Từng đoàn xe tăng Trung Quốc kéo đến Khau Lỷ (huyện Hòa An, Cao Bằng) mang theo chết chóc, đổ nát và những cuộc chạy nạn kinh hoàng.
Cách đây 40 năm, ngày 17.2.1979, quân Trung Quốc tràn sang biên giới Việt Nam cùng xe tăng và hàng vạn bộ binh chia theo nhiều hướng, đánh chiếm 6 tỉnh phía Bắc nước ta.
Ở mặt trận Cao Bằng, chỉ trong 2 ngày, lính Trung Quốc đã chiếm đượcnhiều vị trí quan trọng. Trong đó,bản Khau Lỷ, xã Đức Long, huyện Hòa An là một trong những điểm nóng khi kẻ địch chọn đây là nơi tập kết xe tăng trên đường tiến quân. Nhiều thiết bị từ cỗ máy này vẫn được người dân gom bán sau khi địch rút lui.
Ông Lý Anh Tự (SN 1949) - Chủ tịch hội người cao tuổi xã Đức Long nhớ lại: Cuối tháng 2.1979, dọc các con đường ở Khau Lỷ hằn in những bánh xích xe tăng, những mái nhà bị đạn pháo bắn phá, húc đổ tan hoang.
"Những năm 1990, khi về bản, tôi thu mua sắt vụn, ngày ấy tôi mua được nhiều nhất là bản xích xe tăng, chắc phải đến 10 tấn", lời ông Tự.
Lính Trung Quốc tập trung ở đây rất đông, chúng ra tay sát hại người dân vô tội không thương tiếc.
Bà Ma Thị Ngơ (SN 1930) là một trong những người mẹbất hạnh. Khi lính Trung Quốc tràn sang, bà đang ngủ ở lán trên nương ngô, đứa con trai 12 tuổi ở nhà một mình.
“Quân địch bao vây quá đông, tôi không thể đưa con đi trốn. Trở về, tôi thấy nhà bị san phẳng. Người ở bản nói rằng con trai tôi bị giết chết ngoài cánh đồng. Đến nay, tôi vẫn chưa tìm thấy thi thể của con để chôn cất”, bà nghẹn ngào.
Người mẹ già sống một mình trong căn nhà trống trải, sau gần nửa thế kỷ, bà vẫn không nguôi nỗi nhớ con trai. Không thấy thi thể con, mỗi bữa cơm bà vẫn đặt thêm một chiếc bát và đôi đũa, mở rộng cửa với hy vọng một ngày con sẽ trở về.
“Tôi chỉ có một đứa con, nếu nó ở đây, chắc bây giờ đã có vợ và tôi đã được làm bà nội”, bà khóc nghẹn.
Nỗi ám ảnh về cuộc chiến quá lớn, có những người tuổi gần 90, nhưng hễ nhắc về cuộc chiến cách đây 40 năm họ vẫn nhớ như in từng ngày trốn chạy, những cuộc hành quyết người dân vô tội.
Bà Long Thị Hò (85 tuổi), người từng chạy nạn và chứng kiến sự tàn bạo của lính Trung Quốc chia sẻ: “Khi lính Trung Quốc tràn sang, chúng chia làm hai tốp, một nhóm đi trước rải truyền đơn và tuyên truyền với người dân là sẽ không giết và cướp phá, nhiều người đã tin vào điều đó. Nhóm thứ hai đến sau thì làm ngược lại, chúng giết và san phẳng tất cả”.
“Tôi tận mắt chứng kiến cảnh quân địch trói 2 người dân bản, giải ra cánh đồng rồi dùng gậy đánh liên tục, đến lúc họ lịm đi và chết gục”, lời bà Hò.
Ôm con 1 ngày tuổi chạy giặc
Ở Khau Lỷ, có một người đàn bà mang ký ức chạy giặc khi vừa sinh con chưa đầy một ngày tuổi - bà Hoàng Thị Thỏ (SN 1949).
Bà là người dân tộc Nùng, thời điểm nổ ra cuộc chiến, bà tròn 30 tuổi, chồng là bộ đội đóng quân xa nhà.
“Tôi sinh con trai đầu lòng vào ngày 16.2.1979, đến rạng sáng hôm sau cả làng nháo nhác kéo nhau chạy trốn. Tôi ôm con nhỏ cùng mẹ chồng chạy về hướng Lam Sơn (xã Hùng Việt, Hòa An)”, bà kể lại.
Bà không kịp mang theo thứ gì để ăn uống, gặp ai đi qua là bà lại xin từng chút thức ăn để lấy sức chạy đến nơi an toàn.
Quãng đường từ Khau Lỷ đến nơi sơ tán khoảng 12km, bà Thỏ ôm con băng rừng, lội suối, chạy cả trong đêm.
Bà Thỏ trải lòng: “Trong đầu tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất là bằng mọi giá phải để con trai sống và nuôi con trưởng thành. Tôi quên mất đôi chân tôi ứa máu vì bị cứa vào đá, bụng đói lả để đưa con đến được nơi sơ tán”.
Anh Nông Văn Chiến, con trai bà Thỏ nay 40 tuổi.
“Tôi cảm thấy mình quá may mắn, tôi biết ơn mẹ, biết ơn những người đã ngã xuống để có được hòa bình như hôm nay”, anh chia sẻ.
Sau này người dân thường gọi mảnh đất này với tên gọi 'bãi xe tăng'. Đã 40 năm trôi qua nhưng mỗi lần nhắc về cuộc chiến, những người như bà Thỏ, bà Ngơ, ông Tự, bà Hò… và rất nhiều người khác vẫn chưa thôi ám ảnh.
Theo Đoàn Bổng/VietNamNet