Chắc chúng ta dễ đồng ý nhau rằng dân chúng là chủ của xã hội, đòi hỏi của dân chúng là các quyết định quan trọng cho xã hội phải được lựa chọn bởi chính họ.

Cảm ơn bài viết của ông Võ Văn Hào

25/08/2018, 10:36

Chắc chúng ta dễ đồng ý nhau rằng dân chúng là chủ của xã hội, đòi hỏi của dân chúng là các quyết định quan trọng cho xã hội phải được lựa chọn bởi chính họ.

Ông Võ Văn Hào, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ngãi

Những dòng này được viết trong tâm thế của một thảo luận xã hội công khai cùng với tâm thế tâm sự. Những lời tâm sự thật lòng tôi xin gởi tới ông Võ Văn Hào, rằng xin cám ơn ông về bài viết Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi: Lời cuối với ông Lê Học Lãnh Vân (Một Thế Giới, 24.08.2018). Tôi luôn cám ơn những người chấp nhận thảo luận với mình, cho dù ý kiến, quan điểm có thể khác biệt, bởi vì khi thảo luận công khai nghĩa là đề tài, quan điểm được đưa ra công luận và công luận sẽ xem xét, chứ không còn là chuyện riêng giữa hai người thảo luận nữa. Cho dù quan điểm nào được ủng hộ hay phản bác thì hệ quả vẫn là kiến thức được sẻ chia và nâng cao hơn trong cộng đồng.

Tôi biết tin việc di dời nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Đức Phổ trước khi đọc bài này của ông. Có những người nói “vậy là lần này dân thắng rồi!”. Thưa ông Hào thân mến, tôi thật lòng không nghĩ, và cho rằng không nên nghĩ ai thắng ai ở đây, bởi vì tất cả chúng ta, mỗi người là một hạt gạo trong cái bồ gạo trên chín mươi ba triệu hạt. Cái bồ gạo đó chính là nhân dân, bao gồm mỗi người chúng ta và bao gồm mỗi thành phần trong xã hội chúng ta. Mỗi người chúng ta góp ý để tìm giải pháp hợp lý nhất, “hữu hiệu nhất”, tối ưu (tôi không dùng chữ đúng, sai) cho cái tập thể nhân dân này. Giải pháp nào được đa số chấp nhận là giải pháp nên theo. Một chính quyền biết, hiểu được ý dân và làm theo ý đó là một chính quyền mạnh mẽ, sẽ thành công lâu dài.

Tôi thật lòng cũng không nghĩ rằng bất kỳ ý kiến nào của đa số (nhiều hơn) là ý kiến sáng suốt hơn. Cho nên khi ông nêu quan điểm “Đóng cửa bãi rác cũ, cũng đồng nghĩa với cái tốt đẹp tạm thời thất bại, tạm thời bất lực”, một quan điểm khác với cái quan điểm được “lựa chọn của người dân”, thì tôi vẫn tôn trọng quan điểm của ông. Xã hội luôn có các ý kiến phản biện, khác biệt, và luôn cần các ý kiến đó.

Vấn đề là trong các ý kiến phản biện nhau, khác biệt nhau, nên chọn ý kiến nào để thực thi? Kinh nghiệm của đại đa số các nước giàu mạnh, no ấm hàng trăm năm trên thế giới cho thấy: nên chọn ý kiến thuận theo đa số trong dân chúng, bởi vì một ý kiến được lựa chọn bởi đa số thì có xác suất hợp lý cao hơn là một ý kiến được lựa chọn bởi thiểu số. Trong khi thực hiện ý của đa số thì ý kiến thiểu số vẫn được bảo lưu, tôn trọng, bàn thảo.

Ngoài ra còn có yếu tố tâm lý con người, tâm lý xã hội nữa. Một quyết định được đa số đồng ý, nếu cuộc sống thực tế sau đó cho thấy quyết định không hợp lý thì xã hội dễ chấp nhận và cùng chung sức sửa chữa. Quyết định do thiểu số áp đặt, nếu gây thiệt hại cho xã hội thì sự phản ứng sẽ rất giận dữ với nguy cơ xung đột. Đó là chưa kể nếu quyết định đi từ giới có chức quyền thì có thể sẽ kèm theo những nghi ngờ của đám đông về tính liêm chính. Khi thất bại, nghi ngờ rất dễ phát sinh trong đám đông. Sự đoàn kết xã hội sau đó sẽ rất khó khăn.

