Ngoài ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng, đầm ấm, vui tươi, cởi mở và tràn đầy may mắn, thục quỳ được xem là một loại dược liệu quý, có công năng xoa dịu những vết thương ở bên ngoài và bên trong cơ thể con người.

Cây thục quỳ và những bài thuốc diệu kỳ

09/07/2016, 11:29

Ngoài ý nghĩa mang lại sự thịnh vượng, đầm ấm, vui tươi, cởi mở và tràn đầy may mắn, thục quỳ được xem là một loại dược liệu quý, có công năng xoa dịu những vết thương ở bên ngoài và bên trong cơ thể con người.

Cây thục quỳ

Cây thục quỳ còn được gọi là mãn đình hồng (hollyhock; hollyhock Mallow), tên khoa học Althaea rosea (L.) Cav. (Alcea rosea L.), thuộc họ Bông - Malvaceae. Thục quỳ là cây sống lưu niên, thân thẳng, có lông, cao 2-3m. Lá mọc so le, dạng tim, chia thuỳ, rộng tới 30cm; mặt lá thô ráp, có lông trắng. Hoa có cuống ngắn, ở ngọn thân, to, rộng 10-12cm, có nhiều màu, từ màu trắng tới màu hồng, đỏ, đỏ thẫm, có loại kép, loại đọn, thường xếp thành từng đôi; lá đài phụ 5-8 có lông trắng, dính nhau ở gốc; đài cao 2-3cm; ống nhị ngắn, bầu 25-45 ô 1 noãn. Quả nằm trong đài, các phân quả không mở.

Thục quỳ có nguồn gốc ở Trung Âu và Trung Quốc, được nhập trồng làm cảnh ở nhiều nơi. Ở Việt Nam, thục quỳ có thể trồng từ vùng thấp đến vùng cao, với nhiều giống hoa khác nhau như hoa cánh đơn, hoa cánh kép, màu sắc đa dạng. Cây cho hoa quanh năm, ra hoa sau khi gieo hạt 120 - 135 ngày. Tại cố đô Kyoto, Nhật Bản, có lễ hội Aoi (Aoi Matsuri, hay còn gọi là lễ hội cây thục quỳ), được tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Còn trong văn hóa Trung Quốc, hoa thục quỳ được xem là biểu tượng của Lý Phu nhân (Lady Li), được tôn vinh là hoa thần của tháng 7.

Thục quỳ trong y học

Những bộ phận dùng làm thuốc là hoa, hạt, rễ, lá. Hoa thu hái tốt nhất vào mùa hè, phơi khô trong râm (phơi âm can), bảo quản để dùng dần. Trong hoa có chứa flavonoid là cyanidin, một số chất khác là: rutin, crinin, altein, phloretin, nhiều vitamin và chất khoáng vi lượng. Rễ thu hái vào mùa thu đông, rửa thật sạch, phơi khô. Rễ có chứa 37% tinh bột, 11% chất nhầy, 11% pectin, flavonoid, acid phenolic, sucrose và asparagine. Hạt thu hái vào cuối hè, phơi thật khô để dùng. Hạt thục quỳ chứa 11,9% dầu khô. Lá thu hái quanh năm, rửa sạch, dùng tươi hay phơi sấy khô, bảo quản để dùng dần. Ở phương Tây, người ta sử dụng các chất xơ hòa tan có trong lá và rễ của thục quỳ (pectin, chất nhầy) để làm dịu, bảo vệ niêm mạc ống tiêu hóa, chữa bệnh dạ dày dư acid, viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm hồi tràng (ruột non), viêm đại tràng, hội chứng ruột bị kích thích, phòng ngừa ung thư kết tràng.

Trong Đông y, các bộ phận của cây thục quỳ được sử dụng làm thuốc như sau:

Hoa: theo Đông y, hoa thục quỳ có vị ngọt, mặn, tính hàn, tác dụng lợi niệu, nhuận táo, hoạt huyết điều kinh, tán thũng, giải độc. Dùng chữa đại tiểu tiện không thông, kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới, bỏng lửa, ong và bò cạp đốt. Liều dùng 12-16g, dạng thuốc sắc uống. Dùng ngoài không kể liều lượng, tán bột để rắc, đắp lên chỗ đau. Cánh hoa và nụ hoa đem rửa sạch, hấp hoặc nấu chín, dùng trộn salad để ăn.

Hạt: hạt thục quỳ có vị ngọt, tính hàn, tác dụng lợi tiểu, thông lâm (giúp ra sỏi đường tiểu), thông đại tiện, hạ nhiệt. Thường dùng chữa thủy thũng, đại tiểu tiện không thông, sỏi niệu đạo, sốt do phong nhiệt. Liều dùng 8-12g, sắc uống hoặc tán bột mịn để uống.

Rễ: rễ có vị ngọt, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thu liễm, chỉ lỵ, lợi niệu. Dùng chữa bỏng, vết thương dao chém, viêm cổ tử cung, bạch đới, viêm ruột, lỵ. Liều dùng 12-16g sắc uống.

Lá: lá có vị chát, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt, tiêu viêm. Dùng chữa ho khan, viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm, thủy đậu, mụn rộp, bỏng. Liều dùng 20-30g, sắc uống. Dùng ngoài không kể liều lượng, rửa sạch, giã nát, đắp lên chỗ đau. Lá thục quỳ non còn dùng để ăn như một loại rau.

Những bài thuốc từ thục quỳ

Chữa viêm mũi dị ứng: cỏ cứt lợn (cỏ hôi) 20g, ké đầu ngựa 16g, thân và lá thục quỳ 20g, cỏ xạ hương (Thymus vulgaris L.) 12g, kinh giới 10g đun với 500ml, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn, uống thuốc ấm.

Chữa viêm thận, viêm đường tiết niệu: hạt thục quỳ 12g, rễ thục quỳ 12g, cây cơm cháy (Sambucus javanica Reinw.ex Blume) 30g, bồ công anh 12g, thổ phục linh 12g, mã đề 12g, rễ cỏ tranh 12g nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.

Chữa sỏi niệu đạo: hạt thục quỳ 12g, kim tiền thảo 16g, rễ cỏ tranh 10g, mã đề 6g. Nấu với 750ml nước, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn. Liệu trình là 10 ngày. Uống liên tục 3 liệu trình.

Chữa viêm họng: cho 2 muỗng rễ thục quỳ khô vào 1 ly nước đun sôi trong vòng 10 phút rồi lọc lấy nước bỏ bã và uống từ 3 đến 5 ly mỗi ngày.

Chữa viêm ruột, viêm niệu đạo, đái đỏ, viêm cổ tử cung, bạch đới: rễ thục quỳ 12g, sắc lấy nước uống 3 lần trong ngày.

Chữa táo bón, đại tiện không thông: Hạt thục quỳ 12g nấu với 500ml nước, sắc còn 300ml, chia 3 lần, uống trong ngày.

Chữa tiểu khó, nước tiểu sẻn đỏ: hạt thục quỳ 6g, rau má 20g, râu bắp 16g, rễ cỏ tranh 10g nấu với 750ml nước, sắc còn 400ml, chia làm 3 lần, uống trong ngày. Uống liên tục trong 5 ngày.

Chữa bỏng: hoa và lá thục quỳ, lấy lượng vừa đủ, rửa thật sạch, giã nát, đắp vào nơi bị bỏng. Ngày thay 1 lần.

Đinh Công Bảy / Duyên dáng Việt Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây thục quỳ và những bài thuốc diệu kỳ