Một cuốn sổ mỏng manh, lúc thì bìa xanh, thời thì bìa hồng, nhưng tầm quan trọng của nó thì vô biên. Quan trọng đến mức, mất sổ hộ khẩu, dù sống sờ sờ ra đó nhưng cũng không có quyền làm người một cách chính đáng.
Nghe Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ngày 17.2 khi làm việc với Sở Khoa học - Công nghệ đặt thẳng vấn đề sự vô lý của cuốn sổ hộ khẩu, dư luận xã hội đông đảo rất tán đồng.
Có lẽ chỉ còn vài nước trên thế giới, chủ yếu những anh đã dính dáng đến khối xã hội chủ nghĩa, trong đó có xứ ta, là còn duy trì sự quản lý bằng hộ khẩu. Thời buổi công nghệ thông tin - thế giới phẳng này mà còn áp dụng biện pháp thô lỗ của Thương Ưởng đời nhà Tần bên Tàu cách nay hơn 2.000 năm thì phải nói rằng rất nhố nhăng.
Hộ khẩu là cái gì? Cứ hiểu nôm na, danh từ “hộ” để chỉ một đơn vị gia đình, cụ thể là một gia đình. Ví dụ, xã A có 200 hộ. Đáng nhẽ chỉ cần ngắn gọn thế cũng đủ hiểu, nhưng lâu nay người ta kèm thêm chữ khẩu, thành hộ khẩu, bởi nhà nào mà chẳng có miệng ăn. Khẩu là từ Hán Việt, chỉ cái mồm (miệng), nghĩa bóng chỉ người. Mỗi miệng ăn là một người. Giả dụ ông tổ trưởng dân phố báo cáo với công an rằng hộ A có mấy khẩu, thì công an hiểu ngay là có mấy người.
Ngày xưa, quản lý bằng sổ hộ khẩu có thể được xem là cách nắm dân số hiệu quả nhất. Mỗi gia đình, công an phát cho một cuốn sổ, khai đầy đủ số người vào đó, công an chứng nhận là nó có hiệu lực. Một cuốn sổ mỏng manh, lúc thì bìa xanh, thời thì bìa hồng, nhưng tầm quan trọng của nó thì vô biên. Quan trọng đến mức, mất sổ hộ khẩu, dù sống sờ sờ ra đó nhưng cũng không có quyền làm người một cách chính đáng.
Những thành viên trong gia đình, khi chuyển đi đâu đó cư trú chỗ khác thì phải chuyển hộ khẩu, gọi nôm na là cắt hộ khẩu. Thời chiến tranh ở miền Bắc có cụm từ thông dụng “cắt hộ khẩu” để nói về những người bị bom chết. Người ta đùa nhau, dọa nhau “Giôn Xơn nó cắt hộ khẩu bây giờ”. Rất nhiều trường hợp chuyển đi thì dễ nhưng muốn nhập về lại thì không được bởi hộ khẩu có liên quan đến những quyền lợi: nhà cửa, đất đai, nhu yếu phẩm, kết hôn, quyền lợi chính trị, thậm chí khai tử… Ở miền Nam sau năm 1975 nhiều gia đình thành phố, nhất là thành phần bị xem là “ngụy quân ngụy quyền”, tư sản, trí thức đã phải "tự nguyện" đi kinh tế mới, lên nơi rừng xanh núi đỏ, vài năm chịu không nổi phải quay về thành phố nhưng không được nhập khẩu trở lại, sống rất khổ. Có nhiều gia đình sống lang thang nay đây mai đó, gầm cầu xó chợ, do không có hộ khẩu nên không tìm được công ăn việc làm, không mua được nhà, không có bất cứ chế độ chính sách gì, sống mà như đã chết, khổ sở trăm bề.
Buồn cười nhất là cái gì cũng đòi hộ khẩu. Muốn mua cái nhà không được bởi không có hộ khẩu thì không làm được giấy tờ sang tên. Muốn nhập được khẩu vào thành phố thì nhà chức việc lại vặn hỏi đã có nhà chưa. Mua nhà phải có hộ khẩu, nhập hộ khẩu phải có nhà, cái sự vô lý ấy kéo dài suốt bao nhiêu năm trời, dân tình oán thán nhưng cứ cắn răng chịu bởi nhà nước bảo sao phải làm vậy. Mà không chỉ chuyện nhà cửa, xin học cho con, làm cái chứng minh thư, đi học nghề hoặc học đại học, yêu nhau lấy nhau… không có hộ khẩu cũng bị lên bờ xuống ruộng. Chính sách quản lý bằng hộ khẩu đã gây bao nhiêu khổ sở cho dân lành.
Dân khổ, nhưng có một bộ phận được lợi từ chính sách này. Họ có quyền sinh quyền sát, bán cái quyền ấy cho những người có nhu cầu nhập khẩu. Tôi có quen một anh bạn, từ Hà Nội vào thời những năm 1980, không có cách nào chuyển khẩu. Thế rồi có người mách nhờ họ cho nhập khẩu vào một hộ nào đấy, khai giả là người họ hàng, sau đó tách hộ. Thế mà được, có hẳn hộ khẩu chính thức, lại nhờ đó mà mua được nhà chứ không cần cậy người khác đứng tên. Tôi hỏi tổng cộng để được làm người thành phố tốn hết mấy cây vàng, y chỉ cười, xòe bàn tay.
Một người bạn tôi bảo, chỉ có bộ máy quản lý con người tồi kém thì mới dựa dẫm vào cái kiểu sổ hộ khẩu như vậy. Anh ấy trước kia dạy cùng trường với tôi, sau đi diện đoàn tụ gia đình bên Mỹ. Anh kể anh sống bên đó hơn 20 chục năm trời, do nhu cầu học hành, làm ăn nên đã chuyển đi cư trú ở mấy bang khác nhau, cứ muốn là đi thôi, tha hồ, chỉ với mỗi cái thẻ công dân chi đó, chả ai hỏi, chả ai bắt bẻ, mua nhà mua xe thoải mái, nhưng nếu chỉ làm điều gì vi phạm pháp luật là nhà chức trách xác định được ngay. Họ không bày ra hộ khẩu như ta nhưng quản lý chặt chẽ hơn nhiều, vậy mà không ai có cảm giác bị quản lý, bị làm khó dễ, quả là tuyệt vời.
Nhà nước ta dường như cũng đã không ít lần nhận ra sự vô lý của sổ hộ khẩu nhưng có vẻ sự lợi ích nhóm từ cách quản lý này còn mạnh nên vài lần bàn tới bàn lui mà vẫn chưa đi đến đâu. Lúc nào cũng kêu hòa nhập với thế giới nhưng cố giữ cho bằng được những sản phẩm bảo thủ đã hết đát (date) của mình. Họ cứ đòi tiếp tục duy trì sổ hộ khầu, giống như gắn cái vòng kim cô lên đầu Tôn Ngộ Không vậy.
Nhưng họ chắc không phải không biết chuyện Thương Ưởng cuối cùng cũng trở thành nạn nhân của chính chính sách hộ khẩu tàn bạo mà ông ta đã đề ra và áp dụng.
Rồi có một ngày cuốn sổ hộ khẩu tai ách này sẽ bị xóa sổ, nhưng có lẽ chúng ta phải lưu lại vài cuốn như một thứ chứng tích về loại công cụ kìm hãm xã hội và con người kéo dài suốt bao năm. Cho con cháu đến ngắm và kinh.
Nguyễn Thông