Các tướng lĩnh đã công kích chiến thuật ngoại giao chiến lang vì cho rằng nó đã phá hoại cơ hội thống trị thế giới của Trung Quốc. Nhưng còn có những điều bí hiểm sau những lời chỉ trích rộ lên gần đây.

Chiến thuật 'chiến lang’ của Bắc Kinh bất ngờ bị các tướng tá chỉ trích

10/08/2020, 10:23

Các tướng lĩnh đã công kích chiến thuật ngoại giao chiến lang vì cho rằng nó đã phá hoại cơ hội thống trị thế giới của Trung Quốc. Nhưng còn có những điều bí hiểm sau những lời chỉ trích rộ lên gần đây.

Ông Tập Cận Bình trao gửi niềm tin cho quân đội - Ảnh: Internet

Chiến lang không làm ai sợ

Việc phải lãnh đạo đảng cầm quyền, lãnh đạo một đất nước 1,4 tỉ dân không phải điều dễ dàng. Không ngạc nhiên khi Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình lo lắng về việc duy trì quyền lực tuyệt đối.

Để làm được như vậy, ông Tập đã vẽ nên một bức tranh dân tộc chủ nghĩa về tương lai của Trung Quốc. ‘Giấc mơ Trung Hoa’ được mô tả vĩ đại hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hàng ngàn năm của nước này.

Bây giờ, ông Tập phải thể hiện, mà điều đó không dễ dàng chứng minh.

Lũ lụt. Côn trùng. Nạn đói. COVID-19. Tất cả đang ảnh hưởng đến nguồn cung cấp thực phẩm và giá cả.

Những công thức thường thấy của các lãnh đạo Trung Quốc khi đất nước rơi vào khó khăn: đó là khơi dậy sự vĩ đại của quốc gia, đó là lịch sử huy hoàng, đó là thách thức của định mệnh - và đổ lỗi cho người khác về tai ương rơi vào họ. Chiến thuật chiến lang là một trong những công thức nằm trong đó.

Nhưng thế giới không thu mình lại khi đối mặt với chính sách ngoại giao chiến lang’ như Bắc Kinh mong đợi. Thậm chí, họ đang phản công lại.

Các nước Úc, Anh, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Tất cả đều đã kiên định trước những mối đe dọa và uy hiếp bất thường của Trung Quốc. Và, đối với Bắc Kinh, điều đó khó nuốt trôi.

Thay vì lùi bước khi đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế bị đe dọa, Canberra đã cứng rắn kiên định tuân theo các quy định của luật pháp quốc tế trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Malaysia, vốn chịu các cuộc xâm phạm thường xuyên vào khu vực biển đặc quyền kinh tế của mình ở Biển Đông, đã đệ công hàm chính thức khiếu nại về hành động của Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Các nước Đông Nam Á ven Biển Đông khác sau đó cũng hưởng ứng.

Ngay cả Somalia cũng bày tỏ lập trường. Đại sứ Trung Quốc Qin Jian được cho là đã cố gắng thực thi chiến thuật ‘chiến lang trong các cuộc hội đàm gần đây với Tổng thống Muse Bihi. Kết quả là chính phủ Somalia bắt đầu quay sang tiếp xúc ngoại giao với Đài Loan.

Giữa Bắc Kinh có những lời than vãn

Bây giờ những tiếng xì xào đang bắt đầu xuất hiện ở Bắc Kinh về việc ông Tập có lãng phí cơ hội lớn của Trung Quốc để chiếm vị trí xứng đáng trên trường thế giới không?

Richard McGregor tại Viện Lowy chỉ ra rằng có những dấu hiệu bất đồng chính kiến ​​được che giấu trong giới chóp bu Bắc Kinh.

Thiếu tướng đã nghỉ hưu Qiao Liang và Thượng tá tại ngũ Dai Xu của Lực lượng Không quân PLA là hai tiếng nói nổi bật thể hiện sự bất hòa ở Bắc Kinh trong những tuần gần đây.

Qiao là một trong những người sáng lập học thuyết quân sự hiện đại của Trung Quốc sau khi xuất bản cuốn sách Chiến tranh không giới hạn vào năm 1999.

Ông ta dám lên tiếng phản đối việc giành quyền thống nhất Đài Loan bằng vũ lực vốn đã được Chủ tịch Tập tuyên bố công khai. "Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc không phải là thống nhất Đài Loan mà là đạt được giấc mơ trẻ hóa đất nước để tất cả 1,4 tỉ người Trung Quốc có cuộc sống tốt đẹp", ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây. "Có thể đạt được bằng cách lấy lại Đài Loan không? Tất nhiên là không".

Thượng tá Dai thậm chí còn lấp lửng về chi phí tiềm tàng của một cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ trong một bài bình luận có tựa đề: “2020, bốn điều bất ngờ và mười hiểu biết mới về nước Mỹ”.

Trong đó, ông viết: “Mỹ sẽ rất cứng rắn khi áp đặt các mức tăng thuế quan lên 30 tỉ, 50 tỉ và sau đó là 200 tỉ. "Hãy nhớ rằng: 30 tỉ thuế quan áp đặt lên bạn sẽ mở đường cho 60 tỉ, 90 tỉ hoặc hơn. Đây là nơi Đế quốc Mỹ thực sự mạnh mẽ. Chúng ta phải có lý trí thay vì tức giận và chiến đấu một cách khôn ngoan".

