Theo tác giả Jo Adetunji trên The Conversation, các khu vực biển thuộc Đại Tây Dương phía đông Canada đang nóng lên với tốc độ cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt thế kỷ 21.
Những thay đổi cực đoan của đại dương do biến đổi khí hậu không phải là một kịch bản trừu tượng hay viễn cảnh xa xôi. Chỉ riêng mùa hè này, 23% đại dương trên thế giới đã trải qua đợt nắng nóng, tương ứng với diện tích gần tương đương với toàn bộ Đại Tây Dương.
Những sự kiện cực đoan đó, trong bối cảnh Trái đất đang dần nóng lên, có tác động lan rộng đến sự sống ở đại dương và môi trường của chúng. Ví dụ, một số loài có thể rời khỏi môi trường ưa thích của chúng để tìm nơi có nhiệt độ phù hợp hơn, những loài khác có thể tìm cách để thích nghi cục bộ hoặc bị tuyệt chủng.
Trong khi tác động của biến đổi khí hậu lan rộng, các khu bảo tồn và vùng biển trú ẩn có thể bảo vệ các loài và cải thiện khả năng phục hồi của hệ sinh thái bằng cách giảm thiểu tác động cộng hưởng của con người.
Bảo tồn biển ở Canada
Ở Canada, đáng ngạc nhiên là thiếu quy hoạch và quản lý bảo tồn để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu. Nghiên cứu gần đây cho thấy rằng hầu hết các khu bảo tồn biển, đặc biệt là ở Đại Tây Dương (thuộc bờ đông Canada) đều nằm ở những khu vực sắp trải qua những thay đổi nhanh chóng và đáng kể, khiến chúng không phù hợp làm khu bảo tồn sinh vật biển.
Những kết quả này nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến các tác động và khả năng thích ứng của biến đổi khí hậu trong quy hoạch bảo tồn biển ở Canada. Lý tưởng nhất là các nơi trú ẩn, điểm nóng và các kịch bản khí hậu khác cần được đưa vào bất kỳ quy hoạch nào trong mạng lưới khu bảo tồn biển của Canada.
Các khu vực biển thuộc Đại Tây Dương phía đông Canada đang nóng lên với tốc độ cao hơn mức trung bình toàn cầu. Điều này dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt thế kỷ 21.
Điều đáng báo động là vùng biển ngoài khơi Nova Scotia và Newfoundland - những khu vực nổi tiếng với nghề đánh bắt cá - đang chứng kiến nhiệt độ tăng vượt cả mức dự đoán khắc nghiệt nhất trong thế kỷ này.
Nhiều khu bảo tồn biển và vùng biển trú ẩn hiện có ở những khu vực này, đã được thiết lập để bảo vệ môi trường sống của các loài cá và động vật không xương sống có giá trị thương mại. Tuy nhiên, những biện pháp bảo vệ này có thể trở nên không hiệu quả khi khí hậu thay đổi.
Dự báo biến đổi khí hậu trên biển
Để giải quyết hiệu quả các thách thức về biến đổi khí hậu đối với việc bảo tồn biển ở vùng Đại Tây Dương thuộc Canada, các nỗ lực bảo tồn hiện tại cần phải thích ứng hơn cả trong quy hoạch và quản lý. Hầu hết các khu bảo tồn biển ở Canada không được quy hoạch hoặc quản lý có tính đến tác động của biến đổi khí hậu.
Để trở nên thích ứng hơn, ta cần biết những gì đang xảy ra bên dưới bề mặt và quan trọng là khu vực, môi trường sống và loài nào dễ bị tổn thương nhất. Những hiểu biết sâu sắc này sẽ cho phép vạch ra các chiến lược hiệu quả hơn.
