Câu trả lời là có và rất nên. Trẻ luôn có xu hướng ngủ cạnh cha mẹ nhằm gần gũi hơi ấm và tìm kiếm cảm giác an toàn. Tuy nhiên, bạn cần phải giúp con ra ngủ phòng riêng để trẻ có tính tự lập từ bé.
Cha mẹ Việttừ xưa tới nay luôn quan niệm, cho con ngủ chung là tốt, có gì mình còn xoay ngay được. Nhưng đó là một sai lầm lớn. Ở xứ tây, họ tách con cái ngủ riêng từ lúc 2 tuổi. Lý do, cho bé ngủ riêng ngay từ khi còn nhỏ cũng là cách rèn luyện cho bé tính tự lập cao sau này, không dựa dẫm vào bố mẹ. Ngoài ra khi cho ngủ riêng, bé có thể có giấc ngủ sâu hơn, có lợi cho sự phát triển của bé, đồng thời giúp bố mẹ có đời sống riêng.
Theo kết quả nghiên cứu điều tra tại phương Tây, chỉ có khoảng 6% trẻ em ngủ chung cùng bố mẹ, Nhật Bản là 26%, còn tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em ngủ chung với bố mẹ thì chiếm đa số. Thậm chí, có nhiều trường hợp gia đình cho con ngủ cùng đến tận 9, 10 tuổi. Nguyên do là theo quan niệm của nhiều người, trẻ nhỏ cần gần ở bố mẹđể được yêu thương, chăm sóc trẻ tốt hơn và gắn kết tình mẫu tử thiêng liêng.
Tuy nhiên, trên thực tế, bé ngủ chung lâu với cha mẹ cũng có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Trong một nghiên cứu gần đây tại Anh về những ca đột tử ở trẻ sơ sinh, phát hiện gần 2/3 các trường hợp không giải thích được đã xảy ra khi trẻ ngủ chung với mẹ và phần lớn có thể rơi vào trường hợp bé bị mẹ đè lên gây ngạt thở.
Theo các chuyên gia nhận định, nên cho trẻ ngủ riêng sẽ giúp cả mẹ và bé có được giấc ngủ sâu hơn. Điều này có lợi cho sự phát triển của bé, là nhân tố giúp trẻ hình thành tính cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Nếu không tập cho trẻ ngủ riêng sớm thì sau này sẽ rất khó cho trẻ khi ngủ một mình, bởi trẻ đã quen khi ngủ với người lớn, sẽ nhõng nhẽo vòi vĩnh bố mẹ.
Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, cha mẹ không nên cho bé từ 3 tuổi trở đi nằm chung giường. Bởi vì lúc này bé đã có khả năng nhận biết giới tính, trẻ sẽ thích gần gũi với người khác giới hơn. Do vậy, việc cho bé nằm chung có thể tác động tới tâm lý tình cảm của bé khi cha mẹ có hành động thân mật. Bên cạnh đó, bé sẽ thiếu sự độc lập khi bước vào độ tuổi đi học.
Khi cho bé ngủ riêng, cha mẹ cần lưu ý sử dụng các loại chăn và đệm có chất liệu mềm mại. Hay giúp bé cảm giác quen thuộc với căn phòng mới và cách bố trí trong căn phòng riêng của bé. Có thể cho bé làm quen bằng cách chơi một mình trong phòng mới, hoặc ngủ trưa một mình một vài hôm trước. Dần dần bố mẹ sẽ khuyến khích con ngủ riêng buổi tối.
Có thể ban đầu bé sẽ lo lắng. Thậm chí bé còn khóc đòi bằng được sang phòng bố mẹ.
Sau cả một thời gian dài nằm bên cạnh bố mẹ, bé sẽ cảm thấy trống trải, hụt hẫng và sợ hãi nếu ngay lập tức bạn bắt bé nằm một mình một phòng như thế.
Bạn hãy cho bé ngủ riêng từ từ bằng cách sau:
-Kê giường hoặc ghế sát bên cạnh giường của bé.
-Nằm hoặc ngồi sát bên con, vỗ về và ru bé vào giấc ngủ.
-Khi bé đã quen với phương pháp này (thường là sau 3 đêm), mẹ có thể ngồi hoặc nằm cạnh bé cho đến khi bé ngủ. Đừng chạm vào người bé.
-Khi bé đã quen với phương pháp này (thường là sau 3 đêm nữa) hãy di chuyển ghế hay giường của bạn ra xa nơi bé nằm một đoạn (khoảng 30 - 40cm). Ở yên tại ghế hay giường cho tới khi bé ngủ.
-Từ từ dịch chuyển ghế hay giường của bạn về phía cửa ra vào và ra khỏi phòng ngủ của con. Việc tập luyện này có thể kéo dài 1-3 tuần.
Tịnh Thu