Bao lâu những quy định pháp luật còn chưa được làm rõ thì việc truy tố và xét xử các bị cáo về tội buôn bán hàng giả vẫn còn là một thách thức pháp lý đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Câu chuyện VN Pharma và nguyên tắc 'Đúng người đúng tội'

HỒ NGỌC DIỆP | 09/11/2017, 09:49

Bao lâu những quy định pháp luật còn chưa được làm rõ thì việc truy tố và xét xử các bị cáo về tội buôn bán hàng giả vẫn còn là một thách thức pháp lý đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Câu chuyện Công ty cổ phần VN Pharma kinh doanh mặt hàng thuốc chữa bệnh ung thư giả, thời gian qua đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong dư luận.

Làn sóng đó càng lúc càng trở nên dữ dội hơn khi người dân biết rằng, mặt hàng thuốc chữa bệnh ung thư mà các bị cáo thực hiện hành vi buôn bán, theo quy định của pháp luật nói chung và Luật Dược nói riêng, đều được xác định là thuốc giả. Nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm lại điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo về tội “Buôn lậu”.

Mặc dù hiện nay chúng ta tạm hài lòng với kết quả của bản án phúc thẩm ngày 30.10 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM về việc hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để tiến hành điều tra, xét xử lại vụ án theo hướng thay đổi tội danh các bị cáo từ “Buôn lậu” sang “Buôn bán hàng giả”, tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, hành vi của các bị cáo có đủ yếu tố cấu thành tội “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo quy định tại điều 157 BLHS hay không? Vì sao đối tượng hàng hóa được xác định là hàng giả, nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm vẫn phải điều tra, truy tố và xét xử các bị cáo về tội buôn lậu?

Từ “cái lý” của nhà làm luật

Khi xây dựng điều 153 BLHS về “Tội buôn lậu”, nhà làm luật chủ yếu dùng để chế tài các hành vi buôn bán trái phép qua biên giới, mà không phân biệt đối tượng hàng hóa đó là hàng cấm, hàng giả hay hàng kém chất lượng.

Điều này được thể hiện rõ tại các điểm a; c Khoản 1 Điều 153 BLHS quy định về tội buôn lậu. Theo đó, đối với các trường hợp được quy định tại các điều 193,194,195,196, 230, 232, 233, 236 và 238 BLHS (là các tội phạm liên quan đến “Ma túy”; “Vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”; “Vật liệu nổ”; “Vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ”; “Chất phóng xạ”; “Chất cháy, chất độc”) thì bất luận người phạm tội thực hiện hành vi buôn bán trái phép ở đâu (trong nước hay “qua biên giới”) khi bị phát hiện, họ đều phải bị xử lý theo các tội danh tương ứng với các điều luật nêu trên mà không phải là tội buôn lậu (vì quy định tại các điểm a; c khoản 1 điều 153 loại trừ các trường hợp này).

Tuy nhiên, đối với người có hành vi buôn bán trái phép qua biên giới các mặt hàng khác, không thuộc trường hợp quy định tại các điều luật nói trên, thì theo quy định tại các điểm a; c Khoản 1 Điều 153, cho dù trước đó họ từng bị xử phạt hành chính hay bị kết án về một trong các tội danh quy định tại các điều 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160 và 161 BLHS (trong đó có Tội buôn bán hàng cấm – Điều 155 và Tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh – Điều 157) thì vẫn phải xử lý họ về tội buôn lậu, mà không xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi buôn bán hàng cấm hay hàng giả như những trường hợp phạm tội ở trong nước.

Sở dĩ nhà làm luật quy định việc xử phạt hành chính hoặc bị kết án về một trong các tội phạm quy định tại các điều luật nêu trên như là “điều kiện đủ” để xử lý về hành vi buôn lậu là vì, các tội phạm này đều có chung một khách thể bị xâm phạm là “Trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước”.

Điều này hoàn toàn khác với những trường hợp quy định tại các điều 193,194,195,196, 230, 232, 233, 236 và 238 BLHS, là các tội phạm về ma túy và xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, mà các điểm a; c Khoản 1 Điều 153 đã loại trừ để xử lý hành vi phạm tội trực tiếp bằng các tội danh này.

Như vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 153, bản thân hành vi buôn bán trái phép qua biên giới đối với các mặt hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cũng như một số loại hàng hóa khác (từ Điều 155 đến Điều 158), không trực tiếp cấu thành tội phạm theo các điều luật này như những trường hợp phạm tội ở trong nước, mà nó chỉ là “điều kiện đủ” để xem xét trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.

