Chiều 29.7, UBND TP.Cần Thơ đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ quý 2 năm 2024.
Tại cuộc họp báo, phóng viên Một Thế Giới đã nêu lên tình trạng xuống cấp của nhiều khu dân cư ở Nam Cần Thơ và hỏi về giải pháp xử lý của chính quyền TP.
Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ Mai Như Toàn cho biết, khu đô thị này được khởi công xây dựng vào những năm 2004-2007. Tuy nhiên, nhiều dự án sau 20 năm vẫn chưa hoàn thành hạ tầng nên ngành chức năng chưa thể nghiệm thu công trình; trong đó, có các dự án như: khu dân cư Xây dựng Cần Thơ, khu dân cư Công ty CP Xây dựng số 8, khu dân cư Diệu Hiền, khu dân cư Phú An, khu dân cư Thiên Lộc...
Sắp tới, Sở Xây dựng TP.Cần Thơ sẽ rà soát lại và căn cứ vào quy định pháp luật để có biện pháp buộc chủ đầu tư các dự án phải hoàn thành hạ tầng và bàn giao cho TP. Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ, TP sẽ có biện pháp chế tài buộc các chủ đầu tư phải tuân thủ việc này. Với các chủ đầu tư bị phá sản hoặc qua đời, TP sẽ có biện pháp giải quyết tùy hoàn cảnh thực tế.
Liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù của Quốc hội cho TP.Cần Thơ, phóng viên báo đài đặt vấn đề theo đề án đã được ban hành, thành phố sẽ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương đợt 1 là 1.000 tỉ đồng trong tháng 7.2024 nhưng vì sao đến nay chưa thực hiện được?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sĩ, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.Cần Thơ cho biết việc này chỉ mới là dự kiến. Theo quy định, thành phố sẽ xây dựng đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương gửi Bộ Tài chính có ý kiến và bộ đã có ý kiến với đề án của TP.Cần Thơ.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài Chính, ngày 26.7, UBND TP.Cần Thơ đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài Chính, chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính quyền địa phương thống nhất phương án tham mưu, đề xuất và hoàn chỉnh đề án trong năm 2024 theo đúng trình tự, thủ tục quy định.
Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết thêm, Bộ Tài chính có ý kiến phải làm thật kỹ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương phát hành phải có địa chỉ sử dụng, cam kết giải ngân hết, đúng thời gian quy định.
"Cho nên tôi mới giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng với các chủ đầu tư ngồi lại tính ngày nào vay, số tiền được sử dụng thì giải ngân thế nào, đảm bảo trong năm 2024 sử dụng hết ra sao", ông Hiển nói.
Một vấn đề khác được báo chí nhắc đến là tình trạng đắp chiếu của Bệnh viện Ung bướu TP.Cần Thơ. Phó giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Việt Nga cho biết, trong năm nay, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã 3 lần tổ chức buổi làm việc với TP.Cần Thơ và các bộ, ngành liên quan để phân tích, đánh giá để tìm giải pháp khả thi tiếp tục thực hiện dự án xây dựng bệnh viện này.
Gần nhất là vào chiều 11.7, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã có chủ trương về việc chấm dứt hiệp định vay vốn ODA với Hungary và tiếp tục triển khai dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ bằng nguồn vốn trong nước. Sở Y tế TP.Cần Thơ đã cung cấp toàn bộ hồ sơ có liên quan đến việc xây dựng Bệnh viện Ung bướu để các bộ ngành liên quan nghiên cứu, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến dự án. Sở cũng chủ động làm việc với liên doanh nhà thầu để trao đổi, thống nhất phương án giải quyết liên quan đến hợp đồng EPC.
"Sở đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND TP báo cáo xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy đối với phương án tiếp tục thực hiện dự án, làm cơ sở báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định", bà Nguyễn Ngọc Việt Nga cho biết.
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu được UBND TP.Cần Thơ phê duyệt vào ngày 25.1.2017, với tổng mức đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA từ Hungary là hơn 1.393 tỉ đồng. Qua nhiều năm triển khai, đến nay dự án mới chỉ hoàn thành hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công. Trong đó, hạng mục xây dựng đạt 82%, hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị xây dựng hoàn thành hơn 16%.
Hợp đồng giữa Sở Y tế TP.Cần Thơ và liên danh nhà thầu đã hết hiệu lực vào ngày 10.7.2022. Hiệp định vay của dự án đã được ký kết lần 2 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Eximbank Hungary hết hiệu lực vào ngày 11.7.2022. Vì thế, dự án đã “đắp chiếu” trong thời gian qua.
Về vấn đề dự án chống ngập, chống sạt lở cho TP.Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển cho rằng TP đã có dự án chống ngập, chống sạt lở. Dự án này đã được đề xuất với Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong năm nay. Tuy nhiên, phía Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thì cho rằng dự án này chỉ cần tổng số vốn 2.000 tỉ đồng là đủ.
Theo ông Dương Tấn Hiển, TP vẫn kiên trì với đề nghị nguồn vốn 4.500 tỉ đồng. Theo đó, để cho TP.Cần Thơ an toàn, giảm nguy cơ sạt lở và chống ngập thì cần phải đầu tư đúng mức.
Trong thời gian qua, TP.Cần Thơ đã 3 lần thực hiện vốn vay từ Ngân hàng Thế giới để nâng cấp đô thị. Tình trạng ngập lụt và ô nhiễm môi trường đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên, dưới tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, TP.Cần Thơ và các đô thị ở ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ sạt lở và ngập lụt hằng năm khi mùa lũ về và triều cường.