Tính hai mặt của một thế giới phẳng có lẽ dễ nhìn ra vấn đề nhất lại là lúc mà đại dịch toàn cầu COVID-19 đã làm cho loài người hôm nay điên đảo đến khôn lường.

Chiếc khẩu trang và thế giới phẳng lúc đại dịch

15/04/2020, 06:19

Tính hai mặt của một thế giới phẳng có lẽ dễ nhìn ra vấn đề nhất lại là lúc mà đại dịch toàn cầu COVID-19 đã làm cho loài người hôm nay điên đảo đến khôn lường.

Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu - Ảnh: Internet

Trước đây, khi không có đại dịch hoành hành, người ta thấy một châu Âu không còn ngăn cách bởi các bức tường hoặc hàng rào ở biên giới, nhìn vào thấy cũng có nhiều thú vị và phải nói là cũng lạ và cũng có nhiều nước mong được như thế.

Một khu vực dùng chung đồng euro ấy, quả là tiện lợi khi người ta có thể dễ dàng sang hàng chục quốc gia với nhau, không cần hộ chiếu, không cần đổi tiền...

Song, nó trở nên bất lợi đại loại kiểu như vừa qua, thứ coronavirus quái quỷ đổ bộ ào ào từ Trung Quốc vào châu Âu thì cái sự “chậm chạp" của liên minh này tỏ ra không được hay chút nào.

Khi Cộng hoà Séc tuyên bố đóng cửa, phong toả biên giới (tất nhiên chỉ là giấy tờ chứ thực ra cũng rất khó cấm triệt để vì đâu có hàng rào nào ngăn cách!) phòng dịch bệnh lây lan, phòng sang nước nhau vơ vét nhu yếu phẩm thì nhiều nước vẫn dửng dưng không quan tâm.

Khi nước Ý vỡ trận với vài trăm, thậm chí cả ngàn người tử vong mỗi ngày do virus thì những nước khác cũng không ngồi bàn gì với nhau để tìm ra cách đối phó chung chứ đừng nói đến chuyện trợ giúp về nhân lực lẫn vật lực cho nhau.

Đó là tôi chưa bàn đến chuyện người châu Âu, châu Mỹ họ kỳ thị người châu Á chúng ta đeo khẩu trang như thế nào. Họ có lẽ không hiểu sâu xa một điều rằng, do vấn đề môi trường hiện nay (và đã từ lâu), người châu Á đã dùng khẩu trang để ra đường nhằm tránh ô nhiễm do khói, do bụi nên họ đã quen, không còn xa lạ và cũng không có mấy ai để ý...

Vì thế, khi có dịch COVID-19 và được ngành y tế khuyến cáo, họ thực hiện rất nghiêm túc và tỏ ra hiệu quả hơn những nước ở châu Âu và châu Mỹ, dù bệnh dịch đã tỏ ra rất nghiêm trọng mà họ vẫn dửng dưng. Họ cho rằng chỉ người nào trong ngành y hoặc nhiễm virus thì mới cần dùng (!).

Phải chăng đây chính là bài học đắt giá mà họ phải trả trong đại dịch lúc này để tới mức như Mỹ, như Ý, như Tây Ban Nha... mỗi ngày có đến cả ngàn người tử vong thì thật đáng sợ. Sợ hơn nữa, đó lại là những nước có nền y tế “khoẻ” hơn chúng ta, những nước châu Á hoặc châu Phi nhiều lần.

Giáo sư, tiến sĩ Trương Việt Dũng, nguyên Vụ trưởng vụ Khoa học Đào tạo, Bộ Y tế có nói với tôi một ý khá thú vị. Ông bảo rằng chính ông cũng không thể giải thích nổi vì sao châu Âu họ lại “vỡ trận” khi dập dịch COVID-19 kỳ này.

Bởi chính các chuyên gia y tế này từng dạy ông khi ông còn trẻ sang làm nghiên cứu sinh rồi sau này, do công việc, ông và nhiều đồng nghiệp trong nước cũng từng dự nhiều hội thảo quốc tế với họ sau này (ông Việt Dũng là giáo sư chuyên ngành vệ sinh phòng dịch của ngành y nước ta và hiện vẫn tham gia giảng dạy, hướng dẫn nhiều luận án tiến sĩ...) họ đều nói rằng, muốn dập dịch cúm, hoặc bệnh về phổi thành công, cứ lưu ý thực hiện tốt hai điều, đó là nhớ đeo khẩu trang và sớm cách ly thì đã là thành công một phần quan trọng.

