Từng bị Alibaba từ chối nhận vào làm thực tập sinh tới 4 lần nhưng sau đó, startup công nghệ do chính mình đồng sáng lập lại nhận được đầu tư lớn từ Quỹ Doanh nhân Alibaba. Djoann Fal - CEO 26 tuổi người gốc Pháp, khởi nghiệp tại Mỹ và hiện đặt trụ sở công ty ở châu Á còn được Forbes công nhận là doanh nhân dưới 30 tuổi tiêu biểu của thế giới.

CEO 26 tuổi Djoann Fal và mục tiêu đưa Việt Nam vào 'Thung lũng Silicon' châu Á

28/12/2018, 19:40

Từng bị Alibaba từ chối nhận vào làm thực tập sinh tới 4 lần nhưng sau đó, startup công nghệ do chính mình đồng sáng lập lại nhận được đầu tư lớn từ Quỹ Doanh nhân Alibaba. Djoann Fal - CEO 26 tuổi người gốc Pháp, khởi nghiệp tại Mỹ và hiện đặt trụ sở công ty ở châu Á còn được Forbes công nhận là doanh nhân dưới 30 tuổi tiêu biểu của thế giới.

Djoann Fal - Nguồn ảnh: e27.co

Vào một buổi trưa nắng tháng 12.2018, sau khi đánh một vòng trung tâm quận 1 để tránh các lô-cốt đang thi công, tôi cùng một số phóng viên khác lên tầng 24 của một cao ốc để tham dự buổi gặp một startup, được giới thiệu là từ nước ngoài. Tiến đến bắt tay chào chúng tôi, anh giới thiệu mình là Djoann Fal - đồng sáng lập kiêm CEO của GetLinks - nền tảng và hệ sinh thái kết nối nhân lực công nghệ châu Á.

Nhận số tiền đầu tư vào khoảng 8 con số

Djoann Fal bảo anh đã có mặt ở Việt Nam 3 năm trước (2016) với sự kiện Saigon Tech Startup Fest mang chủ đề "Mang tinh thần Thung lũng Silicon đến Việt Nam". Đó đúng là một sự kiện thu hút rất đông giới trẻ Việt tham gia (khoảng 3.000 người), sau khi diễn ra ở Thái Lan hồi tháng 7.2015 với sự tham gia của 3.500 người, 50 công ty công nghệ.

Và GetLinks chính là công ty phối hợp tổ chức nên sự kiện năm đó ở Dinh Thống nhất (Q.1, TP.HCM), khi mới thành lập khoảng 1 năm về trước tại Silicon Valley (Mỹ), hiện đặt trụ sở ở Bangkok (Thái Lan).

Qua 3 năm phát triển, GetLinks tham gia tổ chức hơn 130 sự kiện, tiếp cận hơn 200.000 người tham dự trên toàn châu Á, sở hữu hơn 500.000 hồ sơ của các nhà phát triển, thiết kế và tiếp thị số, cung cấp dịch vụ cho hơn 3.000 công ty hoạt động tại 6 trung tâm công nghệ lớn ở châu Á bao gồm Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Hồng Kông, Ấn Độ và Hàn Quốc. Các khách hàng lớn nhất bao gồm Grab, Line, Eatigo, Carousell, HSBC, SCG...

Ở giai đoạn hạt giống, GetLinks được tài trợ bởi 500 công ty khởi nghiệp tại California (Mỹ) và CyberAgent (Nhật). Đến tháng 12 này, GetLinks tuyên bố đã thành công trong việc gọi vốn từ tập đoàn Seek của Úc (sở hữu mạng lưới thị trường việc làm trực tuyến trên 18 quốc gia) và Quỹ Doanh nhân Alibaba Hong Kong (Alibaba muốn đưa GetLinks vào hệ sinh thái của họ trong quá trình tiến tới cách mạng hóa giáo dục và tuyển dụng). Số tiền đầu tư được Fal tiết lộ là vào khoảng 8 con số.

Djoann Fal (trái) và giám đốc văn phòng GetLinks tại Việt Nam trong buổi gặp báo chí ở TP.HCM

Khoảng đầu tư mới dự kiến được GetLinks sử dụng để mở rộng kinh doanh, từ tuyển dụng đến cung cấp kỹ năng và chương trình đào tạo nhân tài, cũng như phát triển các trung tâm điều hành siêu địa phương trên khắp các thị trường đang hoạt động, hướng tới mục tiêu định vị GetLinks là nền tảng nhân sự công nghệ có ảnh hưởng nhất châu Á.

"Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là hướng tới xây dựng một lực lượng lao động có khả năng thích ứng và thúc đẩy những tài năng hàng đầu cùng xây dựng Thung lũng Silicon châu Á", Fal chia sẻ và nhận định, "Thị trường Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng đa phần người ta nhớ đến Việt Nam như một trung tâm outsource hơn là trung tâm công nghệ. Mục đích chúng tôi có mặt tại đây là đưa Việt Nam góp mặt tại Thung lũng Silicon châu Á".

4 lần bị Alibaba từ chối và sứ mệnh đưa nhân loại vào công nghệ

Điều khiến cánh phóng viên chúng tôi thấy khá thú vị ngày hôm đó là CEO 26 tuổi này đã được tạp chí Forbes của Mỹ vinh danh trong danh sách 30 Under 30 thế giới năm 2018, cùng với người đồng sáng lập Pop Songthamjitti.

Năm 2013, khi vẫn còn là sinh viên của ESCP Europe, trong chuyến đi ngắn đến Thượng Hải (Trung Quốc) để làm thực tập sinh cho Ernst & Young, Fal quyết nộp đơn cho Alibaba. Nhưng anh đã bị công ty này từ chối tới 4 lần vì lý do là... người nước ngoài. Fal sau nhận một lời đề nghị từ người bạn vừa rời khỏi một công ty thương mại điện tử Đông Nam Á để tiếp đó có cơ hội làm việc cho Rocket Internet, Lazada và chuyển đến Bangkok, Thái Lan học tiếp thị trực tuyến, BI và Excel nâng cao.

Chính ở đó, anh gặp người đồng sáng lập Songthamjitti. Cả hai đã cùng chia sẻ tầm nhìn xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp như ở Thung lũng Silicon ngay tại châu Á. Việc này chỉ có thể thực hiện bằng cách thu hẹp khoảng cách về nguồn cung nhân tài công nghệ.

Nhưng khi thành lập GetLinks năm 24 tuổi, Fal cho biết mình không hề có kiến thức về khởi nghiệp chứ đừng nói đến việc điều hành một startup, vì vậy họ đã sớm gặp rắc rối nghiêm trọng về tài chính. "Chúng tôi hoàn toàn không gặp may mắn nào từ các nhà đầu tư, mọi người đều từ chối chúng tôi", Fal kể lại.

"Ngay sau đó tôi gặp một nhà đầu tư thiên thần, người đã trở thành cố vấn cho công ty cùng sự hướng dẫn của các cố vấn từ khắp nơi trên thế giới", anh cho biết. Thêm nữa, "Tôi may mắn có những đồng nghiệp mang phong cách lãnh đạo khác nhau, luôn hỗ trợ và kiểm tra lẫn nhau trong công việc".

Fal tại một sự kiện công nghệ

Sinh ra và lớn lên ở Hyeres, một thị trấn bên bờ sông nước Pháp, nhưng Fal bị cuốn hút và luôn đam mê những hình ảnh về tương lai và siêu đô thị.

"Khi còn là một đứa trẻ tôi đã suy nghĩ về năm 2020. Tôi mơ thấy mình bay bằng ô tô và có cuộc sống như trong phim Star Wars. Nhưng điều đó, ngày hôm nay, đã không xảy ra. Thay vào đó mọi người dường như bị Netflix và Facebook làm cho no nê. Nguyên nhân là một số người đang lợi dụng khoảng cách sự hiểu biết về công nghệ để kiểm soát nó, thay vì phải tạo ra nó giống như một quyền của con người.

Chúng ta cần cung cấp quyền truy cập kiến thức công nghệ cho mọi người để họ có thể tìm thấy mục đích riêng của mình, để họ tham gia vào việc tạo ra các công cụ giải quyết các vấn đề nhân loại. Chúng ta cần đưa nhân loại vào công nghệ. Đó cũng là sứ mệnh mà chúng tôi đặt ra cho GetLinks".

Tại sao lại là Đông Nam Á?

Có một câu hỏi được cánh phóng viên đặt ra là đâu là sự khác biệt của startup công nghệ này với các trang tuyển dụng việc làm trực tuyến khác hiện nay?

"Thông qua việc cung cấp cho các nhân tài công nghệ địa phương một nền tảng, GetLinks kết nối các ứng cử viên với các công ty sáng tạo nhất không chỉ ở Thái Lan mà khắp các trung tâm công nghệ lớn trong khu vực châu Á. Chúng tôi luôn tìm cách trao quyền cho các ứng viên thông qua việc giúp họ xây dựng kỹ năng, kết nối, thành lập đội ngũ và tạo dựng sự nghiệp. Nói cách khác, chúng tôi đưa tính nhân văn vào công nghệ và chuyển lại quyền lực vào tay người tìm việc", Djoann Fal giải thích.

