Hai nhân vật văn võ song toàn hàng đầu lịch sử nước ta thời xưa là Trần Hưng Đạo và Lê Thánh Tông đều có chung nhận thức về tầm quan trọng của khu vực Vân Đồn. Sự cảnh giác của hai con người xuất chúng đó được lịch sử ghi lại khá rõ nét.

Các tiền nhân Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông rất cảnh giác chuyện an ninh ở Vân Đồn

07/06/2018, 17:01

Hai nhân vật văn võ song toàn hàng đầu lịch sử nước ta thời xưa là Trần Hưng Đạo và Lê Thánh Tông đều có chung nhận thức về tầm quan trọng của khu vực Vân Đồn. Sự cảnh giác của hai con người xuất chúng đó được lịch sử ghi lại khá rõ nét.

Bức họa về Hưng Đạo vương trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông - Ảnh: Internet

Vân Đồn là một vùng đất nhỏ nhưng lại là địa danh được nhắc đến rất nhiều trong sách sử do có vị trí chiến lược quan trọng trên bản đồ. Từ trên bản đồ có thể thấy rõ Vân Đồn khống chế huyết mạch giao thông quan trọng trên khu vực biển giáp ta và Trung Quốc. Vào thời xưa, các đoàn thuyền đi lại giữa ta và Trung Quốc dù là thuyền buôn hay thuyền binh hầu hết đều phải đi qua vị trí này.

Thương cảng Vân Đồn là hệ thống bến thuyền thương mại trên nhiều đảo trong vịnh Bái Tử Long. Khu vực dấu đỏ là bến Cái Làng, xã Quan Lạn, trung tâm của thương cảng. Ảnh: Chụp từ màn hình

Do nhận thức được tầm quan trọng của vị trí chiến lược này nên các triều đại, càng về sau càng chú trọng vấn đề an ninh tại Vân Đồn để đề phòng nguy cơ "sinh biến". Vân Đồn được nhắc lần đầu tiên trong sách sử là năm 1149. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, "Tháng 2, mùa xuân (triều Lý Anh Tông) thiết lập Vân Đồn trang. Bấy giờ các nước Qua Oa và Tiêm La có nhiều thuyền buôn đóng ở Hải Đông. Ta bèn lập trang ở trên cù lao để cho họ ở, gọi là Vân Đồn trang".

Thời kỳ nhà Lý, Vân Đồn trang chỉ là nơi để khách buôn ở lại nhưng về sau nhà Trần nhận thấy đây có thể là nơi mà gián điệp lợi dụng trà trộn, không có lợi cho an ninh nước nhà. Bằng chứng là trước thời điểm chống Nguyên lần thứ nhất, Trần Ích Tắc thường đem thư riêng gửi khách buôn ở Vân Đồn xin nhà Nguyên đem quân sang nước Nam. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, Tắc đầu hàng ngay, cốt mong cho mình được làm vua trong nước. Muốn cơ mi Ích Tắc, nhà Nguyên phong cho hắn tước An Nam quốc vương. Lúc ấy Văn Chiêu hầu là Văn Lộng, Văn Nghĩa hầu là Tú Hoãn và bọn Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long cũng đều đem cả gia quyến đầu hàng nhà Nguyên (theo Cương mục).

Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên lần 2, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã nhận diện Vân Đồn là trọng trấn không thể lơ là. Vì vậy, bất chấp tư hiềm, Hưng Đạo vương đã cử võ tướng tài năng nhất trong mắt ông khi đó Trần Khánh Dư trấn giữ Vân Đồn. Khi nhận trọng trách, Trần Khánh Dư đã nhận rõ mối nguy của việc trà trộn giữa người Việt và người phương Bắc nên đã ra lệnh về nón Ma Lôi.

Cương mục chép: Khánh Dư trấn thủ Vân Đồn, tục ở đây chỉ có nghề buôn bán sinh nhai; đồ ăn thức mặc đều mua của khách buôn Trung Quốc, cho nên đồ dùng và ăn vận rập theo như phong tục Trung Quốc. Khánh Dư đi kiểm duyệt quân các trang hộ, rồi hạ lệnh rằng: Quân sĩ trấn thủ Vân Đồn là cốt để ngăn ngừa giặc phương bắc tràn sang, quân ta không nên đội nón của phương bắc, vì sợ khi vội vàng, khó lòng mà phân biệt được, cần phải đội nón "ma lôi" (Ma Lôi là tên một làng ở Hồng Lộ, làng này có tài khéo chế nón bằng trúc thanh bì, nên lấy tên làng để gọi tên nón), ai trái lệnh sẽ bị phạt. Thế rồi, Khánh Dư trước hết cho người nhà đi mua nón ma lôi chứa đầy vào một thuyền đậu ở trong cửa sông. Sau khi đã hạ lệnh rồi, Khánh Dư sai người lẻn đi bảo nhỏ với các người ở trang hộ rằng "Mới đây, thấy có thuyền chứa nón ma lôi đậu ở vùng biển đằng trước mặt này". Do đấy người trong các trang tranh nhau ra mua; lúc mới mỗi chiếc trị giá bằng một tấm vải, thành ra thu được số vải kể hàng nghìn tấm".

Về câu chuyện này, đời sau có ý chê Khánh Dư lợi dụng chức vụ để thu vén cá nhân. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ cảnh giác an ninh thì không thể chê Khánh Dư ở điểm nào, ông không chỉ nghĩ ra việc dùng nón ma lôi để phân biệt quốc tịch mà còn cung cấp dịch vụ tận nơi và nhanh chóng để lệnh được thi hành rốt ráo. Còn nếu cứ dây dưa ngày tháng chờ thuyền nơi khác mang đủ nón về thì biết khi nào lệnh mới thực hiện xong.