Ấy vậy mà tại sao việc này chính họ lại không vận dụng cho nước của họ?

Còn Việt Nam ta, theo ông Việt Dũng thì chúng ta đã làm đúng như những gì họ khuyến cáo các thầy thuốc Việt Nam. Vì thế, ông tin rằng chúng ta sẽ thành công dù diễn biến dịch lần này quá phức tạp do thời gia ủ bệnh rất lâu, thậm chí còn nhiều ca không xuất hiện triệu chứng...

Trở lại câu chuyện chiếc khẩu trang mà tôi muốn nói trong bài viết này, đó là trong “nguy” lại có “cơ" khi đại dịch bùng phát gần như toàn cầu với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đó là việc châu Âu, châu Mỹ thiếu khẩu trang y tế cũng như khẩu trang vải bình thường đến mức họ trở tay không kịp và đây là thời điểm chúng ta có thể chuyển hướng sản xuất để xuất khẩu một khi đã đủ cung trong nước và người làm trong ngành may mặc hiện đang bị đứt việc vì không có đơn hàng. Họ có thể thay vào đó bằng việc sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế khác nếu các nước đặt chúng ta làm.

Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết trên VTV1 tối ngày 13.4 thì chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo về bộ, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng, trong đó 60% là khẩu trang vải đạt tiêu chí phòng chống dịch.

Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều và thừa nhiều so với nhu cầu trong nước. Nếu như chúng ta có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa. Và đó chính là cơ hội để ngành dệt may đỡ đi phần nào khó khăn trong thời điểm hiện nay do mất thị trường.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, là một ngành công nghiệp quan trọng của nước nhà, hiện đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với "cú sốc kép" đến từ sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, khi được nhiều nước đặt hàng gấp về khẩu trang cũng là điều may mắn trong cái đại hoạ khủng khiếp này khiến người lao động thiếu việc làm.

Tôi được biết, tại một DN như TCT May 10 chẳng hạn, theo như ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc cho hay, hiện nay có một số đối tác châu Âu đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD và dự kiến giao hàng từ tháng 7.2020. Ngoài ra, một số đối tác Mỹ, Đức đặt mua 28 triệu khẩu trang vải và y tế, giao hàng trong quý 2/2020. Do đó, May 10 đang lắp đặt hệ thống máy móc sản xuất khẩu trang y tế.

"Mặc dù giá trị sản xuất khẩu trang không đem lại giá trị kinh tế cao như may mặc, song để bù đắp thiệt hại và duy trì sản xuất thì chuyển đổi sang mặt hàng khẩu trang là hướng đi của DN trong bối cảnh thiếu đơn hàng vì COVID-19" - ông Việt nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống và châu Âu thì có lẽ họ sẽ trở về thói quen cũ nên không dùng.

Đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định cũng không cao. Vì thế, chúng ta nên tập trung sức lực và cơ sở vật chất máy móc đến mức độ nào nếu không muốn có ngày sẽ bị đọng vốn, máy móc nhập về không kịp dùng và hàng thừa ra do bão dịch tàn phá qua đi.

Và đây chính là bài toán cần có sự điều tiết của các bộ, ngành dệt may và từng doanh nghiệp một sao cho cân đối, vừa đủ dùng trong nước mà vẫn có hàng để xuất khẩu.

Đó là tôi chưa đề cập đến chuyện mang tính nhân đạo, đối ngoại khác khi thế giới hôm nay là một thế giới phẳng, là vấn đề toàn cầu hoá nên nếu có khó khăn cùng chịu chung. Chúng ta hết dịch nhưng các nước khác chưa hết thì cũng không giao thương, không thể có khách đi du lịch sang nhau được. Vì thế, dù chúng ta còn nghèo nhưng mọi người nếu như tinh ý sẽ thấy Chính phủ vẫn luôn dành những chuyến hàng nhân đạo về dụng cụ chống dịch gửi tặng các nước với hy vọng bạn mình hết dịch thì chúng ta mới yên tâm làm ăn căn cơ, lâu bền với họ.

Một thế giới phẳng trong đại dịch toàn cầu là như thế. Và chiếc khẩu trang lúc đại dịch cũng như sau dịch quả là một vấn đề tưởng là nhỏ mà không hề nhỏ!

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiếc khẩu trang và thế giới phẳng lúc đại dịch