Ra tòa, tiền bồi thường người chú nhận đủ nhưng kiên quyết không xin giảm án cho cháu và bảo “tôi thương nó, ai thương tôi”. Đúng là giọt máu đào không bằng… mấy bao rơm.
Phiên tòa diễn ra đầy kịch tính từ lúc bắt đầu phiên xử cho đến lúc kết thúc, mặc dù đứa cháu đã hết lời xin lỗi mong chú tha thứ bỏ qua và sẽ bồi thường toàn bộ số tiền ngay tại phiên tòa theo yêu cầu của người chú, nhưng người chú vẫn lạnh lùng, thẳng thừng tuyên bố: “Tôi đề nghị tòa xử nghiêm, không giảm nhẹ gì hết, tôi thương nó, ai thương tôi”. Tòa nói: “Bị cáo đã có thiện chí bồi thường toàn bộ số tiền theo yêu cầu của ông, ông không nghĩ lại cho cháu mình sao? Ông có nhận số tiền này không?”.
Ông chú trả lời: “Tiền thì tôi nhận nhưng tôi không bãi nại, xin giảm nhẹ gì hết” làm nhiều người đến dự khán hôm ấy cảm thấy rất khó chịu và nhìn ông với ánh mắt không hài lòng về cách cư xử của người chú ruột dứt tình với đứa cháu đã mất cha mà người ta thường nói “Mất cha còn chú, sảy mẹ bú bú dì” nhưng chẳng đúng chút nào ở dòng họ này.
Chú cháu đổ máu bởi tranh... đống rơm
Theo hồ sơ vụ án, khoảng 9 giờ 30 ngày 1.3.2015, Ngô Quang Trọng (SN 1996, trú thôn Trung Dõng 3, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) và Trần Ngọc Sơn, Huỳnh Thế Thảo đang cào rơm tại ruộng của chị Trần Thị Linh thuộc khu vực ruộng “Đồng Mùa” thôn Bình Lộc 2, xã Vạn Bình, huyện Vạn Ninh. Trong lúc Trọng đang cào rơm thì có ông Ngô Sáu (là chú ruột của Trọng, SN 1969, trú cùng thôn) cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Lệ đến, ông Sáu hỏi Trọng: “Rơm của tao sao mày lấy?”. Trọng trả lời: “Rơm nào của chú, rơm tôi đã xin chị Linh, tôi cứ cào, không cào hết thì tôi đốt”. Nghe Trọng nói vậy thì ông Sáu lớn tiếng quát mắng Trọng: “Mày nói cái gì, rơm này là rơm của tao, con Linh tinh nào cho mày”. Thế là giữa hai chú cháu xảy ra cãi nhau to tiếng.
Đánh “võ mồm” được một hồi thấy không lại đứa cháu, ông Sáu liền nhặt một cây gỗ dùng để cào rơm, to bằng ngón chân cái người lớn, dài khoảng 1,2m đánh trúng cổ làm Trọng lảo đảo gần té ngã. Bị ông Sáu đánh đau nên Trọng chạy đến cộ bò của mình gần đó lấy 1 cây gỗ tròn dài 1,3m, đường kính 3cm, có 1 đầu tà, 1 đầu nhọn dùng để chống rơm, chạy trở lại đánh liên tiếp vào người ông Sáu. Lúc này, có anh Sơn và anh Thảo đang cào rơm gần đó thấy hai chú cháu cứ hơn thua đủ, bèn chạy đến can ngăn. Nghĩ hai người ấy chạy đến đánh mình nên ông Sáu dùng cây đánh anh Sơn liên tiếp trúng vùng vai phải và tai phải gây thương tích, Sơn choáng váng ôm đầu ngồi xuống ruộng lúa. Thấy Sơn (anh rể của Trọng) bị thương, Trọng tiếp tục dùng cây chống rơm đánh liên tiếp vào người và đầu ông Sáu làm ông Sáu té ngã xuống đất. Sau đó được mọi người can ngăn và đưa ông Sáu đi cấp cứu.
Theo kết luận pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa: Ông Ngô Sáu bị 5 vết sẹo vùng trán và vùng đầu, tỷ lệ thương tật 0,7%; gãy xương bàn 2-5 bàn tay phải để lại 2 vết sẹo, sẹo liền, tỷ lệ thương tật 6%. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 13%.
