Mỹ lo ngại quân đội Trung Quốc thoải mái tiếp cận một căn cứ hải quân Campuchia giáp Vịnh Thái Lan trên Biển Đông

Campuchia "bật mí" khu căn cứ hải quân lớn nhất

02/01/2020, 10:30

Mỹ lo ngại quân đội Trung Quốc thoải mái tiếp cận một căn cứ hải quân Campuchia giáp Vịnh Thái Lan trên Biển Đông

Quân lính Campuchia bảo vệ cầu cảng căn cứ Ream - Ảnh: EPA

Gần sân bay Dara Sakor là một dự án xây dựng bỏ hoang khác của Trung Quốc, trong một công viên quốc gia khác: khu nghỉ dưỡng Sealong Bay International Beach Resort nhìn ra biển và có các đầu bếp Trung Quốc. Nhưng láng giềng của dự án này mới thu hút nhiều sự chú ý: Ream, căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia.

Vào ngày 21.7.2019, báo The Wall Street Journal đưa tin có một thỏa thuận bí mật, trong đó chính phủ Campuchia cho Trung Quốc có độc quyền tiếp cận căn cứ Ream trong 30 năm. Động thái này phù hợp hoạt động ngoại giao Campuchia chuyển qua thân cận Trung Quốc, quay lưng với Mỹ và khối Liên hiệp châu Âu (EU).

Thủ tướng Hun Sen lập tức phản ứng gay gắt, nói thông tin của tờ báo là “tin tức tồi tệ nhất từ trước đến nay chống lại Campuchia”, đồng thời khẳng định Hiến pháp Campuchia cấm quân đội nước ngoài đồn trú.

Qua ngày 26.7, Bộ Quốc phòng Campuchia đưa các nhà báo đến xem cầu cảng và các tòa nhà của căn cứ. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Chhum Socheat khẳng định: “Chúng tôi không thể giấu bất cứ điều gì... vì đã có các vệ tinh mà”.

Tại căn cứ Ream, 6 tàu tuần tra của hải quân Campuchia sơn màu xám neo đậu tại cầu cảng. Các thủy thủ mặc quân phục đứng nghiêm khi xe buýt báo chí đi qua. Phóng viên không được phép xuống xe. Bộ Quốc phòng Campuchia chỉ ra rằng không có dấu hiệu gì về sự hiện diện của Trung Quốc, hay có bất kỳ công trình liên quan nào.

Quân lính Campuchia bảo vệ cầu cảng ở căn cứ Ream - Ảnh: Reuters

Theo Times, những đồn đoán về căn cứ này tăng mạnh trong năm 2019, khi từ một đề nghị của Campuchia, Mỹ đồng ý tài trợ cho hoạt động huấn luyện và lập cơ sở bảo dưỡng tàu chiến ở căn cứ. Nhưng 6 tháng sau, Mỹ được thông báo Campuchia không muốn Mỹ giúp nữa. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, Đại tá Dave Eastburn nói: “Sự rút lại đề nghị gây ngạc nhiên và đặt ra những thắc mắc về kế hoạch của chính phủ Campuchia cho căn cứ này”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia, Tướng Chhum Socheat bác bỏ thông tin Campuchia xin Mỹ tiền cho căn cứ Ream. Ông nói với Times: “Nói thẳng là chúng tôi chán ngấy. Chúng tôi mà phải xin Mỹ giúp phát triển chủ quyền lãnh thổ à? Chúng tôi mà phải ăn mày Mỹ cho dự án này à?”

Nhưng trong một bức thư gởi Bộ Quốc phòng Campuchia đề ngày 8.5, tùy viên quân sự Mỹ ở Phnom Penh lưu ý Campuchia “đã đề nghị Mỹ giúp sửa chữa và nâng cấp các cơ sở hạ tầng do Mỹ cung cấp tại căn cứ”. Một tháng sau, một quan chức Bộ Quốc phòng Campuchia trả lời rằng “việc sửa chữa - nâng cấp các cơ sở trong căn cứ không còn cần thiết”.

Trong một thư khác, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách mảng Nam Á - Đông Nam Á lúc đó, ông Joseph Felter cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, Tướng Tea Banh, về những nghi ngờ “sự thay đổi chính sách đột ngột này có thể chỉ ra các kế hoạch lớn hơn về những thay đổi ở căn cứ Ream, nhất là những thay đổi liên quan việc tiếp nhận các tài sản quân sự Trung Quốc”.

Bộ Quốc phòng Campuchia không hồi âm bức thư này.

Các sĩ quan quân đội Mỹ nói với Times: Trung Quốc đã giành được một hợp đồng độc quyền mở rộng một căn cứ hải quân Campuchia, dù Bắc Kinh đã phủ nhận các ý đồ quân sự tại Campuchia. Người phát ngôn của Lầu Năm Góc nói: “Chúng tôi lo ngại đường băng và cảng ở Dara Sakor được xây nhằm mục đích quân sự. Các dự án này vượt quá nhu cầu cần thiết trong hoạt động thương mại. Bất kỳ động thái nào của chính phủ Campuchia mời gọi một sự hiện diện quân sự của nước ngoài sẽ đều phá hoại hòa bình và sự ổn định ở Đông Nam Á”.

Các nhà quan sát quân sự cảnh báo việc Bắc Kinh sử dụng các vùng đất Campuchia như tiền đồn quân sự, vào lúc Trung Quốc đổ tiền vào các nước nhỏ hơn và nghèo hơn ở châu Á. Theo Reuters, từ năm 2013 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư 4,1 tỉ bảng Anh vào Campuchia, với các thành phố - như Sihanoukville - chuyển mình thành các điểm đến du lịch hoặc sòng bạc do các công ty Trung Quốc điều hành.

Thủ tướng Hun Sen tuyên bố rằng ông không cho phép quân đội Trung Quốc hiện diện ở Campuchia, và chính phủ của ông khẳng định đường băng Dara Sakor và cảng sẽ giúp chuyển một khu vực rừng hẻo lánh trở thành một điểm đến cung ứng dịch vụ hậu cần cấp toàn cầu “sẽ khiến phép lạ xảy ra là điều có thể”. Người phát ngôn chính phủ Pay Siphan nói: “Sẽ không có quân sự Trung Quốc tại Campuchia, và phải nói đây là một sự dựng chuyện. Có lẽ người da trắng muốn Campuchia bị tụt hậu bằng cách ngăn cản chúng tôi phát triển nền kinh tế của chúng tôi”.

Năm 2017, quân đội Campuchia ngưng các cuộc tập trận chung với Mỹ, thay vào đó là bắt đầu tập trận chung với Trung Quốc. Và để tăng cường quan hệ quân sự, hồi tháng 7.2019, ông Hun Sen tuyên bố sẽ chi 240 triệu USD để mua vũ khí “made in China”, trong kế hoạch hiện đại hóa quân đội.

Người phát ngôn chính phủ Campuchia, ông Pay Siphan có quốc tịch kép Mỹ - Campuchia, nói với Times: “Người Mỹ chỉ giỏi quấy rối, và chúng tôi hiểu điều đó khi họ nhòm ngó Campuchia. Trung Quốc thì tìm kiếm sự thịnh vượng cho chúng tôi. Chúng tôi là những người bạn rất thân, là những người bạn vàng”.

Mỹ Trinh (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
10 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Campuchia "bật mí" khu căn cứ hải quân lớn nhất