Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND quận Cái Răng cho rằng chợ nổi Cái Răng bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng bờ kè sông. Công trình này làm phá vỡ cấu trúc "trên bến dưới thuyền", triệt tiêu hoạt động thương mại trên bến, phân tán thương hồ.
Báo cáo về công tác bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng, UBND quận Cái Răng đã viết rất thực chất, nhìn nhận những điểm yếu đã làm cho chợ nổi Cái Răng từ một trong những chợ nổi có tiếng trong bản đồ du lịch các nước Đông Nam Á nay đang trên bờ vực cảnh “chợ chiều”.
Theo đó, hiện chợ nổi Cái Răng chỉ còn từ 200 - 250 ghe tàu mỗi ngày, trong khi đó, cách đây vài năm có từ 500 - 600 ghe tàu, tức giảm từ 50 - 60%.
Trước tình trạng báo động về chợ nổi có nguy cơ “tan chợ”, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã có văn bản yêu cầu UBND quận Cái Răng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá tác động của công trình xây dựng bờ kè sông đối với cuộc sống của thương hồ tại chợ nổi Cái Răng. Bờ kè sông được xây dựng quá cao, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa của thương hồ chợ nổi Cái Răng lên trên bờ, cũng như vận chuyển hàng hóa từ trên bờ xuống ghe tàu của thương hồ.
Công trình xây dựng bờ kè nói trên thuộc dự án kè bờ sông, ứng phó biến đổi khí hậu của TP.Cần Thơ. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP.Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ và vốn đối ứng ngân sách của thành phố với thời gian thực hiện từ năm 2016-2023.
Ông Nhâm Hùng, nhà nghiên cứu văn hóa ĐBSCL cho rằng, từ xưa đến nay, chợ nổi Cái Răng cũng như chợ nổi miền Tây Nam Bộ tồn tại theo hình thức trên bến dưới thuyền. Những ngôi nhà ven sông khu chợ nổi là những nhà vựa, kho chứa, kho trung chuyển trái cây, nông sản, hàng quán buôn bán đồ ăn, thức uống. Trước đây hầu hết các chợ nổi sung túc ở miền Tây đều không có bờ kè. Cảnh buôn bán thân thiện, nhộn nhịp lâu nay diễn ra như vậy.
Tại chợ nổi Cái Răng, trước khi xây dựng bờ kè sông, nơi đây có nhiều nhà người dân vừa sinh sống vừa làm vựa - nơi trung chuyển hàng hóa giữa thương hồ ở chợ nổi Cái Răng với các vùng miền khác của đất nước. Khi kè được xây dựng xong, những ngôi nhà vốn là nơi trung chuyển hàng hóa bị dời đi nơi khác nhường chỗ cho đường ven kè.
Thực tế là kè sông ở đây xây dựng quá cao. Nếu tính từ mực nước trung bình của sông Cái Răng, kè mới xây dựng này cao từ 4 - 5m. Điều này gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa của thương hồ chợ nổi Cái Răng lên trên bờ, cũng như vận chuyển hàng hóa từ trên bờ xuống ghe tàu thương hồ.
Chợ nổi Cái Răng nằm trên nhánh của sông Hậu, chảy qua quận Cái Răng, nối liền với kinh xáng Xà No. Đây là trục giao thông quan trọng về hướng Vị Thanh - Hậu Giang nối với các sông tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, thuận lợi cho việc giao thông giữa các tỉnh bắc và nam sông Hậu. Đặc điểm chính của chợ Cái Răng là chuyên buôn bán trái cây, rau quả, đặc sản Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL. Sản phẩm thường thấy tại chợ nổi Cái Răng là cam, quýt, bưởi, xoài, khoai , bí, rau..., sản phẩm buôn bán tùy thuộc vào mùa vụ.
Ông Vũ Thống Nhất, nhà báo lão thành, nhà nghiên cứu về ĐBSCL cho rằng có 2 nguyên nhân làm cho chợ nổi Cái Răng đứng trước nguy cơ biến mất: Một là vai trò kinh tế của giới thương hồ trên sông nước miền Tây Nam Bộ đã hết thời. Thứ hai là bờ kè Cái Răng đã "bức tử" chợ nổi. Làm gì để bảo tồn chợ nổi Cái Răng và chợ nổi miền Tây Nam Bộ để phục vụ phát triển du lịch đã được dư luận gióng lên hồi còi. Đến lúc ta phải học hỏi người Thái, người Indonesia trong công tác bảo tồn chợ nổi.
Lãnh đạo Cần Thơ đã thấy được nguy cơ tiêu vong của chợ nổi Cái Răng nếu không có biện pháp, và đã có quyết tâm bảo tồn chợ nổi Cái Răng. Đó là điều đáng quý. Tuy nhiên, kế hoạch bảo tồn đó phải thuận theo sự quần tụ của chợ nổi tự nhiên xưa nay. Càng không nên làm theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”.
Muốn chợ nổi tồn tại và phát triển, trước tiên TP.Cần Thơ phải tạo điều kiện cho những người buôn bán trên sông và quanh chợ nổi sống được bằng nghề kinh doanh hàng phục vụ cuộc sống sinh hoạt và du lịch. Có như vậy họ mới gắn bó với chợ nổi, và chợ nổi mới phát huy được tác dụng của nó về nhiều mặt.