Người ta ngắt hoa trang hoàng cho chỉ vài ngày lễ rồi bỏ mặc những bông hoa chết héo trên bệ cửa sổ giá lạnh…” – Xin đừng tàn phá thiên nhiên để chỉ làm đẹp cho cuộc sống của mình.

Chơi hoa đào rừng, thú chơi tàn phá thiên nhiên

02/02/2019, 11:38

Người ta ngắt hoa trang hoàng cho chỉ vài ngày lễ rồi bỏ mặc những bông hoa chết héo trên bệ cửa sổ giá lạnh…” – Xin đừng tàn phá thiên nhiên để chỉ làm đẹp cho cuộc sống của mình.

Tết đến, xuân về. Người người mua hoa, mua cây cảnh để đón xuân rước phúc vào nhà. Nơi nơi tràn ngập sắc xuân tươi thắm.

Chị cũng vậy, năm nào cũng lượn chợ hoa cây cảnh từ trước rằm tháng Chạp. Chị háo hức bê về những chậu hoa thuý đủ màu, đôi chậu hoa cúc gấm để hai bên thác nước chỗ tiểu cảnh.

Chị cũng rước vài chậu lan hạc đính, vài củ thủy tiên trong những cái ly thủy tinh chân cao đài các và không quên mua chục lay ơn vàng hoặc đỏ, một lọ thược dược đủ màu cắm lẫn violet cho đúng phong vị ngày Tết của gia đình từ thời ông nội.

Cạnh hộp mứt nơi bàn trà sẽ là một bát xu xi hoa vàng như màu nắng chị tự cắm đơn giản, những bông hoa như những nụ cười ấm áp và dịu dàng hé nở.

Chị có sở thích cắm đào vụn – những cành đào bé đủ nụ, hoa và lộc thật dễ thương – chứ không cầu kỳ lên Nhật Tân lùng cành đào lớn như mọi nhà.

Năm ngoái, đào Tết nhà chị là một cành mận xù xì mốc bám đầy rêu đá và địa y mà mấy đứa em bạn của chị mua của những cậu bé dân tộc thiểu số. Những bông đào rừng hồng thắm được gắn vào cành mận bằng keo 502 một cách khéo léo.

Năm nay, chị nảy ra ý định lên tận Mộc Châu kiếm đào rừng cho bạn bè và người thân.

Sau một đêm nằm trên xe, chị và mấy người bạn lên đến cao nguyên mờ sương khi mặt trời mới ló rạng. Trong làn sương giăng mờ đục, những chiếc xe phân khối lớn buộc vội những cây đào rừng gốc to bằng bắp tay, thân mốc và lốm đốm nụ hoa, gầm rú rời nương núi, sau đó hối hả dỡ hàng và chào bán cho những chiếc xe dừng lại trên đường xuôi Hà Nội.

Chị nhìn những gốc đào nhựa ứa từng giọt, từng giọt, cùng những tiếng chào giá bằng tiếng phổ thông chưa sõi “hai trang” (200.000đ), “nam trang” (500.000đ), làm tai chị ù đặc…

Cây đào rừng chẳng được ai chăm bẵm tưới tắm, nó tự bám vào đá núi, sống kiên cường dưới sương gió khắc nghiệt của thiên nhiên bao nhiêu năm mới cao và to bằng chừng ấy, chỉ vì cái thú mang thiên nhiên về nhà, mà con người hủy diệt một loài cây đẹp..

Chị lặng đi với ý nghĩ bao nhiêu năm nữa những cây đào rừng sẽ vĩnh viễn biến mất trên núi rừng Tây Bắc? Mùa xuân vùng cao liệu có còn hình ảnh thi vị của những cặp trai gái người Mông múa khèn bên những gốc đào rực màu hoa thắm?

Và câu hát “giọt sương thấm ướt cành đào, dường như ta đã lạc vào động tiên” của ngày hội bắn sẽ trở nên xa lạ biết bao…

Chị không mua một cành đào mốc nào và hình ảnh những rừng đào hồng thắm thuở xa xưa cứ bám riết lấy chị trên đường về, hình ảnh đó nhảy múa theo từng cua đèo xóc nảy và chao võng bồng bềnh vào giấc ngủ theo nhịp bánh xe lăn về xuôi..

Trong đầu chị ngân nga lời hát của cậu bé mồ côi Yuri Shatunov trong ban nhạc “Tháng Năm dịu dàng” nghe từ thời sinh viên: “Người ta ngắt hoa trang hoàng cho chỉ vài ngày lễ rồi bỏ mặc những bông hoa chết héo trên bệ cửa sổ giá lạnh…” * cảm giác xót xa..

Xin đừng đưa thiên nhiên về nhà theo cách tàn ác ấy, đừng tàn phá thiên nhiên để chỉ làm đẹp cuộc sống của mình!

Theo Nghiêm Thanh Hải – GĐ&XH

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chơi hoa đào rừng, thú chơi tàn phá thiên nhiên