Ngày 29.7.2015 TAND huyện Vạn Ninh mở phiên tòa đưa bị cáo Ngô Quang Trong ra xét xử. Tại phiên tòa, Trọng đã khai nhận hành vi của mình gây thương tích cho ông Sáu như nội dung cáo trạng truy tố. HĐXX sơ thẩm nhận định, khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã dùng cây gỗ là loại hung khí nguy hiểm đánh gây thương tích cho ông Sáu như trên là phạm tội thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm. Hành vi của bị cáo Trọng là nghiêm trọng, đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của ông Ngô Sáu, xâm phạm quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người và gây mất trật tự trị an ở địa phương. Do đó cần phải xử lý nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian mới đủ tác dụng cải tạo giáo dục bị cáo và ngăn ngừa chung.
Tuy nhiên nguyên nhân bị cáo thực hiện hành vi gây thương tích cho ông Ngô Sáu là xuất phát từ mâu thuẫn giữa bị cáo và ông Sáu. Ông Ngô Sáu dùng cây đánh bị cáo trước nên bị cáo dùng cây đánh lại ông Sáu. Khi thấy ông Sáu dùng cây đánh anh Sơn là anh rể của bị cáo, bị cáo lại dùng cây đánh liên tiếp vào người ông Sáu, bị cáo phạm tội trong trường hợp cũng có một phần lỗi của người bị hại gây ra.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khi phạm tội bị cáo chưa có tiền án tiền sự nên sau khi nghị án, tòa đã tuyên phạt Trọng 2 năm tù về tội cố ý gây thương tích. Về phần trách nhiệm dân sự, ông Sáu yêu cầu bị cáo bồi thường các khoản chi phí điều trị, tiền thuê xe, tiền công người chăm sóc trong thời gian điều trị tại bệnh viện, tiền thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do không lao động được, tổng cộng các khoản là 20.657.000 đồng và Trọng cũng tự nguyện bồi thường cho ông Sáu toàn bộ số tiền này nên tòa chấp nhận.
Bị cáo Ngô Quang Trọng tại phiên tòa
Tiền và tình
Sau khi tòa tuyên án, Trong làm đơn kháng cáo xin giảm án và xin được hưởng án treo (hiện bị cáo đang tại ngoại). Mới đây, TAND tỉnh Khánh Hòa đã xử phúc thẩm vụ án. Tại phiên tòa, Trọng cho rằng ông Sáu cản trở việc cào rơm của mình, “ông Sáu đánh bị cáo trước, bị cáo bức xúc đánh lại chứ không cố ý, vì rơm chị Linh cho bị cáo chứ không phải của ông Sáu, chú mà lại đi giành với cháu”, Trọng nói. Được biết, Trọng được sinh ra trong một gia đình làm nghề nông có 7 anh chị em, cha mất từ khi Trọng còn nhỏ, được mẹ cho đi học đến lớp 7 thì nghỉ vì gia đình khó khăn. Từ đó Trọng ở nhà phụ giúp gia đình làm nông, vốn được đánh giá là người hiền lành. Trong thời gian tại ngoại Trọng đã lấy vợ, hiện vợ của Trọng đã có bầu 5 tháng nên Trọng xin tòa cho được hưởng án treo để còn chăm sóc vợ con và người mẹ đã 56 tuổi.
Ngược lại, người chú ruột thì dứt khoát đề nghị tòa không áp dụng hình thức án treo, “từ ngày nó đánh tôi đến nay, không thấy gia đình nó lên nói một lời nào, không thấy mặt lớn mặt nhỏ nào hết”, ông nói. Vị chủ tọa khuyên “cháu ruột ông không phải ai xa lạ gì, phải nhường nhịn cho con cháu, mình vai chú phải nói thế nào đó với cháu mình chứ, mình lớn mà lại đi giành với đứa trẻ, đi tranh chấp với đứa cháu để rồi chú bị thương tích, cháu đi tù có đáng không. Nếu đánh vào chỗ hiểm, hậu quả xảy ra đau lòng đến cỡ nào nữa, hơn thua với cháu làm gì”. Nghe vậy, ông chú bảo: “Tôi nói nó cái nào mày xin mày làm, cái nào tao xin tao làm mà nó hỗn, đánh tôi rồi đến nay cũng không bồi thường”. Vị chủ tọa tiếp: “Không phải ai cũng có sẵn 20 triệu để bồi thường, gia đình bị cáo cũng phải đi vay đi mượn mới có chứ ông đòi bồi thường ngay liền lấy đâu ra. Chú cháu ruột, thương cháu, khoan hồng, bỏ qua, nếu ông không bỏ qua để xin giảm nhẹ cho cháu thì tòa sẽ xem xét”.