Do đó, tôi vẫn được thuyết phục bởi ý tưởng rằng nhà nước (chính phủ) cũng chỉ là một thành phần trong nhân dân, được dân chúng chọn ra theo nhiệm kỳ để quản lý xã hội theo pháp luật, vốn được lập nên cũng bởi những người do dân chọn ra. Nếu trường hợp có tranh chấp giữa hai thành phần trong xã hội mà nhà nước không hòa giải được thì chính tòa án mới là nơi thích hợp để phân xử xem bên nào phù hợp với pháp luật. Sau đó, nhà nước tổ chức thi hành theo phân xử đó.

Thưa ông Hào, trong khi thông cảm với nỗi lo của ông rằng việc chiều theo “sự lựa chọn của người dân” là “đẩy xã hội vào chỗ vô cương, vô pháp” thì tôi lại thấy điều ngược lại. Chắc chúng ta dễ đồng ý nhau rằng dân chúng là chủ của xã hội, đòi hỏi của dân chúng là các quyết định quan trọng cho xã hội phải được lựa chọn bởi chính họ. Không nên đối lập tuyệt đối hai sự việc, để cho rằng hễ theo “lựa chọn của người dân” thì xã hội sẽ “vô cương, vô pháp”. Hai việc trên không đối lập nhau và trách nhiệm dân chúng đặt ra cho các nhà lãnh đạo là phải làm sao để trong khi làm theo các ý muốn, các lựa chọn của dân chúng thì kỹ cương, luật pháp vẫn được tôn trọng. Chắc rằng với trình độ tổ chức xã hội của nước ta, đây là một mục tiêu khó thực hiện ngay mà cần lộ trình. Các nhà lãnh đạo nào vạch được lộ trình khả thi tiến tới mục tiêu đó một cách nhanh chóng nhất có thể, sẽ được dân chúng tin tưởng vào năng lực và nhiệt tâm, do đó được họ ủng hộ.

Ngoài ra, trong quan điểm đó của ông, tôi thấy một mâu thuẫn: “sự lựa chọn của người dân” là một tính chất của nền dân chủ, xã hội càng theo “sự lựa chọn của người dân” thì càng dân chủ hơn. Hơn nữa, dân chúng là một tập hợp nhiều thành phần, cho nên sự lựa chọn của dân chúng không nghiêng về một thành phần riêng lẻ nào nên phải công bằng hơn! Cuối cùng, một xã hội dân chủ hơn, công bằng hơn sẽ là một xã hội văn minh hơn với nhiều điều tốt đẹp hơn! Vấn đề còn lại là cách tổ chức thực hiện để xã hội ta đạt được những điều như thế. Điều này cũng là một trách nhiệm dân chúng đặt nơi người lãnh đạo.

Thưa ông Hào, tôi nghĩ, nếu muốn, chúng ta sẽ còn có nhiều điểm để thảo luận. Với bài viết này, một lần nữa, tôi xin cám ơn ông. Không khí thảo luận đã thắp lên, hy vọng sẽ khuếch tán rộng rãi góp phần thúc đẩy môi trường tự do học thuật, thúc đẩy tính khai phóng trong toàn xã hội chúng ta. Trong không khí đó, mong có ngày được gặp gỡ ông bên tách cà phê sáng.

Trân trọng

Lê Học Lãnh Vân

Theo dòng sự kiện

>> Người dân phản đối nhà máy rác ở Quảng Ngãi

>> Mạng xã hội lan tỏa nhanh hơn báo chí trong vụ nhà máy rác

>> Tiếng dân và lòng dân

>>Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi phản hồi bài báo "Tiếng dân và lòng dân"

>>Phản hồi với phản hồi của ông Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi​

>>Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Ngãi: Lời cuối với ông Lê Học Lãnh Vân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
một giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảm ơn bài viết của ông Võ Văn Hào