Có căn bệnh "cố hữu", nó như ung nhọt đang tồn tại, nó đáng sợ gấp nhiều lần dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành - căn bệnh tích trữ.

'Căn bệnh' đáng sợ hơn COVID-19 - bệnh tích trữ

07/03/2020, 15:52

Có căn bệnh "cố hữu", nó như ung nhọt đang tồn tại, nó đáng sợ gấp nhiều lần dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành - căn bệnh tích trữ.

Ngay từ khuya 6.3, người dân Hà Nội đổ xô đến các siêu thị mua đồ nhu yếu phẩm, đặc biệt là đồ ăn nhanh - Ảnh: Nam Nguyễn - Báo Tổ Quốc

Ngay sau khi Hà Nội công bố ca dương tính với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của coronavirus (COVID-19), người dân Hà Nội đổ xô đi mua tích trữ nhu yếu phẩm.

Khuya 6.3, TP.Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên dương tính với COVID-19, đồng thời là ca nhiễm thứ 17 của Việt Nam. Bệnh nhân là nữ tên N. ở phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trước khi Hà Nội chính thức công bố, thông tin lập lờ về trường hợp chị N. dương tính với COVID-19 cùng những người thân của chị được lan truyền một cách chóng mặt trên các mạng xã hội. Thậm chí, người ta (không hiểu vô tình hay cố ý) còn vẽ ra cả lịch trình di chuyển của bệnh nhân. Điều này, lập tức tác động rất mạnh tới tâm lý cộng đồng gây hoang mang, hỗn loạn trong cộng đồng.

Tức thì, từ mờ sáng, từ nông thôn đến nội thành, người ta kéo nhau đến các cửa hàng tạp hoá, các chợ, các siêu thị từ lớn đến bé đều đông nghìn nghịt người. Người ta vơ-vét-ôm-mua đủ thứ trần đời, nào rau củ quả, nào mì tôm, nào bún, nào miến khô, rồi đến cả những... cuộn giấy vệ sinh. Rồi, khi mua được hàng chất chồng, người ta chụp ảnh, đăng lên Facebook, như để khoe chiến lợi phẩm.

Câu hỏi đặt ra là, có nên đổ xô, lũ lượt kéo nhau đi mua trữ đồ nhu yếu phẩm không? Câu trả lời là KHÔNG. Vì sao ư?

Vì: - Các bạn đang góp phần gây gây lãng phí; các bạn đang cho thấy rõ bản chất ích kỉ của con người các bạn khi các bạn vơ vét sạch kệ hàng, các bạn đã tước đoạt cơ hội của người khác. Trong hoạn nạn, điều này có thể coi là thất đức;

Từ sáng sớm 7.3, chợ Nghĩa Tân sạch sẽ thịt lợn

- Khi các bạn ùn ùn đi mua đồ về tích trữ, sẽ tạo cơ hội cho những kẻ kinh doanh vô nhân tính được thời trục lợi, tranh thủ thời cơ tạo khan hàng giả, đẩy giá lên cao. Khi đó, các bạn chính là những người gánh hậu quả trước tiên.

- Khi các bạn hò nhau (bằng cách này hay cách khác, dù vô tình hay chủ ý) đi mua đồ về tích trữ, các bạn tạo thêm sự hoang mang, hoảng loạn cho cộng đồng.

Người viết bài này tin rằng, không nhà nào thiếu gạo, các chợ, các siêu thị cũng không thiếu gạo. Bởi, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo với số lượng số 1 thế giới. Vậy tại sao lại hò nhau đi mua mì tôm, bún khô (hủ tíu) về trữ? Tới khi không dùng hết, hư hỏng lại bỏ đi lãng phí.

Có lẽ, "bệnh" ưa tích trữ, bệnh tâm lý đám đông trong cộng đồng đã trở nên cố hữu. Hễ xảy ra bất cứ việc gì, chuyện đổ xô đi mua đồ tích trữ lại diễn ra. Điều tệ hại hơn, đó là, trong giai đoạn đang có dịch, việc bảo vệ an toàn sức khoẻ tính mạng của bản thân và cộng đồng cần đặt lên hàng đầu. Việc tránh tới các điểm đông người, nhất là siêu thị cần được ưu tiên. Nhưng thay vì đó, mọi người ùn ùn kéo đến các chợ, siêu thị.

Khách hàng tới siêu thị mua cả chục thùng mì tôm về ăn trừ cơm trong thời gian Hà Nội có dịch COVID-19

Sáng nay, tại cuộc họp khẩn của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP.Hà Nội, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ khẳng định: "hiện nay, các hệ thống siêu thị có đủ nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân nên người dân không cần tích trữ. Chúng ta không nên lo lắng, hoảng loạn quá mức, mà cần phải có hành động thực tế, tự bảo vệ bản thân và gia đình để không bị lây nhiễm tại những nơi đông người như siêu thị. Hiện nay, các hệ thống siêu thị như Big C có đủ nguồn hàng, bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm cho người dân nên người dân không cần tích trữ".

Ngày 7.3, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 2.2020, sở này đã chủ động tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường sau Tết theo Chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Hàng hóa vẫn đáp ứng đầy đủ, giá cả ổn định, không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị còn thấp hơn so với ngoài chợ dân sinh.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30-40%, các doanh nghiệp tiếp tục có phương án tăng cường hàng hoá ngay từ đêm 6.3 và sáng sớm ngày 7.3.

Báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội. Hệ thống siêu thị Co.opmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động nhân sự đi làm 100%. Tại hệ thống BigC, lượng hàng tăng từ 30-40%, siêu thị bố trí cán bộ liên tục cung ứng hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối... Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu nhân dân trong phòng, chống dịch.

Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố. Trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, bảo đảm sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.

Cũng trong sáng 7.3, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.

Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ, các bộ ngành và thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt, sát sao nên người dân không nên quá lo lắng.

Nam Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Căn bệnh' đáng sợ hơn COVID-19 - bệnh tích trữ