Sử chép: "Tháng 6 (1235), mùa hạ. Nước to, chảy tràn vào cung Lệ Thiên. Hiểu hoàng Liễu bị giáng tước là Hoài vương. Trần Liễu giữ công việc cung Thánh Từ, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, khi thuyền qua cung Lệ Thiên, Liễu trông thấy cung phi triều Lý trước, ghé thuyền vào hãm hiếp. Triều thần hặc tấu, vì thế nên bị giáng truất".

Cha của Hưng Đạo vương với án oan hãm hiếp cung nữ do Trần Thủ Độ dựng?

31/07/2018, 08:45

Sử chép: "Tháng 6 (1235), mùa hạ. Nước to, chảy tràn vào cung Lệ Thiên. Hiểu hoàng Liễu bị giáng tước là Hoài vương. Trần Liễu giữ công việc cung Thánh Từ, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, khi thuyền qua cung Lệ Thiên, Liễu trông thấy cung phi triều Lý trước, ghé thuyền vào hãm hiếp. Triều thần hặc tấu, vì thế nên bị giáng truất".

Tái hiện hình ảnh Trần Thủ Độ trên phim ảnh

Như trong phần trước, chúng tôi đã phân tích việc Trần Liễu (cha của Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn) với tư cách con cả của Thái Tổ Trần Thừa, cháu đích tôn của Nguyên Tổ vốn được cơ cấu làm người đầu tiên làm vua nhà Trần thông qua việc kết hôn với trưởng công chúa của Lý Huệ Tông là Lý Oanh. Theo Trần triều thế phả hành trạng, trước khi lấy Thuận Thiên công chúa Lý Oanh, Trần Liễu đã có người vợ tên là Trần Thị Nguyệt, tức Thiện Đạo quốc mẫu. Nhưng để phục vụ nước cờ hôn nhân rồi đoạt ngôi nhà Lý thì Trần Liễu phải tự dọn ngôi thứ trong nhà để Lý Oanh trở thành chính thất (đương nhiên người vợ ban đầu sẽ trở thành thứ thất vì trưởng công chúa thì đâu có thể làm lẽ được)

Sau khi kết hôn trở thành phò mã thì Trần Liễu được phong vương nay là Phụng Càn vương. Bản thân cái danh Phụng Càn vương đã cho thấy tính chính thống của Trần Liễu để nối ngôi giữ nghiệp lớn. Phụng ở đây hiểu là thừa mệnh còn Càn là quẻ đầu tiên trong kinh dịch chỉ Trời. Cứ thế suy ra là hiểu Trần Liễu được sắp xếp để tuân theo mệnh trời làm vương rồi tiếp theo là làm đế.

Thế nhưng, trời chẳng chiều người. Lý Huệ Tông lại dùng việc đảo càn khôn khiến Trần Liễu dù khôn ngoan mấy cũng không thể "phụng càn" được nữa. Lý Huệ Tông lại truyền ngôi cho con gái thứ là Lý Phật Kim và Trần Thừa đành phải sắp xếp để Trần Cảnh (mới 8 tuổi) lấy con gái thứ 2 của Huệ Tông. Khi Trần Cảnh, tức Trần Thái Tông lên ngôi vua vào cuối 1225 thì vai trò của Trần Liễu trong vở kịch đổi triều Lý sang Trần coi như chấm dứt.

Những năm đầu nhà Trần, Thái thượng hoàng Trần Thừa còn sống thì cuộc sống của Trần Liễu cũng rất tốt. Người em trai Trần Thái Tông cũng tìm cách bù đắp cho ông anh Trần Liễu bằng việc phong chức thái úy vào tháng 8.1228 khi Trần Liễu mới 17 tuổi. Theo Quan chế nhà Trần: Chức Thái uý đứng trên hàng thân vương họ tôn thất. Người giữ chức này kiêm cả Tể tướng giúp vua làm chính trị. Cũng cần nhắc lại là khi Trần Tự Khánh làm quyền thần lấn át vua Lý thì vị trí của Khánh chính là Thái úy, nắm hết quân đội trong cả nước. Và khi Trần Tự Khánh mất năm 1223 thì Trần Thừa ngay lập tức giữ chức Thái úy để bảo vệ vững chắc vai trò thống lĩnh quân đội triều đình. Việc Trần Liễu được cất nhắc làm thái úy khi mới 17 tuổi cho thấy sự tín nhiệm tuyệt đối của Trần Thừa cũng như Trần Thái Tông với Phụng càn vương.

