Chúng ta đang cố gắng xây dựng một cuộc sống được toàn quyền lựa chọn sử dụng thời gian và năng lượng của mình như thế nào. Song, chúng ta dễ trở nên mù quáng khi theo đuổi mục tiêu đó, bị lạc lối và không biết mình đang đi về đâu.
Văn hóa

‘Chăm sóc bản thân thật sự’: 4 nguyên tắc để có hạnh phúc an lạc

Hạ Vĩ 12/01/2025 14:08

Chúng ta đang cố gắng xây dựng một cuộc sống được toàn quyền lựa chọn sử dụng thời gian và năng lượng của mình như thế nào. Song, chúng ta dễ trở nên mù quáng khi theo đuổi mục tiêu đó, bị lạc lối và không biết mình đang đi về đâu.


Hạnh phúc khoái lạc hay an lạc?

Các nghiên cứu về hạnh phúc chia thành hai giả thuyết về cách sống một cuộc đời tươi đẹp: theo hướng khoái lạc và theo hướng an lạc. Hạnh phúc khoái lạc (hedonic well-being) tập trung vào cảm giác hài lòng và thích thú. Ở nhiều khía cạnh, chăm sóc bản thân giả tạo – các chế độ ăn uống, phương pháp thanh lọc cơ thể, kỳ nghỉ, mẹo vặt – giống với kiểu tiếp cận khoái lạc, vì nó tập trung vào những điều mang lại cảm giác vui vẻ ở hiện tại và thoát khỏi những tình huống khó chịu trong cuộc sống.

Còn hạnh phúc an lạc, tập trung vào việc tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Đó là cảm giác chúng ta có được khi sống một cuộc đời có mục đích. Thay vì ưu tiên niềm vui hay sự hài lòng, hạnh phúc an lạc nhấn mạnh sự phát triển cá nhân, chấp nhận con người thật của mình và xác định ý nghĩa của cuộc sống. Có vẻ như hạnh phúc an lạc có thể mang tới tất cả những điều tốt đẹp chúng ta đang tìm kiếm.

7acc060f-ba44-4012-baed-82012458d2f6.jpeg

Tuy nhiên, không có con đường đơn giản nào dẫn chúng ta thẳng đến hạnh phúc an lạc. Mỗi người đều sẽ có những cách tiếp cận khác khau, vì những quyết định chúng ta đưa ra sẽ phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin và giá trị cá nhân của mỗi chúng ta. Đối với một số người, đó có thể là từ bỏ những mục tiêu đòi hỏi tập thể dục khắt khe và dành những ngày cuối tuần để tham gia tình nguyện vì một mục tiêu cao cả.

Đối với người khác, đó có thể là dành thời gian và năng lượng để kết nối nhiều hơn với con cái. Đối với những người khác nữa, đó có thể là chuyển sang làm một lĩnh vực phù hợp hơn với giá trị của họ. Nhưng tất cả có một điểm chung là mỗi cá nhân đều làm những việc quan trọng với họ, đều hiểu ý nghĩa đằng sau cách họ sử dụng thời gian của mình. Khác xa bất kỳ trào lưu thoáng qua hay khóa tu dưỡng nào, đây chính là chăm sóc bản thân thực thụ.

4 nguyên tắc chăm sóc bản thân thực thụ

Nguyên tắc đầu tiên: Chăm sóc bản thân thực thụ đòi hỏi sự rõ ràng về ranh giới và vượt qua cảm giác tội lỗi. Để ra các quyết định hướng đến hạnh phúc an lạc, bạn phải cương quyết ưu tiên các nhu cầu và mong muốn của bản thân. Để làm được như vậy, bạn cần học cách nói không và đặt ra các ranh giới. Điều này thường có nghĩa là bạn phải cân bằng giữa mong muốn và nhu cầu của bản thân với nhu cầu của những người xung quanh, trong đó có thể có sở thích của bạn đời hoặc nhu cầu của con cái bạn. Trong quá trình này, bạn cần học cách để không còn bị kiểm soát bởi cảm giác tội lỗi, một cảm giác dù không thể tránh khỏi nhưng vẫn có thể xử lý.

Nguyên tắc thứ hai là đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn. Khi bạn đã học được cách thiết lập ranh giới, bước tiếp theo để bạn chăm sóc bản thân thực thụ là thể hiện lòng trắc ẩn trong cuộc đối thoại với chính mình. Thực hành chăm sóc bản thân thực thụ có nghĩa là nhìn nhận một cách trung thực và kiên định những gì bạn cần, cũng như những gì bạn muốn, đồng thời cho phép bản thân có được những thứ đó. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi bạn nuôi dưỡng lòng trắc ẩn đối với bản thân mình. Trong quá trình thực hành lòng tự trắc ẩn, bạn cần quan sát kỹ cách bạn nói chuyện với chính mình và vượt qua những khuynh hướng phổ biến như hy sinh bản thân.

2703b7db-5ba6-4b67-a216-77574f886e51.jpeg

Nguyên tắc thứ ba: Sống đúng với bản chất con người mình. Đó là quá trình tìm hiểu bản thân bạn, con người thật của bạn, với những giá trị cốt lõi, niềm tin và mong muốn của riêng bạn. Đó là quá trình ra quyết định diễn ra bên trong buộc chúng ta phải tự suy ngẫm và quan sát chính mình một cách trung thực và kiên định. Khi bắt đầu thấy vẻ ngoài của mình phản ánh đúng phần bên trong con người mình, đó chính là lúc bạn biết mình đang chăm sóc bản thân thực thụ.