Lúc này, ông chú nói: “Tôi thương nó, nó có thương cho tôi không, tòa cứ xét, tôi không biết”. Nghe vậy, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa lên tiếng hỏi ông: “ông họ gì?” ông nói họ Ngô, hỏi tiếp cháu ông họ gì thì ông cũng bảo họ Ngô. Khi nghe đại diện viện kiểm sát khuyên chú cháu ruột, cùng một họ, cùng máu mủ với nhau mà sao ông cứ chấp nhặt khi chuyện lúc cháu ông nóng giận vậy, ông Sáu bảo “Chú cháu ruột mà đánh tôi cỡ này à”. Đại diện viện kiểm sát tiếp: nguyên do dẫn đến vụ việc này từ ông trước, đúng không, cháu vô tù không thấy cái lỗi của mình mà cứ nói như vậy, thì ông chỉ biết cúi đầu im lặng.
Tiếp tục, tòa hỏi ông: “Bị cáo đem tiền đến tòa khắc phục cho ông, ông có nhận không, nếu ông không nhận, HĐXX vẫn ghi nhận điều này để xem xét cho bị cáo. Sau vụ án này còn tình chú cháu nữa chứ, không phải cả đời đâu, ông chết chẳng lẽ cháu ông không đeo tang, “một giọt máu đào hơn ao nước lã” mà, ở ngoài đời người ta còn tha thứ được huống hồ ông là chú ruột của bị cáo”. Nghe vậy, ông Sáu nói vô đến đây rồi thì không còn tình nghĩa gì nữa. Tòa nhắc lại, ông có nhận tiền không, ông nói “Tiền thì tôi nhận chứ dứt khoát không xin giảm nhẹ hình phạt cho nó”.
Ngay lập tức, tòa cho dừng phiên tòa 10 phút để hai bên làm thủ tục giao nhận tiền. Đứa cháu cùng vợ chạy sang đưa tiền và năn nỉ xin lỗi ông, ông nhận tiền rồi quay sang chỗ khác không thèm nhìn đứa cháu, cũng không ký vào giấy nhận tiền. Còn những đứa con ông, trai có gái có, cùng vợ ông thì la hét rầm trời “nó đánh ông được, thì nó đánh tôi được”, bảo ông không được ký vào bất cứ một giấy tờ gì, gây náo loạn tại phòng xử buộc cảnh sát tư pháp phải đưa ra ngoài khiến hai vợ chồng đứa cháu cứ đứng năn nỉ suốt.
Cuối cùng hai người cô ruột thấy vậy cũng chạy sang xin giúp cho đứa cháu, năn nỉ ông anh nhưng ông vẫn kiên quyết “Gia đình tao gia đình nó ở sát bên, sao không qua xin lỗi gì mà nay ra tòa xin lỗi. Không tha thứ gì hết, có tiền sao không bồi thường mà đi thuê luật sư tốn cả chục triệu”. Mặc dù hai vợ chồng đứa cháu đứng chôn chân năn nỉ hết nước ông vẫn cứ như đinh đóng cột và chỉ ký vào giấy nhận tiền.
Cuối cùng sau khi nghị án, tòa đã chấp nhận kháng cáo sửa một phần án sơ thẩm, chỉ giảm cho bị cáo Ngô Quang Trọng từ 2 năm tù xuống còn 1 năm tù về tội cố ý gây thương tích chứ không cho hưởng án treo. Án tuyên xong, hai gia đình chú cháu lại đánh “võ mồm” với nhau. Ông chú mắng mỏ cháu, còn cháu ông sau khi không được tòa cho hưởng án treo thì bảo sẽ tiếp tục về nhờ luật sư khởi kiện ông tội cố ý gây thương tích vì ông đánh nó gây thương tích có giấy chứng thương đàng hoàng.
Rồi mạnh ai nấy về, hai gia đình dù ở cạnh nhà nhưng nhau từ khi xảy ra vụ việc chẳng ai nhìn mặt ai, chú cháu, anh em con chú bác ruột bỗng trở thành “kẻ thù”.
Ngoài trời do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, cứ âm u như muốn đổ một trận mưa.
Hoàng Phúc
Kỳ 37: Chu Ân Lai trăn trối những gì với ... Khmer Đỏ?
Đi mổ sạn thận bị cắt tứ chi: chi 60 triệu đồng để mua im lặng?
Sang Nhật, ông Lê Thụy Hải té ngửa khi biết chân dung HLV Miura
Kỳ 39: Hoàng Sa trước “cái bắt tay tội lỗi” giữa Mao Trạch Đông và Nixon
Tường trình của phóng viên giả gái làng chơi lọt vào động quỉ
Đại gia Myanmar xuất chiêu, bầu Đức choáng toàn tập