Câu chuyện về lãng phí SGK những ngày qua đã thu hút sự chú ý của dư luận vì sự lãng phí ấy đã tích hợp trong một năm học khiến phụ huynh phải oằn lưng gánh chịu.

Chống lãng phí, độc quyền SGK: Bài toán chưa có lời giải

Hải Yến | 24/09/2018, 22:42

Câu chuyện về lãng phí SGK những ngày qua đã thu hút sự chú ý của dư luận vì sự lãng phí ấy đã tích hợp trong một năm học khiến phụ huynh phải oằn lưng gánh chịu.

Phá bỏ độc quyền SGK có tiếp tục gây lãng phí?

Sự lãng phí đó chính là mỗi năm học, học sinh đều phải sắm SGK mới, kèm theo đó là những bộ sách tham khảo, chưa kể đến việc những cuốn sách ấy cũng không thể để cho các lớp sau học được hoặc ít nhất có thể đi từ thiện ở các tỉnh vùng cao được. Sự lãng phí này cho tới nay lại chưa được khắc phục khi sắp tới đây lại có việc nhiều bộ SGK để các NXB cạnh tranh, phụ huynh, học sinh có cơ hội lựa chọn bộ sách nào phù hợp với con em mình.

Những ý kiến của các Đại biểu quốc hội xoay quanh vấn đề tránh độc quyền SGK, đặc biệt đợt đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông kỳ này hướng tới một chương trình nhiều SGK. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét nhiều lần và về cơ bản đã được hội đồng chấp thuận, chỉ chờ quyết định sau cùng của Bộ trưởng. Phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và cả xã hội đang chờ đợi sự thay đổi căn bản toàn diện lần này và cùng hy vọng giáo dục phổ thông sẽ có một bước tiến mới.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội đã nêu về một chương trình nhiều SGK. Trưởng ban Dân nguyện nhấn mạnh cần phải hết sức cân nhắc quy định một chương trình nhiều SGK, nhất là với tiểu học. Bên cạnh đấy bà Hải cũng khẳng định quyền của người học, cùng phụ huynh phải được biết bộ sáchnhà trường chọn có hợp lý không và họ sẽ được lấy ý kiến có đồng ý với bộ sách đó để dạy con em họ hay không.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng:

“Độc quyền SGK khiến NXB duy nhất thuộc Bộ GD-ĐT sẽ thao túng thị trường. Một khi không có cạnh tranh, SGK khó phát triển và học sinh chính là đối tượng chịu thiệt thòi. Hơn nữa, biên soạn và in SGK sử dụng tiền từ ngân sách Nhà nước cũng không ổn. Điều này sẽ tạo tiêu cực khi nhiều cá nhân, tổ chức cố gắng “chạy chọt”, “móc ngoặc” để lấy cơ chế in sách độc quyền, chia lợi nhuận”.

Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong sử dụng SGK: “Tỉnh Quảng Nam có sách vở riêng cho Quảng Nam, rồi tỉnh nào có riêng cho tỉnh đó thì nền giáo dục như thế là không được”. Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nêu bất cập về việc sử dụng từ ngữ vùng miền khiến học sinh không nắm bắt được... SGK phải thông dụng cho học sinh, giáo viên cả nước cùng hiểu.

Liệu có lợi ích nhóm đằng sau việc độc quyền SGK?

Bày tỏ lo ngại về lợi ích nhóm khi triển khai viết SGK cho chương trình Giáo dục phổ thôngmới tới đây, PGS Phạm Tất Dong chia sẻ: Trong khi chờ đợi ban hành chương trình, có NXB hiện đã tổ chức viết trước, sau đó sẽ chỉnh sửa. Như vậy, chẳng phải đã đón đầu trước rồi? Nhưng trên thực tế, làm sao họ biết chương trình được duyệt như thế nào mà viết? Sẽ nghi ngờ có tay trong chứ? Cho dù một chương trình, nhiều bộ SGK thì các nhóm viết vẫn phụ thuộc vào các NXB. Nếu giữa họ có những ràng buộc nào đó thì độc quyền đúng là sẽ chuyển sang lợi ích nhóm, người nhiều người ít, tất sinh ra đấu đá…

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Minh Hạc cũng đã nói thẳng về vấn đề độc quyền SGK: Làm sách giáo khoa sử dụng một lần là "không bình thường, quá lãng phí". Và nhiều nước đã dừng gộp bài tập vào sách giáo khoa vì không hiệu quả. Một bộ sách trên thế giới chu kỳ dùng khoảng 8-10 năm, Việt Nam trước đây 20 năm, nhưng giờ lại kéo ngắn chu kỳ chỉ 1 năm và sau đó sẽ đến tay “đồng nát”. Dư luận và chính những người từng công tác trong ngành giáo dục cũng thấy khó chấp nhận “thủ thuật biên soạn sách giáo khoa”, tư tưởng nghèo mà “xài sang” sẽ khiến gánh nặng lên vai phụ huynh càng nặng nề.

Bỏ độc quyền sách giáo khoa là xu hướng tất yếu, tuy nhiên vấn đề này cần đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh vì mỗi cuốn sách được chọn thực sự vì người học chứ không bị ảnh hưởng bởi lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm. Để thực hiện được việc này, thiết nghĩ các cơ quan quản lý nhà nước cần có những quy định cụ thể, rõ ràng nhằm hạn chế những lợi ích nhóm xoay quanh việc học của học sinh hiện nay vì vốn dĩ chiếc cặp trên vai học sinh cũng đã nặng lắm rồi.

Lên tiếng thẳng thắn về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm: SGK cần được sử dụng, bảo quản tốt để có thể sử dụng lại được khi cần thiết, tránh lãng phí cho gia đình học sinh, xã hội. Trong sách giáo viên có yêu cầu nhắc nhở học sinh không viết vào sách để SGK có thể sử dụng được nhiều lần. Để khắc phục tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, các nhà trường hướng dẫn học sinh không nên viết vào sách và giữ gìn, bảo quản sách cẩn thận để có thể sử dụng được lâu dài.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam kiểm tra, rà soát đánh giá cụ thể việc in ấn và phát hành SGK để có đề xuất chỉnh sửa cụ thể thiết kế nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK, gây lãng phí. Sắp tới, khi tổ chức biên soạn SGK theo Chương trình GDPT mới, Bộ GD-ĐT sẽ quán triệt với các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
4 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chống lãng phí, độc quyền SGK: Bài toán chưa có lời giải