Nguyên tắc cuối cùng là sự khẳng định quyền tự chủ. Khác với chăm sóc bản thân giả tạo luôn kìm hãm phụ nữ, khiến chúng ta nhỏ bé và yếu đuối, chăm sóc bản thân thực thụ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, có sức ảnh hưởng hơn, từ đó góp phần thay đổi các hệ thống đã tồn tại từ lâu.

Chăm sóc bản thân thực thụ là một cách để khẳng định quyền tự chủ. Nó có nghĩa là đối mặt trực tiếp với sự độc hại và tổn thương mà nền văn hóa của chúng ta gây ra cho phụ nữ. Nó có nghĩa là xác định điều nào phù hợp với bản thân chúng ta, điều nào không. Nó còn là sự can đảm khi nói: “Tôi tồn tại và tôi quan trọng”. Đây là những hành động mang tính cách mạng, và chỉ khi một lượng lớn phụ nữ cùng thực hiện công việc diễn ra bên trong này, thì chúng ta mới có thể tạo nên sự thay đổi đồng loạt trong thế giới của mình.

Lựa chọn của Clara

Bốn nguyên tắc này có những phần trùng nhau, và mỗi nguyên tắc đều được củng cố từ kinh nghiệm khi áp dụng các nguyên tắc còn lại, như bạn sẽ thấy qua câu chuyện của Clara, bệnh nhân của tôi.

Khi Clara – bốn mươi lăm tuổi – đến gặp tôi, cô đã làm giáo viên trường công lập được một thập niên. Clara xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm giáo dục – cha cô từng là giáo sư ở quê nhà Colombia và mẹ cô làm ở nhà trẻ. Tuy nhiên, sau nhiều năm giảng dạy trong tình trạng bị cắt giảm ngân sách và gặp nhiều khó khăn ở trường công lập, Clara cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi.

Vẫn có những lúc cô cảm thấy hạnh phúc, như khi một học sinh tiến bộ trong học tập hay một gia đình gửi cho cô bức thư cảm ơn chân thành. Nhưng trong thâm tâm, Clara biết cô không thể dành thêm một thập niên nữa để dồn hết tâm huyết vào công việc vốn không còn gì cho cô. Cô đã thử rất nhiều phương pháp chăm sóc bản thân giả tạo và tham gia khóa huấn luyện sức bật tinh thần, nhưng tất cả đều không mang lại tác dụng lâu dài.

Sau nhiều tháng trị liệu, xem xét cẩn thận điều gì trong công việc của Clara mang đến cho cô niềm vui và điều gì khiến cô thất vọng, chúng tôi xác định được một trong những giá trị cốt lõi của Clara là quyền tự quyết – bao gồm cả tự thực hành quyền tự quyết lẫn giúp người khác phát triển quyền tự quyết. Khi những người quản lý ở trường tước đi quyền tự quyết của Clara và chỉ trích các quyết định của cô, cô cảm thấy mình nhỏ bé và bị mất tinh thần. Nhưng đồng thời, khi giúp học sinh tự tin hơn vào khả năng của bản thân và phát triển quyền tự quyết, Clara thấy như cô đang sống đúng với sứ mệnh cuộc đời mình.

Cuối cùng, Clara lên kế hoạch nghỉ dạy ở trường và mở dịch vụ gia sư chuyên dạy kèm học sinh gặp khó khăn trong học tập. Để đưa ra quyết định này, cô phải vượt qua cảm giác tội lỗi (vì rời khỏi trường công lập) và ghen tị (với những giáo viên đã dũng cảm rời khỏi hệ thống và giành quyền kiểm soát cuộc sống của họ). Bằng cách xác định các giá trị của bản thân và suy ngẫm về những cảm xúc ẩn sâu bên trong, Clara đã có thể thực hiện bước nhảy vọt và phát triển cơ sở giảng dạy của riêng mình.

Có vẻ như lựa chọn của Clara không giống kiểu chăm sóc bản thân mà nhiều người trong chúng ta thường làm – cô không mua một sản phẩm hoặc đặt niềm tin vào một phương pháp chăm sóc sức khỏe nào đó. Chăm sóc bản thân thực thụ không phải là một việc cần thực hiện, mà là một cách sống. Nếu phân tích cụ thể, bạn sẽ thấy quá trình ra quyết định của Clara không chỉ thúc đẩy hạnh phúc an lạc, mà còn hoàn toàn trùng khớp với các nguyên tắc chăm sóc bản thân thực thụ.

Quyết định đó buộc cô phải đặt ra ranh giới (không để bản thân tiếp tục bị những người quản lý đối xử tệ). Nó khiến cô đối xử với bản thân bằng lòng trắc ẩn (chấp nhận cảm giác tội lỗi và ghen tị trong lòng). Nó đưa cô đến gần hơn với chính mình (hình thành một nhận thức mới về tầm quan trọng của quyền tự quyết trong cuộc sống). Thêm vào đó, nó còn liên quan đến việc khẳng định quyền tự chủ (cô phải đồng thời nghỉ việc và bắt đầu một dịch vụ gia sư mới).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị toàn quốc về KH-CN, đổi mới sáng tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài phát biểu tại hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Chăm sóc bản thân thật sự’: 4 nguyên tắc để có hạnh phúc an lạc