Luật sư Hà Thị Khuyên cho biết khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị phạt tù thì mới bị ra quyết định buộc thôi việc. Còn trường hợp cán bộ, công chức, viên chức mới bị khởi tố thì chưa bị ra quyết định đó.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến ngày 26.2, trên toàn hệ thống có khoảng 1.500 đăng kiểm viên đang làm việc. Để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.
Riêng các đơn vị đăng kiểm và phòng tham mưu thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, để thực hiện đầy đủ nhiệm vụ sẽ cần khoảng 240 - 250 đăng kiểm viên, nhưng hiện nay thiếu khoảng 120 người (thiếu 50%).
Cả nước hiện có 121/489 dây chuyền kiểm định phải tạm dừng hoạt động do đơn vị đăng kiểm đang bị cơ quan công an điều tra, hoặc không đủ điều kiện hoạt động theo Nghị định 139/2028/NĐ-CP, hoặc tự đóng cửa.
Hà Nội hiện chỉ còn 16 trung tâm với 31 dây chuyền đang hoạt động. Dự báo số đơn vị dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới do thiếu nhân sự.
Trả lời báo chí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Tô An cho biết, thời gian qua, để khôi phục lại các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa vì sai phạm, Cục Đăng kiểm đã phải đầu tư lại máy móc, nâng cấp phần mềm và điều động đăng kiểm viên từ nơi khác về làm việc.
Theo ông An, việc thiếu hụt đăng kiểm viên đã khiến Cục Đăng kiểm Việt Nam phải sử dụng cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm từng bị tạm dừng hoạt động ở Hà Nội là 29-01V và 29-06V. Số lượng các đăng kiểm viên này khoảng 12 người.
Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đối với những đăng kiểm viên đã bị khởi tố, dù bị tạm giam hay tại ngoại, cục vẫn đang trả tiền lương do họ vẫn chưa bị xét xử, còn quyền công dân. Việc bố trí công việc để các đăng kiểm viên thực hiện nhiệm vụ cũng không trái quy định pháp luật.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến nay, cả nước có tổng số 2.014 đăng kiểm viên, trong đó 1.061 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Trong tổng số đăng kiểm viên thì số còn đang làm việc trên toàn hệ thống khoảng 1.500 người. Tuy nhiên để duy trì hoạt động cho toàn bộ hệ thống kiểm định xe cơ giới cần ít nhất 1.986 đăng kiểm viên. Như vậy, toàn hệ thống hiện nay đang thiếu khoảng 486 đăng kiểm viên.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, khoản 4, điều 3 Nghị định 112/2020/NĐ-CP quy định về các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật, cụ thể: cán bộ, công chức, viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Theo đó, khi công chức bị khởi tố thì chưa xem xét xử lý kỷ luật đối với công chức đó.
Theo bà Khuyên, tại khoản 2, điều 30 Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể: trường hợp công chức có hành vi vi phạm bị tòa án kết án phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị tòa án kết án về hành vi tham nhũng, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
“Như vậy, theo quy định trên thì khi nào cán bộ, công chức, viên chức bị phạt tù thì mới bị ra quyết định buộc thôi việc. Còn trường hợp cán bộ, công chức, viên chức mới bị khởi tố thì chưa bị ra quyết định buộc thôi việc”, bà Khuyên nêu.