Nằm sâu trên ngọn núi Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh), ngôi cổ tự Bảo Quang sau những biến cố sóng gió của thời gian, tưởng chừng chỉ còn lại những phế tích tàn lụi. Nhưng những mối duyên thiên định đã khéo léo sắp đặt để giờ đây, ngôi chùa trở thành một địa chỉ hành hương, một địa tâm linh với những câu chuyện kỳ lạ xung quanh...
Chuyện đàn bò và phế tích ngàn năm
Theo chia sẻ của Đại đức Thích Trúc Thái Minh, năm 1987, một lão nông địa phương bị mất một đàn bò. Lão lang thang khắp vùng để tìm kiếm, trong lòng luôn cầu trời, niệm phật xin cứu giúp. Đêm đến, lão nông nọ nằm mơ thấy một ông cụ râu bạc phơ hiện ra và nói: “Con cứ lên núi Ba Vàng tìm khắc thấy đàn bò”.
Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng. |
Theo những tài liệu, vào thời Trần (thế kỷ thứ 13), vua Trần Nhân Tông rời bỏ cung vàng điện ngọc về non xanh Yên Tử tu hành, là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Việt Nam. Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử.
Căn cứ vào khảo cổ khai quật được từ lòng đất tại nền chùa những viên ngói đất nung hình lòng máng màu phớt hồng, kích thước 30x15cm. Mũi ngói giống mũi của chiếc hài. Những viên gạch đất nung lát nền có kích thước 40x40cm. Toàn bộ viên gạch được trang trí một bông hoa bốn cánh (một loại hoa văn đời Trần). Tất cả các viên ngói, viên gạch, mảnh sành tìm thấy đều mang nét văn hóa đời Trần. Chứng tỏ vào đời Trần, nơi đây đã từng tồn tại một ngôi chùa nhưng không rõ lý lịch cụ thể về Sư tổ và ngôi chùa.
Cuộc nội chiến Nam – Bắc triều, Trịnh – Nguyễn phân tranh hao người tốn của, nhân dân khủng hoảng niềm tin với nhà nước phong kiến, họ khao khát đón nhận trở lại ánh từ quang Phật giáo. Nhưng nhà cầm quyền phong kiến đã đề cao đạo Lão, đạo Khổng, ít chú ý đến đạo Phật. Chính lúc này, Đại Thiền sư Tuệ Bích đã xây dựng nên Bảo Quang Tự (năm 1706) như thắp sáng niềm tin, nối lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn. Song do thời gian và các cuộc chiến tranh tàn phá, ngôi chùa lại tiếp tục lùi vào dĩ vãng, ẩn sâu trong lòng núi rừng, tiếp tục chờ đợi mối nhân duyên thiên định.
Giếng thần và những sự trùng lặp kỳ lạ
Kể từ khi được phát hiện vào năm 1987, ngôi chùa vẫn bình lặng chứng kiến những đổi thay của thời gian, không gian. Trong suốt khoảng lặng đó, Bảo Quang Tự không hề có bất cứ một vị trụ trì nào. Cứ thế, con đường dẫn lên núi ngày một rậm rạp, những trùng tu ngày nào của chính quyền dần dần xuống cấp. Bảo Quang Tự tựa như một ngôi chùa hoang vắng, lạnh lẽo. Năm 2007, chính quyền địa phương đã tha thiết thỉnh cầu Đại đức Thích Trúc Thái Minh – lúc đó đang là trưởng ban Tri khách Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử - về trụ trì chùa Ba Vàng.
Đứng trước một ngôi chùa hoang tàn, xuống cấp, Đại đức Thích Trúc Thái Minh bỗng thấy trong lòng dâng lên một cảm giác rất lạ. Kỳ lạ hơn, chiếc giếng nước trong khuôn viên chùa, trước đây khô cạn, bỗng đầy ắp nước trở lại. Cho là điềm báo, Đại đức Thích Trúc Thái Minh quyết tâm gây dựng lại ngôi chùa, hoành dương phật pháp, phổ độ chúng sinh. Hành trang của Đại đức chỉ là hai bàn tay trắng lại đơn thương độc mã nhưng trong lòng vị trụ trì trẻ tuổi luôn có một niềm tin mãnh liệt vào sự gia trì của Phật pháp, sự gia hộ của sư tổ. Trong tâm niệm của Đại đức luôn văng vẳng một câu nói : “Hãy đốt đuốc lên mà đi”.
Sự kiện chùa Ba Vàng đã diễn ra gần một thiên niên kỷ, qua 4 lần trùng tu. Tuy ở mỗi thời đại có khác nhau nhưng lại có sự trùng lập vô cùng ý nghĩa. Trùng tu lần thứ nhất là thời kỳ Phật giáo là quốc giáo. Trùng tu lần thứ hai đã nối dòng truyền thừa Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử sau 300 năm gián đoạn. Trùng tu lần này (Khánh thành vào ngày 9.3.2014) vô cùng quy mô và hiện đại, cũng là lần đánh dấu sự nối lại truyền thừa dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử cũng sau 300 năm gián đoạn.
Tên chùa, pháp danh Sư tổ, pháp danh Đại đức trụ trì Thích Trúc Thái Minh tuy âm ngữ khác nhau nhưng lại cùng một khái niệm “trí tuệ không ngừng tỏa sáng”. Sư tổ Tuệ Bích đã hoàn thành ngôi Bảo Quang Tự khi ngài 48 tuổi; Đại đức Thích Trúc Thái Minh khánh thành Đại Hùng Bảo Điện chùa Ba Vàng cũng vào tuổi 48. Do duyên sinh, duyên hợp của Sư Tổ và Đại Đức, một linh khí hòa hợp hỗ trợ qua lại tuyệt vời và hy hữu.
Như Trang