Bạo lực học đường là câu chuyện không hề mới mẻ, nhưng tệ nạn này hiện nay không chỉ xảy ra trên thực tế mà ngay cả trên mạng học sinh cũng bị "bắt nạt online".

Cần xây dựng mô hình phòng chống bạo lực học đường lồng ghép vào kiến thức bài giảng

Dạ Thảo | 21/12/2022, 05:30

Bạo lực học đường là câu chuyện không hề mới mẻ, nhưng tệ nạn này hiện nay không chỉ xảy ra trên thực tế mà ngay cả trên mạng học sinh cũng bị "bắt nạt online".

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng bạo lực học đường như một tảng băng chìm mà phụ huynh mới chỉ nhìn thấy phần nổi, nhưng thực chất còn rất nhiều vấn đề xảy ra trong học đường mà chúng ta chưa biết.

Bạo lực học đường online, tưởng đùa mà thật

Chia sẻ với phóng viên về việc con trai mình bị các bạn bè cùng lớp, thậm chí cùng trường trêu chọc, chị Hoàng Hải Y. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết bản thân chị làm việc với máy tính nhiều nên chị thường dùng 2 máy, 1 máy laptop và 1 máy tính bàn.

"Khi tôi về nhà làm việc khuya, khi mở máy tính tôi mới phát hiện ra con tôi bị bạn bè trêu chọc rằng hát dở khi cháu đăng 1 đoạn clip hát hò lên trang cá nhân. Tuy sau đó đoạn clip này đã được con tôi xóa đi nhưng các cháu đã học tới lớp 7, lớp 8 vẫn có thể lưu được đoạn clip đó về, và với những lời bình luận chê bai, trêu chọc đã gây ra áp lực với con tôi. Đặc biệt khi con tâm sự con thích lớn lên làm ca sĩ, được đi đóng phim. Thời gian đó con tôi cứ chìm vào lời trêu chọc, chế giễu của các bạn, kết quả học lực của con tôi năm đó xuống dốc trầm trọng. Tôi cũng có nhờ bạn bè làm ở lĩnh vực truyền thông cho con tôi đi đóng 1, 2 vai phụ ở vài bộ phim vui về gia đình, nhưng thật sự đó là khoảng thời gian khó khăn để gia đình tôi động viên cháu. Thậm chí tôi phải xin chuyển trường để con không bị áp lực quá nhiều với lời chế giễu từ bạn bè", chị Y. cho hay.

Cũng như chị Y., chị Quách Thị Hiệu (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng tâm sự bản thân con trai chị cũng bị áp lực do học kém, chính vì thế trong lớp thường bị các bạn chê bai và bắt nạt. 

"Đôi khi con không tâm sự được với ai, vì điểm số con học khá thấp nên thường bị coi thường, thậm chí khi lên mạng có những hình ảnh cô bé, cậu bé tóc vàng hoe con thường bị bạn so sánh. Thay vì đưa ra những giải pháp, gợi mở hướng đi, giúp thoát khỏi áp lực, bế tắc, các thầy cô chỉ đưa ra những lời động viên, an ủi chung chung. Vì lẽ vì thế mà con tôi cũng không muốn thổ lộ, giãi bày những chuyện khó nói của bản thân".

Đưa ra ý kiến của mình, cô Đào Thị Ngọc Thùy, Hiệu trưởng Trường THPT Trường Thi (TP.Thanh Hóa) cho biết ở độ tuổi THCS, THPT các em đã có những chuyển biến tâm lý phức tạp. Chính vì thế việc nhà trường hay các thầy cô giáo khuyến khích các bạn học sinh gắn kết với nhau hơn thì cần xây dựng định hướng đúng đắn trong suy nghĩ của chính học sinh đó.

an-toan-khong-gian-mang-2.jpg
Các trường nên xây dựng mô hình phòng chống bạo lực học đường và ghép nội dung vào trong chính bài giảnggt

"Trường chúng tôi cũng vừa có diễn đàn "Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường”, ở đó các em học sinh có thể tâm sự và lắng nghe những ý kiến góp ý của thầy cô, các chuyên gia tâm lý. Nhà trường cũng lồng ghép trong nội dung môn học Giáo dục công dân, Ngữ văn... để ngăn chặn bạo lực học đường. Giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng sẽ rất chú ý đến việc sắp xếp chỗ ngồi, sắp xếp những bạn ở gần nhà nhau sẽ cùng trong một nhóm học tập để cùng làm bài tập, thực hiện các nội dung học tập chung để các em có thể dễ dàng tương tác, chia sẻ, giúp nhau cùng tiến bộ. Nhà trường cũng có những buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp định hướng, hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả mạng xã hội facebook, instagram... không đăng tải, tương tác trên mạng xã hội những thông tin dễ gây bất hòa, hiểu lầm. Và chúng tôi luôn nhắc nhở các em, mạng xã hội là ảo nhưng tổn thương của các bạn bị bắt nạt là thật. Nên các em học sinh cần tránh đưa ra những bình luận, trêu chọc nhau làm ảnh hưởng tâm lý các bạn khác" - cô Thùy cho hay.