Trấn Vân Đồn dưới tay Trần Khánh Dư có thể nói là giao đúng người, mà đỉnh cao là việc Trần Khánh Dư thiêu rụi đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ, tạo đòn quyết định cho thắng lợi cả cuộc chiến.

Năm 1349, thời Trần Minh Tông, vì có nhiều thuyền buôn bán tụ tập ở Vân Đồn nên “đặt quan trấn quan lộ và hải sát sứ ở trấn Vân Đồn, lại đặt quân Bình hải để trấn giữ”. Với một điểm khá nhỏ về diện tích mà vua Trần phải đặt riêng quan chức, lập đơn vị quân đội riêng cho khu vực, điều ấy nói lên ý thức cảnh giác của triều đình Thăng Long đến khu vực này.

Thời Hậu Lê, vua Lê Thánh Tông cũng cực kỳ cảnh giác những chuyện Vân Đồn, đặc biệt là thương lái phương bắc. Nghiên cứu của PGS-TSKH Nguyễn Hải Kế trên trang của Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn ghi chép chuyện rất hay về sự cảnh giác của vua Lê Thánh Tông.

Năm 1467, sau khi nghe quan Trấn thủ An Bang tâu việc thuyền chở lương của người Minh bị giạt vào xứ ấy (tức bọn Lý Mậu Thực, 29 tên có hai thuyền chở 205 hộc gạo đưa đến Ty Bố chính Quảng Đông bị trôi dạt tới An Bang, Tuần ty bắt được giải tới hành tại, Đô ngự sử Nguyễn Cư Đạo tâu nên thả chúng về nước), lập tức cả Thái sư đầu triều Đinh Liệt và Thái bảo Nguyễn Lỗi đã được triệu vào cung, nghe chỉ của vua Lê Thánh Tông: “mới rồi trẫm bảo bắt giữ người chở lương của nước Minh là vì có thể họ bày ra kế đó để lừa ta. Ta muốn ngăn ngừa mưu kế của họ. Đó là quyền nghi nhất thời chứ không phải đạo thường làm đâu”. Bọn Lỗi bảo: “Nếu họ liều lĩnh, gây chuyện bất ngờ khác mà đặt ra kế đây, ta bắt họ thì họ sẽ có cớ để nói được, chi bằng thả cho về, e rằng sẽ xảy ra gây hấn khích nơi biên giới”. Vua nói: “Các khanh nói tuy phải, nhưng lỡ kẻ gian phản phúc thì sao”. Đô ngự sử Nguyễn Cư Đạo nói: “Lời bàn của các quan tuy có dị đồng mà quyết định thế nào là ở nhà vua”. Rốt cuộc giữ người Minh không cho về.

Thêm một chuyện nữa nói về sự cảnh giác của vua Lê Thánh Tông với an ninh ở Vân Đồn. Năm 1472, Lê Thánh Tông sắc dụ cho bọn Thái bảo Kiến Dương bá Lê Cảnh Huy rằng: “Nhận được tờ tâu của trấn An Bang nói là người Minh sai quân lính đi theo quan hội khám của Quảng Tây sao đông thế. Ngươi phải hỏa tốc sai người đi thăm dò tình hình. Nếu thấy sự thể khác nhiều thì phải lập tức gửi công văn cho các xứ tập hợp binh mã phòng giữ”.

Trong luật Hồng Đức của triều Lê Thánh Tông có đến 3 điều riêng để kiểm soát Vân Đồn cho thật chặt chẽ.

Điều 612: “Các quan ty vô cớ mà đi riêng ra những trang ngoài Vân Đồn các trấn quan ải thì xử tội đồ hay lưu; thưởng cho người tố cáo tước 1 tư".

Điều 615: “Người ở trang Vân Đồn, chở hàng hóa Trung Quốc lên kinh thành, mà không có giấy tờ của An Phủ ty cấp cho, khi đến bến Triều Đông lại không đến cho Đề bạc ty kiểm soát, đã đem đi bán lén lút, cùng là khi về không có giấy tờ của Đề bạc ty cấp cho; đến chỗ Thông mậu trường lại không đến cho An phủ ty kiểm soát mà đã về thẳng trang, thì đều phải biếm một tư và phạt 100 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba số tiền phạt. Nếu đem hàng hóa đến các nơi làng mạc bán giấu, thì xử biếm 3 tư và phạt 200 quan; thưởng cho người tố cáo cũng một phần ba. An phủ ty, Đề bạc ty vô tình không biết đều phải biếm một tư, cố ý dung túng thì biếm một tư và bãi chức".

Điều 616: “Thuyền bè ngoại quốc đến trang Vân Đồn buôn bán, mà quan Sát hải sứ đi riêng ra ngoài cửa biển kiểm soát trước, thì biếm 1 tư. Thuyền buôn ấy muốn đậu lại lâu, thì trang chủ phải làm giấy trình An phủ ty làm bằng, mới được ở lại; nếu trang chủ không trình mà tự ý cho ở lại, thì xử biếm 2 tư và phạt 200 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba. Nếu chứa người ngoại quốc chưa đủ tuổi theo luật định thì xử biếm một tư, phạt 50 quan; thưởng cho người tố cáo một phần ba”.

Anh Tú

Đọc thêm:

Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan?

Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi

Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?

Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần

Thử giải mã chuyện Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông lấy chị dâu

Vua Trần Thái Tông và nỗi oan tình chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao

(Mọi trao đổi, độc giả có thể gửi ở mục bình luận bên dưới hay email: toasoan@motthegioi.vn)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các tiền nhân Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông rất cảnh giác chuyện an ninh ở Vân Đồn