Chúng ta có thể tự hào vì những đóng góp quan trọng, thiết thực của ASEM trong ứng phó với các vấn đề môi trường trong suốt 2 thập niên qua. Nổi bật là nỗ lực hợp tác về quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước”.

Các thành viên ASEM cùng bàn về cách đối phó với biến đổi khí hậu

19/06/2018, 10:44

Chúng ta có thể tự hào vì những đóng góp quan trọng, thiết thực của ASEM trong ứng phó với các vấn đề môi trường trong suốt 2 thập niên qua. Nổi bật là nỗ lực hợp tác về quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, trong đó có nguồn tài nguyên nước”.

Biến đổi khí hậu cũng khiến tình trạng sạt lở bờ sông ở ĐBSCL gia tăng - Ảnh: Nguyễn Hồ

Đó là phát biểu của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, tại Hội nghị ASEM “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững - Định hướng tương lai”, tổ chức tại Cần Thơ trong 2 ngày 19 và 20.6.

Những năm gần đây, các nước thành viên ASEM đã chứng kiến những thảm họa siêu thiên tai và những hiện tượng thời tiết cực đoan, nhất là trận lụt lịch sử ở Ấn Độ, Nam Á năm 2017, những đợt lạnh bất thường ở châu Âu và Trung Quốc, các đợt nóng kỷ lục ở Australia vào đầu năm 2018…

“Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia bị tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Các tỉnh thành ĐBSCL, trong đó có TP.Cần Thơ, vùng kinh tế trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng. Cũng tại đây, năm 2016 đã chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn ở mức kỷ lục trong 100 năm qua, đe dọa nghiêm trọng sinh kế của hàng triệu người dân”, Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng, nếu không tìm ra lời giải để ứng phó hiệu quả với thách thức đó, những thành quả phát triển của nhân loại chắc chắn sẽ bị kéo lùi. Do đó, Hội nghị lần này, các đại biểu sẽ cùng thảo luận, làm rõ một số hướng hợp tác mới như: Các sáng kiến, dự án hợp tác chuyên ngành của ASEM về quản lý nguồn nước, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, năng lượng, an toàn thực phẩm, bình đẳng giới và giảm nghèo…

Thúc đẩy quan hệ đối tác nhiều bên về ứng phó biến đổi khí hậu vì phát triển bền vững. Cần thiết lập mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, các nghị sĩ, viện nghiên cứu, giới học giả, doanh nghiệp, địa phương… trong lĩnh vực này; thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, các chương trình đối tác công - tư, chuyển giao và sử dụng công nghệ xanh, sạch.

Phó thủ tướng cũng đề nghị các thành viên phát triển trong ASEM có các biện pháp hỗ trợ tài chính cụ thể cho các thành viên đang phát triển phải đối mặt với những thách thức gay gắt về biến đổi khí hậu. Với thế mạnh về vốn, công nghệ cao, ít phát thải, các thành viên phát triển có thể hỗ trợ các thành viên đang phát triển trong tiếp cận tài chính, chuyển giao công nghệ, đầu tư thông minh vào năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, tăng cường năng lực ứng phó biến đổi khí hậu, nhằm chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp.

“Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Canada mới đây, Việt Nam đã đề xuất hình thành Cơ chế hợp tác toàn cầu về giảm chất thải nhựa ra đại dương và được các nước G7 mở rộng ủng hộ. Việc gia tăng nỗ lực toàn cầu trong lĩnh vực này có ý nghĩa thiết thực nhằm giải quyết thách thức đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển và sức khỏe đại dương. Tôi đề nghị các thành viên ASEM cùng phối hợp thúc đẩy, cân nhắc đưa vấn đề này vào nội dung hợp tác của Diễn đàn”, Phó thủ tướng phát biểu.

“Tôi tin tưởng rằng, với chủ đề thảo luận phù hợp và thiết thực, Hội nghị của chúng ta sẽ đưa ra các giải pháp cho các thành viên ASEM trong nỗ lực chuyển sang mô hình phát triển phát thải thấp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu sẽ được nghiên cứu, đánh giá trong tổng thể chiến lược phát triển bền vững cũng như các nỗ lực xóa nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xây dựng các cộng đồng tự cường…”, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, nói vậy.

Theo bà Nguyễn Minh Hằng, Trưởng SOM ASEM Việt Nam, Hội nghị ASEM lần này tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận 4 nội dung chính: Phát triển trong bối cảnh BĐKH - gắn kết giữa hành động ứng phó BĐKH với các mục tiêu phát triển bền vững; Xây dựng năng lực thích ứng BĐKH: thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu.

Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các hành động ứng phó BĐKH: vai trò và sự tham gia của các bên liên quan; Định hướng tương lai: thúc đẩy quan hệ đối tác khí hậu Á - Âu vì phát triển bền vững. Bên lề hội nghị, còn có triển lãm chủ đề “BĐKH - thách thức và cơ hội cho hợp tác Á - Âu”. Có khoảng 200 đại biểu từ 53 thành viên ASEM, các tổ chức quốc tế, khu vực tham dự hội nghị.

Nguyễn Hồ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các thành viên ASEM cùng bàn về cách đối phó với biến đổi khí hậu