Giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu chỉ là một phép thử đơn giản trước mắt với nhân loại nhưng nó đòi hỏi tất cả phải đoàn kết.
Kiến thức - Học thuật

Cần một thế giới đoàn kết để ứng phó với biến đổi khí hậu

Anh Tú 16:51 07/02/2024

Giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu chỉ là một phép thử đơn giản trước mắt với nhân loại nhưng nó đòi hỏi tất cả phải đoàn kết.

only.jpg
Tương lai thế giới trong tay loài người

Trong khi nghiên cứu sự tiến hóa của loài người để tìm giải pháp đối phó với khủng hoảng khí hậu đang gia tăng, các nhà khoa học đã tìm thấy những kết quả lạc quan và bi quan đan xen.

“Làm thế nào con người còn tồn tại đến ngày nay?” là câu hỏi đơn giản mà Tiến sĩ Tim Waring, Phó giáo sư tại Đại học Maine ở Mỹ, gần đây đặt ra trong một công trình khoa học tập trung vào biến đổi khí hậu.

Ông gợi mở câu trả lời: “Nếu chúng ta hiểu được các quá trình mà loài người đã thực hiện có tác động lớn như vậy đến sinh quyển trên toàn cầu, thì chúng ta vẫn còn có thể giải quyết những vấn đề mà loài người đang gặp phải”.

Waring nghiên cứu về biến đổi khí hậu qua lăng kính tiến hóa văn hóa, một lĩnh vực nghiên cứu giao thoa giữa sinh học và "tất cả các ngành khoa học xã hội". Bài nghiên cứu gần đây nhất của ông và các cộng sự đã phân tích sự tiến hóa của loài người có thể cản trở chúng ta giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như thế nào.

Waring cùng các đồng nghiệp Eörs Szathmáry và Zach Wood đã công bố công trình của họ trên tạp chí khoa học lâu đời nhất thế giới Philosophical Transaction. Waring nói: “Tôi thực sự muốn mang lại hy vọng cho nhân loại, nhưng mục đích của công trình này không phải là nêu những tín hiệu tích cực giả tạo mà là mô tả chính xác thách thức mà chúng ta phải đối mặt”.

‘Các giải pháp cần phải mang tính toàn cầu’

Nhóm của Waring đã phân tích các nguồn tài nguyên mà con người sử dụng, tác động của chúng đối với môi trường và sự phát triển các đặc điểm văn hóa trong 100.000 năm qua. Nhóm phát hiện ra rằng trong suốt lịch sử, con người đã tìm ra giải pháp xử lý những vấn đề mà họ gặp phải một cách có hệ thống.

Waring nói: "Rất nhiều người hiện nay cảm thấy rằng cuối cùng thì chúng ta cũng sẽ giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu. Họ có lý do chính đáng để tin thế vì trong lịch sử, con người gần như chưa gặp phải vấn đề nào mà chúng ta không thể giải quyết được".

Tuy nhiên, thành công trong quá khứ của chúng ta sẽ không đủ để cứu rỗi nhân loại trong tương lai. Các tác giả của công trình nhận thấy rằng một trong những lý do giúp chúng ta giải quyết vấn đề rất giỏi là vì loài người biết sử dụng các nguồn lực một cách mạnh mẽ hơn và ở quy mô to lớn hơn bất cứ khi nào cần thiết. Phân tích của nhóm cũng nhấn mạnh rằng con người chỉ chịu tìm ra giải pháp khi vấn đề đã vượt quá tầm kiểm soát.

Thế nhưng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những cách tiếp cận đó có thể không hiệu quả vì chúng ta đã sử dụng hầu hết nguồn lực của Trái đất. Nói cách khác, quỹ nguồn lực trên hành tinh này không còn đủ cho con người giải quyết những rắc rối do chính mình gây ra.

Hơn nữa, sự phát triển của loài người cho thấy rằng chúng ta rất giỏi trong việc giải quyết các vấn đề ở phạm vi hẹp nhưng chưa bao giờ đối mặt ở quy mô và độ phức tạp như hiện nay. Chính vì vậy, các tác giả cho biết, giải pháp hiện giờ cần phải thực sự mang tính toàn cầu.

Giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu chỉ là một phép thử đơn giản trước mắt với nhân loại. Waring nói: “Tôi nghĩ chúng ta nên vui mừng khi coi biến đổi khí hậu là thách thức đầu tiên vì nó dễ giải quyết hơn". Theo vị Phó giáo sư tại Đại học Maine, biến đổi khí hậu gây thiệt hại cho tất cả chúng ta. Vì vậy, biến đổi khí hậu sẽ khiến loài người dễ tìm được tiếng nói chung so những thách thức khác rất phức tạp như đối phó nguy cơ hệ sinh thái sụp đổ.

Nguy cơ sụp đổ hệ sinh thái có vẻ ít được nhắc đến nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro lâu dài chứ không dễ cảm nhận như biến đổi khí hậu. Waring giải thích: “Chúng ta đã làm tuyệt chủng một số loài và gây ô nhiễm cũng như thay đổi môi trường trên toàn thế giới trong một thời gian dài. Chúng ta không hề biết điều đó có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ sinh thái như thế nào”.

Con người sẽ cần giải quyết vấn đề cạnh tranh và xung đột

Nhưng theo các chuyên gia, ngay cả khi chúng ta giải quyết được vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta sẽ phải chú ý đến những đặc điểm tiến hóa của mình vì trong lịch sử tiến hóa và phát triển, con người có xu hướng cạnh tranh khốc liệt về tài nguyên.

Trước đây, những xung đột do tính cạnh tranh của chúng ta gây ra đều chưa nguy hiểm cho hệ sinh thái trên Trái Đất. Nhưng khi chúng ta ngày càng phát triển và gây ra các tác động đến sát giới hạn toàn cầu, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng không có cách nào tránh khỏi cảnh bước chân tới bờ vực hủy diệt.

Waring giải thích: “Không có giải pháp lâu dài nào cho sự tiến hóa của loài người trên hành tinh mà lại không liên quan đến xung đột và chúng ta cần cố gắng giải quyết điều đó”, đồng thời nhấn mạnh rằng mô hình phối hợp và hợp tác mà chúng ta đã áp dụng trong nhiều thiên niên kỷ qua là không bền vững. Về bản chất, con người cần thay đổi cách tiến hóa nếu muốn tồn tại trên Trái đất.

Một trong những hướng mà các tác giả công trình nghiên cứu hướng tới là hệ thống tự giới hạn và điều tiết thị trường, nhằm "gắn kết các nhóm người trên khắp hành tinh lại với nhau chặt chẽ hơn bao giờ hết thành một đơn vị".

Nhưng các giải pháp cụ thể vẫn đang được khám phá trong bối cảnh lĩnh vực tiến hóa văn hóa vẫn còn mới mẻ và chưa được nghiên cứu nhiều. Waring nói: “Chúng ta chưa nghĩ ra nhiều chính sách thú vị vì trước đây chúng ta chưa thực sự xem xét bản chất của biến đổi khí hậu ở góc độ tiến hóa”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần một thế giới đoàn kết để ứng phó với biến đổi khí hậu