Kỹ thuật mới này giúp loại bỏ sỏi thận ít mất máu, ít tổn thương nhu mô thận, ít đau, hồi phục nhanh sau mổ và hầu như không để lại sẹo.
Ngày 24.8.2020, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ cho biết vừa thực hiện thành công 3 ca tán sỏi qua da dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của TS-BS Đỗ Anh Toàn, Trưởng khoa Phẫu thuật điều trị sỏi thận chuyên sâu, Bệnh viện Bình Dân.
Ba ca bệnh đầu tiên được áp dụng kỹ thuật tán sỏi qua da là bệnh nhân N.T.T (37 tuổi, ngụ phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) có sỏi thận trái kích thước 20mm, đã thất bại với phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể; bệnh nhân T.T.Đ (39 tuổi, ở huyện Bình Tân, Vĩnh Long) có sỏi thận trái tái phát sau mổ mở; và bệnh nhân Đ.T.Th (56 tuổi, ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ) có sỏi tái phát sau mổ mở ở thận 2 bên thận.
Các bệnh nhân từng điều trị nội khoa và trải qua mổ mở lấy sỏi hoặc tán sỏi ngoài cơ thể nhiều lần. Qua hội chẩn, các bác sĩ nhận định đây là các trường hợp sỏi gây biến chứng cần được điều trị triệt để bằng phương pháp tán sỏi nội soi qua da.
Ê kíp phẫu thuật nội soi qua đường hầm siêu nhỏ qua da (UMP) (khoảng 1cm) vào thận dưới hướng dẫn của máy X-quang C-arm, sử dụng máy tán sỏi và đã lấy sỏi thành công cho các bệnh nhân.
Theo Ths-BS Nguyễn Hữu Toàn - Trưởng khoa Ngoại thận - Tiết niệu (Bệnh viện đa khoa TP.Cần Thơ) nội soi tán sỏi qua da là một phương pháp nội soi đặc biệt để điều trị sỏi thận. Bệnh nhân được gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật dùng một kim chọc qua da vùng lưng vào trong thận dưới sự hướng dẫn của máy C-Arm.
Đường hầm của kim chọc dò sẽ được nong rộng bằng các dụng cụ nông để đạt được kích thước như thân một chiếc bút, qua đó cho phép đưa vào máy nội soi tán sỏi. Sỏi sẽ được tán thành mảnh vụn và đồng thời được hút ra. Sau đó, cũng qua đường hầm, đặt một ống thông thận giúp việc chụp kiểm tra sau mổ (ống thông này sẽ được rút ra sau 24 – 48 giờ).Trong một số trường hợp, có thể cần bổ sung tán sỏi ngoài cơ thể để xử lý nốt các mảnh sỏi còn sót lại.
Nếu mổ mở, người bệnh phải chịu một đường mổ dài khoảng 15cm ở vùng hông lưng. Vết mổ cắt đứt cơ vùng hông lưng, tổn thương thần kinh, xương sườn số 12 và mô xung quanh thận. Trong mổ mở, các lớp cân, cơ dùng dao điện để cắt đốt, bể thận hoặc kèm chủ mô thận được xẻ ra để lấy sỏi.
Theo TS-BS Đỗ Anh Toàn, lấy sỏi qua da là kỹ thuật quan trọng trong điều trị các trường hợp sỏi thận tái phát. Kỹ thuật tạo đường hầm trực tiếp đến sỏi sẽ giúp giảm cảm giác đau do vết mổ ở các lần can thiệp sỏi tiếp theo. Ưu điểm vượt trội của kỹ thuật lấy sỏi qua da so với mổ mở là người bệnh được điều trị ít xâm hại, bảo tồn chức năng thận, phục hồi nhanh sau mổ và thời gian nằm viện ngắn. Phương pháp này có thể áp dụng cho cả các trường hợp sỏi lớn hoặc thất bại với điều trị nội khoa hoặc tán sỏi ngoài cơ thể.
Tuy nhiên, kỹ thuật này có một số biến chứng. Hướng dẫn điều trị sỏi niệu của Hội Tiết niệu châu Âu năm 2018 đề cập một tỷ lệ nhỏ các biến chứng gồm sốt, tràn khí, tràn máu, tổn thương phổi, nhiễm trùng huyết, tổn thương nội tạng, thuyên tắc mạch, rò nước tiểu, tử vong.
Sách Campbell-Walsh-Wein Urology phiên bản năm 2020, được xem là sách giáo khoa "gối đầu giường" của các bác sĩ tiết niệu thế giới, nêu: "Ngay cả đối với bác sĩ tiết niệu có kinh nghiệm nhất, các biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật lấy sỏi qua da, với các biến chứng lớn 7% và các biến chứng nhỏ có thể đến 25%". Tuy nhiên tất cả những biến chứng này đều có tỷ lệ thấp hơn mổ mở”.
Tỷ lệ sạch sỏi của tán sỏi thận qua da lên đến 90%, tùy mức độ kinh nghiệm của bác sĩ, đặc tính của sỏi và thiết bị được sử dụng. Các nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong tán sạch sỏi là không tiếp cận được các đài thận chứa các viên sỏi, hình ảnh phẫu trường khó quan sát rõ do máu che mờ, kỹ thuật và thành phần sỏi.
Thanh Nguyên