Thượng tá PLA Zhou Bo cũng đã bác bỏ giọng điệu hiếu chiến của giới lãnh đạo Bắc Kinh trong một bài báo gần đây trên tờ South China Morning Post có trụ sở tại Hồng Kông. Thay vì là một cuộc khủng hoảng, ông cho rằng cuộc tranh chấp mới nhất với Washington chỉ đơn thuần là một "cơn gió trái mùa". Tất cả mọi điều được mong đợi là Bắc Kinh tiếp tục "phát triển hòa bình" và Washington mòn mỏi suy sụp.

"Ngay cả khi Mỹ rút lui, Bắc Kinh có nhiều hoạt động kinh doanh nghiêm túc hơn để đối đầu với Washington, quan trọng nhất là sự trẻ hóa tuyệt vời của đất nước Trung Quốc vào năm 2049".

Theo McGregor, tất cả những điều này đều ám chỉ đến căng thẳng sau màn nhung quyền lực ở Bắc Kinh. Ông viết: “Ông Tập hay phải hứng chịu chỉ trích từ các học giả tự do của Trung Quốc, những người cho rằng ông đã khiêu khích Mỹ bằng các chính sách ngoại giao và quân sự quyết đoán của mình”.

Họ thích chính sách "ẩn lực, chờ thời" của Đặng Tiểu Bình những năm 1980. "Nhưng bằng cách viện dẫn học thuyết của Đặng, những người theo chủ nghĩa tự do đã khoác vỏ bọc chính trị để chỉ trích chính sách hiện tại, mà không nhắc tên ông Tập".

"Mặc dù mục tiêu chính của sự thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc của Bắc Kinh là xây dựng sự ủng hộ trong nước đối với đảng cầm quyền, nhưng nó cũng gây ra căng thẳng với Washington, khi mỗi bên cố gắng vượt lên bên kia trong việc đổ lỗi và né tránh trách nhiệm", phó giáo sư Jessica Chen Weiss của Đại học Cornell viết trên tạp chí Foreign Affairs.

"Ngoại giao chiến lang có thể xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc ở trong nước, nhưng nó sẽ hạn chế sức hấp dẫn của Trung Quốc ở nước ngoài. Chiến thuật này đã xóa nhòa những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng một hình ảnh nhân đạo và cao thượng", Jessica Chen Weiss viết.

Vì sao các tướng tá không vui với chiến lang?

Không những vậy, ngoại giao chiến lang khiến Bắc Kinh đang nhanh chóng mất đi những người bạn mà họ có. "Trung Quốc đã viện trợ cho rất nhiều quốc gia, mang lại lợi ích cho họ về nhiều mặt, nhưng vào thời điểm quan trọng này, không một quốc gia nào trong số họ có bất kỳ hành động nào đứng về phía với Trung Quốc", Đại tá Dai than phiền.

Hậu quả của ngoại giao chiến lang cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều tập đoàn chủ chốt của Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với giới lãnh đạo quân đội. Alibaba, Huawei và Tencent chỉ là những cái tên nổi bật nhất đang đối mặt với phản ứng dữ dội từ quốc tế.

Những thiệt hại tài chính của họ sẽ được cảm nhận bởi nhiều tướng lĩnh PLA. Và những vị tướng không vui có làm Bắc Kinh lùi bước hay vẫn tiếp tục kiên định ngoại giao chiến lang.

McGregor nói rằng Bắc Kinh khó có thể lùi bước vì họ có một "quân đội hùng mạnh và một hệ thống chính trị với tư tưởng thù địch sâu sắc đối với phương Tây".

Ông viết: “Chỉ riêng những yếu tố đó, cùng với tham vọng của ông Tập đối với Trung Quốc và kỷ luật sắt của ông trong việc thực thi chúng, đã khiến Trung Quốc khó đặt ra một lộ trình mới... Họ đã khiến nước Mỹ nổi giận và sẽ rất khó để xoay chuyển tình thế. Tương tự, những yếu tố này cũng đảm bảo cho sự đồng lòng phản kháng đối phó Trung Quốc nhiều hơn sẽ được duy trì trong một thời gian".

Weiss cũng tán đồng quan điểm này. "Ngay cả khi Bắc Kinh nhận ra những vấn đề này, sẽ phải trả giá tốn kém - mặc dù không phải là không thể - để giới lãnh đạo Trung Quốc kiềm chế chủ nghĩa dân tộc mà họ đã tung ra".

Trung Quốc bảo vệ ngoại giao chiến lang

Hồi tháng 5, khi được hỏi Trung Quốc có phải đã từ bỏ cách tiếp cận cũ và hướng tới lập trường đối đầu hơn đang được một số nhà ngoại giao có biệt danh "chiến lang" sử dụng trong chính sách đối ngoại hay không, Ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố: "Chúng tôi sẽ phản công mạnh mẽ trước những lời vu khống độc địa và sẽ bảo vệ vững chắc danh dự cùng phẩm giá quốc gia. Chúng tôi sẽ dùng sự thật để chống lại những lời bôi nhọ vô cớ và giữ vững công lý, lương tâm".

Anh Tú (lược dịch từ NZ Herald)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến thuật 'chiến lang’ của Bắc Kinh bất ngờ bị các tướng tá chỉ trích