Nhiều anh sợ người ta chưa đánh giá hết tầm quan trọng và đẳng cấp của mình nên chơi luôn cả hai, ba chiếc bút Kim tinh, Hồng Hà cài lên túi áo, trông cứ như cửa hàng văn phòng phẩm di động.

Chuyện bút chuyện mực (kỳ 2)

09/07/2019, 21:13

Nhiều anh sợ người ta chưa đánh giá hết tầm quan trọng và đẳng cấp của mình nên chơi luôn cả hai, ba chiếc bút Kim tinh, Hồng Hà cài lên túi áo, trông cứ như cửa hàng văn phòng phẩm di động.

Bút máy Anh hùng (Hero), loại bút viết từng nổi tiếng một thời - Ảnh: Internet

Sang đầu thế kỷ 20, khi nho học tàn lụi, Tây học chiếm ưu thế và ngày càng phổ biến thì nhiều thứ bị cuốn theo, thay đổi. Không còn giấy bản, mực tàu, nghiên mực, bút lông nữa, mà người ta dùng giấy tây, mực tây, bút sắt. Chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh thay thế chữ nho, hợp với bút sắt, mực tây. Dòng chảy cuộc sống theo lẽ tự nhiên như vậy, có cưỡng lại cũng không được.

Lứa chúng tôi, học cấp 1, cấp 2 (bây giờ gọi là tiểu học và trung học cơ sở) hệ 10 năm ở miền Bắc hồi thập niên 1960 chỉ dùng bút sắt (do có ngòi bằng sắt) và bút máy.

Như đã nói ở phần trước, bút sắt gồm quản bút, ngòi bút (lá tre), chấm mực, viết rất chậm. Chỉ học sinh cấp 1 (từ lớp 1 tới lớp 4) mới dùng loại bút này. Nhưng phải nói rằng, do đặc điểm của bút sắt, nó tạo cho đứa học trò tính cẩn thận. Viết chậm, nắn nót, giữ cho đừng dây mực, lem mực ra sách vở, quần áo. Hầu hết những đứa viết bằng bút này chữ đều đẹp, dễ coi.

Ở đây cũng cần nói thêm, ngày xưa, thế hệ học trong nhà trường thời Pháp, gần như chữ viết cùng một kiểu, dù học ở thành thị hay nông thôn, ở tận miền núi phía bắc hay tuốt sâu đồng bằng Nam Bộ. Cùng một kiểu chữ, kết hợp đủ cả sự rõ ràng, dứt khoát, uyển chuyển, chân phương, bay bướm. Và rất đẹp. Giờ đây, mỗi khi có dịp tìm được những văn bản viết tay thời Pháp, không khỏi kinh ngạc sao hồi ấy người ta lại có thể tổ chức được cách giáo dục nhất quán và chất lượng như thế. Đó là điều mà bây giờ chúng ta coi như không tưởng, không thể nào làm được.

Ngòi bút lá tre, dùng một thời gian sẽ bị cùn, mực tháo nhanh, chữ bị xấu, nhòe. Thời thập niên 60, giá bán cái ngòi bút chỉ 5 xu hoặc 1 hào nhưng nếu ngòi bút hỏng hoặc cùn, không phải lúc nào cũng có tiền mua thay. Anh trai tôi khéo tay, biết cách mài lại ngòi bút để nó vừa trơn đừng cào giấy, vừa chảy mực đều. Một lọ mực Cửu Long to bằng nắm tay của Xí nghiệp văn phòng phẩm Hồng Hà có thể dùng được cả học kỳ. Đó là với những đứa cẩn thận, chứ nhiều đứa, chỉ nhìn vào quần áo, sách vở cũng đủ biết chúng nó tốn mực đến thế nào.

Tôi thuộc diện hậu đậu, tốn mực, nay đổ mai đổ, bị bu tôi mắng suốt, trong khi đó anh Dinh con dì Được còn biết cách chế ra cả mực để viết, không thèm mua mực Hồng Hà, thế mới tài. Khi chúng tôi hì hục nặn từng hột mùng tơi hoặc quả thèn đen để lấy mực thì tay Dinh đã biết cách đốt vỏ xe cao su lấy muội đen hòa với cồn làm mực.