Bước đầu tiên trong việc xác định khu vực và loài nào có nguy cơ cao nhất do biến đổi khí hậu là sử dụng các dự báo từ các mô phỏng hệ sinh thái theo các kịch bản biến đổi khí hậu khác nhau. Điều này cùng với những đánh giá về mức độ dễ bị tổn thương của các khu vực cũng như các loài khác nhau trước những thay đổi đó, sẽ vẽ ra một bức tranh dễ hình dung hơn nhiều.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp lập mô phỏng hiện đại để giúp dự đoán và hiểu rõ những thay đổi tiềm ẩn trong tương lai ở vùng tây bắc Đại Tây Dương. Để làm được điều này, họ đã kết hợp các dự đoán trong tương lai từ 9 mô phỏng hệ sinh thái biển toàn cầu và hai mô phỏng khí hậu để cung cấp dữ liệu đầu ra được tiêu chuẩn hóa.
Những bộ dữ liệu này cung cấp cho các nhà nghiên cứu thông tin chi tiết về những thay đổi trong tương lai, chẳng hạn như sinh khối cá, nhiệt độ hoặc lượng oxy có trong nước.
Hình thành mạng lưới trú ẩn
Dựa trên kết quả nghiên cứu, người ta đã xác định được cả các điểm nóng và dự trù được nơi trú ẩn về biến đổi khí hậu. Các nhà nghiên cứu cũng điều tra xem liệu những điểm nóng hoặc nơi trú ẩn đó có trùng lặp với các khu bảo tồn biển hiện hữu hay không. Đáng chú ý là hầu hết các khu vực đều có các điểm nóng về biến đổi khí hậu đều không có nơi trú ẩn tiềm năng.
Xét rằng nơi trú ẩn khí hậu là những khu vực có khả năng trải qua những thay đổi hệ sinh thái chậm hơn, việc bảo vệ những nơi này có thể giảm thiểu tác động bổ sung - chẳng hạn như tác động của hoạt động đánh bắt cá hoặc khai thác dầu khí - để hỗ trợ khả năng phục hồi tổng thể trước biến đổi khí hậu.
Khi điều chỉnh quy hoạch bảo tồn biển để thích ứng với biến đổi khí hậu, việc bảo đảm các nơi ẩn náu do biến đổi khí hậu có thể giúp một số loài và thậm chí cả hệ sinh thái cụ thể có nhiều thời gian hơn để thích nghi, có khả năng làm chậm tốc độ tuyệt chủng cục bộ. Những nơi trú ẩn như vậy cũng có thể đóng vai trò là bước đệm cho các loài khi chúng di chuyển đến môi trường sống thuận lợi hơn trước sự thay đổi nhanh chóng của hệ sinh thái.
Mặt khác, hệ sinh thái ở các điểm nóng về tác động của biến đổi khí hậu trải qua những thay đổi nhanh chóng và đáng kể, có thể thúc đẩy sự thích nghi và tiến hóa ở một số loài, giúp chúng có khả năng thích ứng tốt hơn với một tương lai đang thay đổi.
Một mạng lưới (các nơi trú ẩn bọc lót cho các điểm nóng) như vậy sẽ nhằm mục đích mở rộng phạm vi đa dạng của các điều kiện khí hậu và trạng thái hệ sinh thái tiềm năng trong tương lai, về cơ bản là bảo vệ nhiều loại đa dạng sinh học biển.
Cùng với phương pháp bảo tồn biển thích ứng - gồm lập kế hoạch, giám sát và quản lý linh hoạt và năng động - Canada sẽ được trang bị tốt hơn để bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên của đại dương.
***
Thực tế, biến đổi khí hậu không chỉ là một kịch bản trong tương lai mà còn đang làm thay đổi đại dương của Canada. Ngày nay, đại dương ngày càng nóng hơn, với một số khu vực phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ, nhấn mạnh sự cần thiết phải bắt đầu điều chỉnh lại việc quản lý và bảo tồn biển với biến đổi khí hậu ngay từ hôm nay.
Cuối cùng, bằng cách hiệu chỉnh lại phương pháp bảo tồn biển dựa trên tác động của biến đổi khí hậu, Canada có thể bảo vệ đa dạng sinh học hiện có và khả năng thích ứng của hệ sinh thái biển cho các thế hệ mai sau.