Việc trình làng bộ sưu tập đầu tiên của Carolina Herrera vào năm 1981 đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ thời trang Mỹ bị chi phối bởi các khuynh hướng của các nhà thời trang châu Âu và bắt đầu một làn sóng mới của thiết kế New York.

Carolina Herrera và bước ngoặt 'vàng son' trong quá khứ

20/04/2018, 11:25

Việc trình làng bộ sưu tập đầu tiên của Carolina Herrera vào năm 1981 đánh dấu sự chấm dứt thời kỳ thời trang Mỹ bị chi phối bởi các khuynh hướng của các nhà thời trang châu Âu và bắt đầu một làn sóng mới của thiết kế New York.

Diana Vreeland (trái) và Carolina Herrera tại chương trình của nhà thiết kế - Ảnh: Internet

Ngày 27.4.1981, Carolina Herrera - một nhân vật có vai vế với phong cách ăn mặc đẹp xuất sắc, khách hàng thân thiết của Studio 54 (hộp đêm dành riêng cho các ngôi sao), bà mẹ 4 con và là nàng thơ của họa sĩ Andy Warhol - trình làng bộ sưu tập đầu tiên của bà với tư cách là nhà thiết kế thời trang. Đó là một động thái sự nghiệp được Diana Vreeland, cố biên tập thời trang tạp chí Vogue Mỹ, khuyên bảo. “Tôi muốn thiết kế vải”, bà Herrera, 79 tuổi, nhớ lại. “Tôi đến gặp bà Diana, kể cho bà câu chuyện của tôi và hỏi liệu bà có thích ý tưởng đó hay không. Bà trả lời, ‘Trời ơi, cái đó rất chán. Tại sao em không làm cái gì khác, liên quan đến thời trang? Tại sao em không làm một bộ sưu tập?’". Vì thế, bà đã làm. Một bộ sưu tập gồm 20 bộ trang phục với một nhóm người mẫu được quy tụ nhờ sự giúp đỡ của bạn bà, nhà thiết kế Bill Blass. Chương trình được tổ chức tại Metropolitan Club, một hộp đêm được thành lập năm 1891 bởi J.P. Morgan và nằm trên đường số 60 của thành phố New York - lần đầu tiên hộp đêm cho phép tổ chức biểu diễn thời trang. Các nhạc công chơi nhạc của nhạc sĩ Cole Porter. Đó là một sự kiện đúng nghĩa.

Sự chuyển mình mạnh mẽ

Gần 37 năm sau, Carolina Herrera nói bằng giọng nhỏ nhẹ, quý tộc qua điện thoại từ xưởng của bà tại New York. Đó là vào hồi tháng 2 vừa qua, hai ngày sau khi ra mắt bộ sưu tập thu đông 2018 - 2019, nơi bà chính thức ngưng chức giám đốc sáng tạo, chuyển sang vai trò đại sứ trong công ty của bà.

Người mẫu Iman trong chương trình biểu diễn thời trang Carolina Herrera tại thành phố New York năm 1981 - Ảnh: Internet

Việc trình làng bộ sưu tập đầu tiên của Herrera năm 1981 là một sự kiện quan trọng. Nó không chỉ thông báo về dòng hàng của bà, dòng hàng mà ngay lập tức được các trung tâm thương mại lớn chọn mua như Saks Fifth Avenue và Bergdorf Goodman, mà còn đánh dấu sự chấm dứt một giai đoạn thời trang của thành phố để bắt đầu một thời kỳ khác. Bối cảnh thời trang của New York thay đổi. Một nhóm nhà thiết kế uy tín, những người tạo sự chú ý trong những năm 1960 - Bill Blass, Oscar de la Renta, Geoffrey Beene, Ralph Lauren, Calvin Klein - được tiếp nhận một lính mới mà không bao lâu sẽ lớn mạnh.

Gần cuối những năm 1970, Mỹ hầu như bám theo các khuynh hướng của các nhà thời trang châu Âu. Thế nhưng đến những năm 1980, đường nét lờ mờ của thời trang Mỹ cuối cùng cũng đã hình thành một cách rõ nét. Đó là những bộ quần áo hiện đại mang đến cảm giác thoải mái và tự do, được bắt nguồn từ trang phục thể thao thiết thực. Mọi thứ, từ áo đầm dạ tiệc của Herrera cho đến áo choàng may đo của Stephen Sprouse đều bị ảnh hưởng bởi sự thoải mái của chiếc quần jean - một ý thức hệ mà cả hai nhà thiết kế đều bị lôi cuốn và phản ánh thái độ của một thế hệ mới của những người phụ nữ được giải phóng. Những bộ quần áo này - những bộ trang phục thun của Donna Karan, những bộ trang phục dệt kim của Marc Jacobs, những bộ trang phục ứng dụng đầy duyên dáng của Carolina Herrera - bất ngờ phản ánh đời sống của họ, cách mà ít người ở Paris hoặc Milan có thể phản ánh.