Thế nhưng sau khi Trần Thái Tổ qua đời năm 1234 thì biến cố liên tục. Khâm định Việt sử cương mục thông giám chép sự kiện ngắn gọn: "Giáp Ngọ, năm thứ 3 (1234). (Tống, năm Đoan Bình thứ 1). Tháng giêng, mùa xuân. Thượng hoàng mất. Tháng 8, mùa thu. An táng ở Thọ Lăng. Sách phong Thái uý là Liễu làm Hiển hoàng".

Ngay sau khi vua cha mất, Trần Thái Tông đã phong cho anh là Hiển hoàng là sự tôn sùng tuyệt đối. Phải hiểu rằng thời xưa thì chỉ có vua mới được có hậu tố hoàng ở danh hiệu, hay trong một số trường hợp hãn hữu thì vua phong cha (còn sống) làm hoàng như việc Trần Thái Tông tôn Trần Thái Tổ là thượng hoàng hay trước đó Lý Thần Tông sau khi được Lý Nhân Tông (không có con nối dõi) truyền ngôi đã tôn cha để là Sùng hiền hầu lên làm Thái Thượng hoàng. Ngay cả việc của Thần Tông cũng bị sử gia Lê Văn Hưu chê trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Thần Tông là con người tông thất, Nhân Tông nuôi làm con, cho nối đại thống, đáng lẽ phải coi Nhân Tông làm cha mà gọi cha sinh là Sùng Hiền hầu làm hoàng thúc, phong mẹ đẻ Đỗ thị làm Vương phu nhân, như Tống Hiếu Tông đối với Tú An Hy Vương và phu nhân Trương thị, để tỏ ra là một gốc mới phải. Nay phong Sùng Hiền hầu làm thái thượng hoàng, Đỗ thị hoàng thái hậu, chả hóa ra là hai gốc ư? Bởi Thần Tông bấy giờ còn trẻ thơ mà các công khanh trong triều như Lê Bá Ngọc, Mậu Du Đô lại không biết lễ nên mới thế".

Còn việc vua lại tôn anh trai lên làm Hoàng thì thực sự cực hiếm. Đến ngay Đường Huyền Tông Lý Long Cơ cảm ân đức được người anh ruột Lý Hiến nhường ngôi thì cũng phải đợi anh mất mới truy phong là Nhượng hoàng đế. Do vậy, việc Trần Thái Tông phong anh còn sống làm Hiển hoàng là điều cực lạ. Sử thần Ngô Sỹ Liên bàn việc này: "Trần Thái Tông đối với anh là Liễu, có ý muốn tôn kính hơn người, nên làm sự quá đáng như vậy, sách phong làm Hiển hoàng, danh nghĩa không được chính đáng; sau này Trần Liễu manh tâm làm loạn, chả phải là do việc này gây ra đấy dư?"

Thực ra, Trần Liễu được trọng đãi như thế thì chưa chắc đã làm loạn nếu như sau đó Liễu không bị ép liên tục. Chỉ hơn nửa năm sau khi được phong hoàng, Liễu gặp chuyện. Sử chép: "Tháng 6 (1235), mùa hạ. Nước to, chảy tràn vào cung Lệ Thiên. Hiểu hoàng Liễu bị giáng tước là Hoài vương. Trần Liễu giữ công việc cung Thánh Từ, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, khi thuyền qua cung Lệ Thiên, Liễu trông thấy cung phi triều Lý trước, ghé thuyền vào hãm hiếp. Triều thần hặc tấu, vì thế nên bị giáng truất".

Chúng ta buộc lòng phải nghi ngờ với bản cáo trạng kỳ lạ dành cho Trần Liễu. Ở vị thế của mình, Trần Liễu đâu việc gì mà phải đi hãm hiếp các cung phi tiền triều (vì là cung phi tiền triều thì chắc không còn trẻ đẹp gì nữa. Từ 20 năm trước, năm 1215, Lý Huệ Tông về nương nhà nhà Trần thì được Trần Thị Dung quản lý chặt chẽ phòng việc sinh con trai bên ngoài thì cần gì tuyển cung phi trẻ đẹp). Trần Liễu nếu có muốn thì cũng chỉ cần phái thủ hạ dàn xếp là xong cái việc tìm phấn son này. Cũng không thể nói Trần Liễu say rượu rồi làm càn vì say rượu thì đâu có thể đi thuyền lúc nước to. Với cái án kỳ cục này, Trần Liễu bị phế từ Hiển hoàng xuống Hoài vương.