Bạo lực học đường trên không gian mạng là một hình thức khá nguy hại bởi nó không bị giới hạn về không gian và thời gian. Các em học sinh dù ngồi bất cứ nơi đâu cũng có thể đưa ra những lời bình luận, chế giễu nhau được. Chính vì thế, theo các chuyên gia giáo dục là cần sự chung tay của nhà trường, gia đình. Nhà trường có trách nhiệm thông qua tiết giáo dục công dân phân tích hệ quả của hành vi bắt nạt trực tuyến. Gia đình phải giáo dục con ý thức tôn trọng người khác, ngay cả trên không gian mạng. Thậm chí nhà trường cần tổ chức các buổi trò chuyện chuyên đề riêng về bạo lực học đường để các học sinh đặt câu hỏi, trình bày những vấn đề mà các em băn khoăn và các giáo viên sẽ tháo gỡ những vấn đề mà các học sinh đó mắc phải.

Đừng để bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh

Hiện nay, việc giải quyết các vấn đề bạo lực học đường chính là nhiệm vụ cấp bách của ngành giáo dục. Theo bà Trần Thị Ngọc Châu (Sở GD-ĐT Bà Rịa Vũng Tàu), hiện nay vẫn xảy ra tình trạng bạo lực học đường vì tư vấn tâm lý học đường chưa được thu hút và chưa tạo được niềm tin cho học sinh. Đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý đa số là các giáo viên kiêm nhiệm, các chế độ đãi ngộ chưa được quan tâm, quy định cụ thể; chưa được đào tạo bài bản về chuyên môn nghiệp vụ, nên nội dung hoạt động quá đơn điệu, nghèo nàn, chưa đủ để phòng ngừa và xử lý các khủng hoảng liên quan đến vấn đề.

Tư vấn tâm lý học đường luôn nằm trong nhóm giải pháp tối ưu, nhằm khắc phục các hiện tượng tiêu cực ở học sinh. Đầu tư đúng mức cho mô hình này, ngành giáo dục sẽ chủ động trong công tác dự phòng và can thiệp sớm, phối hợp với gia đình đưa ra những phân tích, lời khuyên thiết thực giúp các em giải tỏa được về mặt tinh thần, làm cho các em cảm thấy vững vàng, tự tin và trên cơ sở đó có thể tự giải quyết được vấn đề của mình theo hướng tích cực, không để việc bạo lực học đường trở thành nỗi ám ảnh.

Dưới góc độ của nhà tâm lý, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, khi các vụ việc bạo lực học đường trở thành “món ăn” thông tin gây sự chú ý thì sẽ nhiều học sinh chưa biết kiểm soát thông tin vô tình mắc phải.

"Thậm chí có nhiều việc học sinh bị cha mẹ la mắng ở nhà, hoặc bị bạn bè trêu chọc sẽ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực. Và chúng ta nên nghĩ rằng không phải việc các em học sinh bắt nạt các bạn là những học sinh hư. Thứ nhất, lỗi của những học sinh bắt nạt có thể xuất phát từ người lớn chứ không phải các em. Thứ hai, kỷ luật khắc nghiệt chưa chắc đã khiến giảm hành vi bạo lực, thậm chí còn làm cho học sinh cảm thấy ấm ức, bị đối xử bất công dẫn đến lừa dối và trả đũa.

Mặt khác, cũng đừng nghĩ là cứ chuyển trường đứa trẻ bắt nạt đi là ổn. Nếu nhà trường không có một hệ thống nhận diện, phòng ngừa nguy cơ, hỗ trợ các vấn đề tâm lý, nâng cao kỹ năng quản lý cảm xúc hoặc giải quyết vấn đề thì một kẻ bắt nạt chuyển đi sẽ có những kẻ bắt nạt khác lên thay thế. Đồng thời, việc hành xử của chúng ta sẽ khiến tương lai của một đứa trẻ có thể sang một ngã rẽ tiêu cực hơn" - ông Nam chia sẻ.

Tại hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc” vừa qua, TS Trần Văn Công, trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về các mô hình phòng chống bạo lực học đường. Theo ông Công, bạo lực học đường là bạo lực ở trẻ em và thanh thiếu niên xảy ra trong khuôn viên trường học, trên đường đến trường hoặc về nhà, hoặc trong các sự kiện mà nhà trường tổ chức. Và một học sinh có thể là nạn nhân, thủ phạm, hoặc người chứng kiến. Các hệ quả không chỉ dừng lại ở tổn thương thể chất ngay lập tức mà còn là các tổn thương sau này về tinh thần.

Các trường cần có những mô hình phòng chống bạo lực học đường để tránh cho các em có những điều đáng tiếc xảy ra, lồng ghép các kiến thức vào trong bài giảng. Thông qua nhiều hình thức dạy học, tuyên truyền khác nhau: Các em học sinh được xem video tình huống thực tế, thảo luận nhóm để giải quyết các câu hỏi, như: Thế nào là bạo lực học đường? Vì sao lại xảy ra bạo lực học đường? Cách phòng chống bạo lực học đường? Thuyết trình, trình bày quan điểm cá nhân, nhóm... từ đó giúp học sinh hiểu rõ khái niệm bao hàm bạo lực học đường là gì; hình thành nhận thức; biết cách thể hiện quan điểm không đồng tình với hành vi bạo lực học đường; biết cách phòng, tránh bạo lực học đường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Pháp luật phải vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển
6 giờ trước Sự kiện
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tiếp tục đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới; quy định, chính sách nào tốt nhất cho đất nước thì cương quyết làm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần xây dựng mô hình phòng chống bạo lực học đường lồng ghép vào kiến thức bài giảng