Cảng lậu trong khu vực phòng thủ Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) do ông Tưởng Văn Thịnh dựng lên trái phép. Đáng lý phải cưỡng chế trả lại nguyên hiện trạng mặt biển nhưng hàng loạt cá nhân từ Phó chủ tịch huyện đến cán bộ xã lại bịa ra biên bản dối để cảng lậu vẫn còn trơ gan chiếm mặt biển, thách thức pháp luật.

Cảng lậu trong khu vực phòng thủ: Cưỡng chế một đằng, báo cáo một nẻo

Đức Sơn | 06/12/2017, 15:23

Cảng lậu trong khu vực phòng thủ Hòn La (Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình) do ông Tưởng Văn Thịnh dựng lên trái phép. Đáng lý phải cưỡng chế trả lại nguyên hiện trạng mặt biển nhưng hàng loạt cá nhân từ Phó chủ tịch huyện đến cán bộ xã lại bịa ra biên bản dối để cảng lậu vẫn còn trơ gan chiếm mặt biển, thách thức pháp luật.

Quyết định cưỡng chế nhưng báo cáo tự tháo dỡ

Ngày 4.4.2017, ông Phan Ngọc Duy, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch ra quyết định 757/QĐ-CC về việc cưỡng chế buộc thực hiện khắc phục hậu quả làm cảng lậu của ông Tưởng Văn Thịnh trong khu vực phòng thủ Hòn La. Quyết định giao Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện chủ trì phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Bình, Công an huyện Quảng Trạch, Đồn biên phòng Roòn cùng các phòng, ban, đơn vị liên quan khác thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với cảng cá không phép này. Thời gian hoàn thành cưỡng chế trong 30 ngày.

Biên bản nói ông Thịnh tự nguyện tháo dỡ cảng lậu nhưng nay vẫn không tháo dỡ toàn bộ cảng

Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cùng cấp dưới và các bên liên quan đã lập một biên bản hiện trạng tháo dỡ công trình vi phạm rất khác với thực tế, qua loa đại khái để bỏ tội cho ông Tưởng Văn Thịnh. Biên bản được lập vào 21 giờ ngày 13.4.2017 với nội dung: “Bản thân và gia đình ông Tưởng Văn Thịnh đã tự giác tháo dỡ cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng, đã phá dỡ các công trình vi phạm. Hiện trạng sau khi tháo dỡ như sau: Ông Tưởng Văn Thịnh đã tháo dỡ toàn bộ lán trại; di dời toàn bộ vật dụng tài sản ra khỏi khu vực công trình xây dựng trái phép; đào xúc và bốc vận chuyển đi nơi khác toàn bộ khối lượng đất, đá phong hóa dùng để tạo lập công trình cảng cá trái phép theo đúng phương án đề xuất của Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Bình (đã được các ngành thống nhất) và trả lại mặt bằng cảng biển cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”.

Cảng lậu vẫn chiếm mặt biển

Cho đến nay đã gần 8 tháng, ông Tưởng Văn Thịnh vẫn chưa trả lại mặt biển, không đào xúc hết đất đá phong hóa và bê tông, vậy màvào thời điểm ngày 13.4.2017, Phó chủ tịch UBND huyện Phan Văn Thanh đã dám ký biên bản khẳng định: “Đào xúc và bốc vận chuyển đi nơi khác toàn bộ khối lượng đất, đá phong hóa dùng để tạo lập công trình cảng cá trái phép theo đúng phương án đề xuất của Ban Quản lý khu kinh tế Quảng Bình”.

Cảng lậu cho đến nay vẫn tồn tại

Tại hiện trường cảng lậu trong khu vực phòng thủ tuyến biển Hòn La, chúng tôi nhận thấy không có chuyện “toàn bộ khối lượng đất, đá phong hóa dùng để tạo lập cảng cá trái phép” được đào xúc và bốc vận chuyện như ông Phan Văn Thanh đặt bút ký. Vị trí đất đá trên vẫn lấn chiếm không gian khu vực phòng thủ, ảnh hưởng luồng lạch hàng hải quốc gia, ảnh hưởng đến phần nào cảng Hòn La cạnh đó.