Cụ thể, đây là một nền tảng lấy ứng viên làm trung tâm, mọi hoạt động và các trải nghiệm người dùng đều được thiết kế nhằm mang lại khả năng tự kiểm soát và tự do cho các ứng viên. Nền tảng này miễn phí cho tất cả ứng viên và mọi người dùng đều nhận tư vấn riêng miễn phí.

Đối với các công ty, GetLinks hoạt động như một phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) với 2 mô hình chi phí: đăng ký hằng năm để thuê nhân lực không giới hạn và trả tiền cho mỗi lần thuê với chi phí tương đối thấp hơn bất kỳ dịch vụ săn đầu người nào (khoảng 10%). Tất cả nhân tài trên GetLinks đều được tuyển lựa bởi thuật toán trên nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), cung cấp ra các ứng viên chất lượng tốt và phù hợp nhất cho nhà tuyển dụng.

Một lần trả lời phỏng vấn - Ảnh: Adriantan

Vậy tại sao lại chọn Đông Nam Á để đặt trụ sở một startup công nghệ? Fal trả lời: "Các thị trường riêng lẻ ở Đông Nam Á còn quá yếu để hoạt động một mình do quy mô và cơ sở hạ tầng hạn chế. Mỗi quốc gia ở Đông Nam Á có những điểm mạnh, điểm yếu riêng biệt, cần được kết nối và đây là nơi phù hợp để GetLinks phát triển". "Chúng tôi tin rằng việc loại bỏ sự mất kết nối và bất bình đẳng trong khu vực sẽ giúp ngành công nghệ phát triển nhanh hơn gấp 10 lần".

GetLinks hy vọng sẽ mở ra cánh cửa cho những người ở các nền kinh tế mới nổi bằng cách kết nối họ với các công ty mà họ có thể chưa bao giờ biết đến hoặc thấy qua. Fal cho rằng sự hợp nhất của lực lượng lao động kỹ thuật số là cách xác định tăng trưởng kinh tế xã hội ở các quốc gia đang phát triển.

Cuối cùng, nói về việc được trao giải 30 doanh nhân ưu tú thế giới dưới 30 tuổi của Forbes, Fal nói giải thưởng "có thể sẽ không giúp chúng tôi trở nên giàu có nhưng đó là một dấu ấn tốt đẹp công nhận tài năng của team chúng tôi".

Tôi không đặt mục tiêu trở thành doanh nhân

"Tai nạn xe hơi năm 18 tuổi chỉ để lại trên cánh tay tôi một vết sẹo nhưng tôi đã vĩnh viễn mất một người bạn thân. Bất thình lình tôi nhận ra rằng cuộc sống thật ngắn ngủi, tôi chỉ mới 18 tuổi và nếu chết lúc đó thì cuộc sống của tôi chẳng mang ý nghĩa gì cả, tất cả ý tưởng sẽ chết chung với tôi. Ngay lúc đó tôi quyết định viết một kế hoạch tổng thể cho 10 năm tới, định hướng rõ về nghề nghiệp của mình và tự nhủ sẽ không lãng phí thêm thời gian nữa. Thời gian rất ngắn và quý giá...

Tôi không đặt mục tiêu trở thành doanh nhân. Tôi nhận thấy nhiều người qua đời mà không để lại được di sản gì. Bạn cần tự hỏi mình có mặt trên đời để làm gì? Bạn đang làm gì? Bất cứ ai cũng sẽ tìm thấy câu trả lời của riêng mình tại một thời điểm nào đó và nó cứ liên tục như thế khi chúng ta sống. Và người tìm thấy mục đích của mình sẽ hạnh phúc vì họ để lại được di sản sau khi ra đi....

Trong 3 năm qua, rất nhiều người đã chỉ trích tuổi của tôi, đặt câu hỏi tôi là ai hoặc tôi đang làm gì. Sự phê bình có thể làm tổn thương bạn nhưng cũng có thể làm cho bạn mạnh mẽ hơn nếu bạn có thể lắng nghe và cải thiện, nhưng thực tế là nó giúp bạn thích nghi với các cuộc chơi hơn...

Lời khuyên của tôi cho những bạn muốn khởi nghiệp là: Đừng bao giờ phó mặc mọi thứ cho số phận. Cuộc đời này luôn có cả sự may mắn và nghiệt ngã. Hãy biết cách biến giấc mơ của bạn thành hiện thực".

Anh Thư (có tham khảo nội dung từ Forbes, Medium, The Human Asia, E27 và Adriantan)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
12 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CEO 26 tuổi Djoann Fal và mục tiêu đưa Việt Nam vào 'Thung lũng Silicon' châu Á