran giữ vai trò chủ chốt. Mỹ có thể âm thầm đàm phán với Tehran - nước hậu thuẫn Houthi - để nhờ giúp đỡ kêu gọi không tập kích tàu hàng. Đây là phương án thực tế nhất, nhưng sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu tất cả các bên đều kiềm chế.