Theo quyết định 757 của Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch về cưỡng chế cảng lậu này phải trả lại nguyên trạng mặt biển như ban đầu trong vòng 30 ngày. Nhưng cho đến nay đã gần 8 tháng, ông Thịnh bỏlơ không di dời, riêng Phó chủ tịch UBND huyện, đại diện xã…thì dùng biên bản khác thực tế để báo cáo dối gian lên với cấp trên khiến dư luận bức xúc.

Thời điểm cưỡng chế, hàng loạt tờ báo đưa tin: “Tại hiện trường cưỡng chế, mặc dù trước đó các cơ quan chức năng huyện Quảng Trạch đã ra lệnh đình chỉ cảng cá xây dựng trái phép của ông Tưởng Văn Thịnh, nhưng sáng ngày thực hiện cưỡng chế, cảng cá này vẫn hoạt động tấp nập. Bất chấp các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động, một số đối tượng quá khích chống đối quyết liệt đã bị bắt giữ để lập lại trật tự”. Hàng loạt clip được người dân quay lại cảnh gây rối hiện vẫn còn lưu trữ cho thấy việc cưỡng chế gặp khá nhiều khó khăn chứ không phải là sự tự nguyện như biên bản báo cáo.

Cảng sau khi bị tháo dỡ

Điều kỳ lạ là ông Tưởng Văn Thịnh không tháo dỡ toàn bộ cảng cá lậu của mình nhưng các cơ quan chức năng lại cấp cho ông Thịnh một vị trí khác cách cảng lậu 180m để làm một dự án cảng khác. Phải chăng việc làm biên bản gian dối, qua loa, khác đi với thực tế là nhằm ủng hộ ông Thịnh không trả lại mặt bằng mặt biển trong tuyến phòng thủ ven biển này?

Giải thích việc trên, ông Phan Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện nói: “Ban đầu là quyết định cưỡng chế nhưng trong quy trình cưỡng chế nó có quy trình vận động tự giác tháo dỡ, trong quá trình đó ông Tưởng Văn Thịnh có chấp hành, tức là vận động ông tự tháo dỡ thì lán, tẹc đã tự đưa đi. Riêng phần đất không đủ năng lực thì ông nhờ khu kinh tế hỗ trợ để đào đi”.

Ngày cảng bị cưỡng chế, ôngThịnh không chấp hành lệnh cấm hoạt động vẫn cho tàu thuyền cập bến, buôn bán để tạo áp lực

Như vậy lời ông Thanh nói khác biệt rất lớn với những gì ông ký trong biên bản hôm 13.4.2017. Tại văn bản này ông nói đã nói ông Thịnh đã bóc đất đá đi toàn bộ, nhưng khi trao đổi lại nói nhờ khu kinh tế đào đi. Trên thực tế, liên quan đến cảng cá lậu tồn tại gần 3 năm này, các cơ quan chức năng từ UBND xã, UBND huyện Quảng Trạch, Ban Quản lý khu kinh tế Hòn La, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện, Cảng vụ Quảng Bình đã ra hơn 20 văn bản gồm biên bản vi phạm, văn bản xử phạt hành chính, có biên bản ông Thịnh ký, có biên bản ôngkhông thèm ký. Trong số các cơ quan liên quan ra văn bản xử lý cảng lậu, Ban Quản lý khu kinh tế Hòn La ra nhiều nhất với 10 văn bản, vậy nhưng ông Thịnh vẫn xem thường. Từ đó càng thấy việc ông Thanh nói ông Tưởng Văn Thịnh tự nguyện là không có căn cứ.

Đức Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
10 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cảng lậu trong khu vực phòng thủ: Cưỡng chế một đằng, báo cáo một nẻo