Wes Gordon và Carolina Herrera chào khán giả tại chương trình thời trang mùa thu đông 2018 - 2019 - Ảnh: Internet

Được giới thiệu ở biệt thự do kiến trúc sư Stanford White thiết kế, chương trình đầu tiên của Herrera là một sự pha trộn của những tầng lớp và xã hội khác nhau - sự phối hợp mạnh mẽ đem đến sự khẳng định văn hóa sáng tạo của Manhattan (thành phố New York) trong những năm 1980. “Metropolitan Club không cho đàn ông bước vào nếu không thắt cà vạt”, bà Herrera nhớ lại. “Mọi người đến, kể cả Steve Rubell, ông chủ Studio 54 mà không thắt cà vạt thì họ cũng không cho vào. Vì thế, ông đến trung tâm thương mại Bergdorf Goodman mua cà vạt. Khi ông thắt cà vạt và bảo, ‘Tôi đây’. Khi đó, họ mới cho ông vào”. Bà thừa nhận, nó là một nơi khác biệt để làm chương trình. Và đám đông - người mua hàng, phóng viên, nghệ sĩ và những nhân vật như: Diana Vreeland, Steve Rubell, Bianca Jagger cùng một danh sách là những nhân vật tinh hoa nặng ký của thành phố New York - cảm thấy khác biệt, hứng thú.

Giữ vững niềm tin

Ngày nay, ngắm nhìn lại bộ sưu tập năm 1981 của Herrera, các bộ quần áo dường như là ví dụ tiêu biểu của sự xa hoa trong thập niên 80. “Mọi thứ đều quá hoàn hảo”, bà bộc bạch. Một chiếc áo đầm trong chương trình, giờ đây, được trưng bày tại Học viện kỹ thuật thời trang Manhattan, thành phố New York.

Carolina Herrera sẽ trở thành đại sứ thương hiệu toàn cầu trong khi Wes Gordon sẽ giữ chức giám đốc sáng tạo - Ảnh: Internet

Thật bất ngờ khi một khoảnh khắc thời trang tìm thấy sự cộng hưởng mới ngày nay. Trớ trêu thay, bà Herrera nói lời chia tay trong một mùa nơi sự xa hoa và nét duyên dáng của những năm 1980 đang tái xuất hiện như một khuynh hướng chính. Cùng lúc đó, một số nhà thiết kế Mỹ tài năng nhất đang chọn nơi trình làng các bộ sưu tập của họ là ở Paris, không phải New York, khi người Mỹ đang hồi tưởng thời điểm thời trang Mỹ rất thành công. Sự lặp lại thời trang của những năm 1980 nhắc người ta nhớ tại sao họ lại hào hứng với thời trang Mỹ ở thời kỳ đầu.

Một số thiết kế trong bộ sưu tập mùa thu đông 2018 - 2019 được ra mắt ngày 12.2.2018 tại thành phố New York - Ảnh: Internet

Chương trình cuối cùng của Herrera - bà là nhà thiết kế đầu tiên tổ chức chương trình biểu diễn thời trang tại Bảo tàng nghệ thuật hiện đại - nối kết với chương trình đầu tiên. Đó là thế hệ già đang nhường lối cho thế hệ trẻ; trong trường hợp của bà Herrera là “nhường ngôi” cho nhà thiết kế người Mỹ 31 tuổi Wes Gordon. Tuy nhiên, nó cũng gây tiếng vang cho những tham vọng cơ bản của bà: tôn vinh nét duyên dáng và vẻ đẹp, thậm chí trong những thời điểm khó khăn. “Tôi nghĩ, để tồn tại trong ngành này, bạn phải có niềm tin. Hãy làm theo cách của bạn và giữ vững suy nghĩ. Nếu muốn làm một nhà thiết kế, bạn phải chắc chắn rằng những gì bạn làm là những gì bạn thật sự tin tưởng. Tôi tin vào nét duyên dáng. Tôi tin vào những người phụ nữ đẹp, thanh lịch. Và tôi tin phụ nữ trở nên xinh đẹp khi họ mặc trang phục Carolina Herrera”, bà tâm sự.

Mê Linh (Theo The New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
3 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Carolina Herrera và bước ngoặt 'vàng son' trong quá khứ