Trong bối cảnh quyền lực khi đó nằm trong tay Trần Thái Tông, Trần Thủ Độ, Trần Liễu thì ai có thể ép Trần Liễu cái tội mất hết danh dự này? Trần Thái Tông là người nhân đức chắc khó làm chuyện này và khả năng cao nhất là một người quyết đoán, không từ thủ đoạn như Trần Thủ Độ. Và sau cái vụ án, Trần Liễu không còn là Thái úy ngang hàng với Thủ Độ trên triều đình nữa. Mọi quyền lực đều rơi vào tay Trần Thủ Độ.

Rồi hai năm sau, Trần Thủ Độ lại dồn thêm Trần Liễu vào bước đường cùng nữa. Năm 1237, vì Thái Tông lấy Lý Chiêu hoàng mãi không có con, Thái sư Trần Thủ Độ đưa vợ Trần Liễu là Thuận Thiên công chúa, lúc ấy đã có mang 3 tháng vào làm Hoàng hậu thay thế, giáng Lý hoàng hậu trở lại làm Chiêu Thánh công chúa.

Sử chép: "Trần Liễu tức giận, tụ tập nhiều người ở sông Cái, nổi loạn. Trần Liễu ở ngoài biển được hai tuần, tự biết việc mình làm không thể thành công được, nhân khi nhà vua ra chơi thuyền ở ngoài sông, Liễu giả dạng làm người đánh cá, lẻn đi thuyền độc mộc đến thuyền nhà vua xin hàng, nhà vua cùng Liễu đối diện nhau mà khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền nhà vua, tuốt gươm quát lên rằng: "Giết thằng giặc là Liễu". Nhà vua thấy thế, vội vàng đẩy Trần Liễu ẩn vào trong thuyền rồi bảo Thủ Độ rằng: "Phụng Càn vương đến xin đầu hàng đấy". Miệng nói, nhưng lấy mình che đỡ cho Trần Liễu. Thủ Độ giận lắm, vất gươm xuống sông, nói rằng: "Tao thật là con chó săn, biết đâu anh em mày hòa thuận với nhau hay trái ý nhau".

Xâu chuỗi sự kiện, có thể thấy Trần Thủ Độ tìm mọi cách tước đoạt binh quyền của Trần Liễu, đẩy Trần Liễu làm phản nhưng không phải vì tư lợi, tham lam muốn độc chiếm quyền lực. Trần Thủ Độ e ngại Trần Liễu có dã tâm sẽ làm việc bất lợi với Trần Thái Tông sau này nên phải tìm cách tước chức thái úy. Trần Thủ Độ đẩy Trần Liễu làm loạn sớm để nhân đó trị luôn sẽ bẻ hết vây cánh của Liễu thì sau này ngôi vua của Thái Tông mới được an toàn. Thời trung cổ thì việc huynh đệ tương tàn vì ngai vàng không phải hiếm. Trần Liễu trước khi bị o ép có dã tâm hại em làm vua hay không thì không ai biết nhưng việc làm có phần "vô độc bất trượng phu" của Thủ Độ đã đảm bảo vững chắc vị trí của Thái Tông. Vậy nên nếu học theo cái gương của Lê Phụng Hiểu thời Lý Thái Tông 2 thế kỷ trước thì Trần Thủ Độ cũng dám làm chứ không thể để cơ đồ nhà Trần gặp sóng gió. Đời nhà Thanh sau này, người ta lại bắt gặp thêm chuyện Ung Chính để dọn đường cho hoàng tứ tử Hoằng Lịch, tức Càn Long lên làm vua êm thấm đã không ngần ngại ban chết cho anh của Càn Long là hoàng tam tử Hoằng Thời.

Anh Tú

Đọc thêm:

Anh em nhà Trần lật kèo nhau trước đêm đoạt ngôi nhà Lý

Thử lý giải chuyện vua Lý đột nhiên bị điên khi nương nhờ nhà Trần

Vua Lý đảo càn khôn khiến anh em vua Trần oán hận nhau đến chết

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cha của Hưng Đạo vương với án oan hãm hiếp cung nữ do Trần Thủ Độ dựng?