Ví dụ, một người thực hiện hành vi buôn bán trái phép qua biên giới mặt hàng cấm là thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài hay hàng giả là thuốc chữa bệnh, với giá trị hàng phạm pháp dưới một trăm triệu đồng, nhưng do trước đó họ đã bị xử phạt hành chính về hành vi buôn bán hàng cấm hoặc hàng giả nên lần vi phạm này đã bị khởi tố về hình sự.

Trong trường hợp này, mặc dù đối tượng hàng hóa của cả hai lần vi phạm đều là hàng cấm hoặc hàng giả là thuốc chữa bệnh, nhưng rõ ràng, theo quy định tại Khoản 1 Điều 153, hành vi buôn bán hàng cấm hay hàng giả nói trên, không thể bị xử lý về tội buôn bán hàng cấm, hàng giả (theo các điều 155, 157), mà chỉ có thể bị khởi tố điều tra về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 153 BLHS.

Đến nguyên tắc “Định tội theo hành vi”

Mặc dù cho đến nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào trực tiếp minh thị vấn đề này, tuy nhiên thực tiễn tố tụng cho thấy nguyên tắc định tội theo hành vi (tạm gọi như thế) thường được áp dụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến các tội danh buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng…

Theo đó, cùng một đối tượng hàng hóa (là hàng cấm hay hàng giả) nhưng nếu người phạm tội thực hiện hành vi buôn bán các mặt hàng này ở trong nước thì khi bị phát hiện, họ sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử về tội danh buôn bán hàng cấm hay hàng giả.

Trái lại, nếu việc buôn bán đó được thực hiện trái phép qua biên giới thì trong mọi trường hợp, họ đều phải bị xử lý về hành vi buôn lậu, mà không phải là tội buôn bán hàng giả hay hàng cấm.

Chẳng hạn, theo Danh mục hàng hóa cấm lưu thông, dịch vụ thương mại cấm thực hiện (ban hành kèm theo Nghị định số 11/1999/NĐ - CP ngày 3.3.1999 của Chính phủ) hay Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Ban hành kèm theo Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20.11.2013 của Chính phủ) thì các mặt hàng “Thuốc lá điếu sản xuất tại nước ngoài”; “các loại pháo nổ”; “Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội...” là hàng cấm.

Tuy nhiên, thực tiễn tố tụng cho thấy, nếu một người thực hiện hành vi buôn bán trái phép qua biên giới đối với mặt hàng là các loại pháo nổ, thuốc lá điếu sản xuất ở nước ngoài hay di vật, cổ vật… thì khi bị phát hiện, họ đều bị xử lý về hành vi buôn lậu, chứ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi buôn bán hàng cấm, mặc dù theo quy định của pháp luật, các hàng hóa nêu trên đều nằm trong danh mục hàng cấm và BLHS 1999 có hẳn một điều luật quy định về tội danh này.

Như vậy, rõ ràng khi xác định tội danh trong các vụ án liên quan đến các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng… cơ quan tố tụng chủ yếu căn cứ vào hành vi thực hiện tội phạm xảy ra ở đâu. Nếu xảy ra ở trong nước thì tùy thuộc vào đối tượng hàng hóa là hàng cấm hay hàng giả mà người phạm tội sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự theo các tội danh tương ứng.

Trái lại, nếu hành vi buôn bán đó được thực hiện “qua biên giới” thì trong mọi trường hợp, người phạm tội đều phải bị xử lý về hành vi buôn lậu, mà không phụ thuộc vào đối tượng hàng hóa đó là hàng cấm, hàng giả hay hàng kém chất lượng.

Vì vậy, bao lâu những quy định pháp luật và thực tiễn tố tụng nêu trên còn chưa được làm rõ, thì việc truy tố và xét xử các bị cáo về tội buôn bán hàng giả, vẫn còn là một thách thức pháp lý đối với các cơ quan tiến hành tố tụng.

Luật sư HỒ NGỌC DIỆP (Đoàn luật sư TP.HCM)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nông dân An Giang, Đồng Tháp thắng lớn vụ lúa hè - thu
Nông dân An Giang, Đồng Tháp thường sản xuất ba vụ lúa trong năm. Mỗi nơi tùy vào thời điểm nước lũ rút, khả năng điều tiết nước, mật độ sâu rầy, ngành bảo vệ thực vật sẽ cho lịch gieo sạ sớm hoặc trễ hơn. Năm nay, các vùng này xuống giống khoảng 1,4 triệu hecta vụ hè - thu, phần lớn từ tháng 3 nên cho thu hoạch sớm hơn năm trước (chính vụ vào tháng 6-7).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện VN Pharma và nguyên tắc 'Đúng người đúng tội'