Sau này những năm đầu thập niên 80 tôi có nghe nói ông vua lốp Nguyễn Văn Chẩn ở Hà Nội cũng từng chế mực kiểu này. Nhờ làm lốp xe đạp có chất lượng tốt hơn cả lốp của Xí nghiệp xe đạp Thống Nhất và làm mực viết mà ông thành đại gia. Ông Chẩn sau đó gặp nạn trong một vụ án kinh tế tai tiếng một thời.

Mực Hồng Hà có 2 loại màu chính là tím, xanh đen, mùi thơm thơm. Thày tôi bảo so với mực Parker của Pháp vẫn còn thua xa. Mà đúng thế thật, hôm rồi tôi lục lại được tờ giấy khai nhân khẩu của nhà tôi, từ năm 1959, chữ viết mực tím vẫn rất mới, đậm đà, rõ nét, cứ như vừa viết chứ không phải đã 60 năm. Bản khai ấy viết bằng mực tím Parker do nhà tôi bán hàng tạp hóa, còn lưu lại được mấy lọ, cất ở góc tủ quên đi nên mới còn, bu tôi bảo vậy.

Lên học cấp 2 (lớp 5 tới hết lớp 7) thì giã biệt bút lá tre. Các thầy cô giảng bài nhanh, phải viết nhanh mới kịp. Đứa nào cũng sắm bút máy. Nghèo cũng phải cố cho bằng anh bằng em. Không thể cứ lôi thôi đem cái lọ mực tới trường. Nguồn bút máy thời ấy có lẽ chỉ từ 2 địa chỉ: Bút do miền Bắc sản xuất ở nhà máy văn phòng phẩm duy nhất bấy giờ là Xí nghiệp Hồng Hà, và bút do Trung Quốc viện trợ.

Tôi còn nhớ Hồng Hà có 2 loại, bút Trường Sơn và bút Hồng Hà. Bút Trường Sơn đơn giản, rẻ tiền (giá hơn 1 đồng/cây), mau hỏng, nhựa xấu; còn bút Hồng Hà chất lương cao hơn, to hơn, đẹp hơn, và tất nhiên đắt hơn (khoảng 3 đồng/cây). Học trò nhà nghèo chỉ dám sắm bút Trường Sơn, một phần hợp với túi tiền, phần khác lỡ có mất cũng không tiếc. Đời học trò đứa nào chả vài lần mất bút. Còn bút Hồng Hà, chỉ cán bộ mới dám mua.

Khiếp nhất, nể nhất là bút Trung Quốc. Phải công nhận hàng Tàu khi ấy thứ gì cũng đẹp, chắc, bền. Những năm chiến tranh ở miền Bắc, ê hề hàng Trung Quốc viện trợ hoặc bán rẻ cho ta theo tình hữu nghị anh em. Quần áo vải Tô Châu bền tới mức mặc sà sã mấy năm trời vẫn chắc vẫn tươi màu. Chả hiểu nó nhuộm kiểu gì mà giặt hoài vẫn không phai. Chậu thau men, bát tráng men Trung Quốc thì bền thôi rồi, dùng khéo cứ cả chục năm vẫn y nguyên. Phích nước cũng vậy, một chiếc phích Trường Giang tuổi thọ phải gấp 3 lần phích Rạng Đông hàng nội.

Đối với đám học trò, thậm chí cả sinh viên, cán bộ, có được cây bút Trung Quốc giống như sở hữu niềm hãnh diện. Phổ biến nhất là 3 thứ, gồm Kim tinh, Anh hùng và Con trâu.

Bút Tàu cực đẹp, nhựa chắc chắn bóng ngời, nắp bút mạ vàng óng, ngòi bút bền cảm giác dùng thiên niên vạn đại viết mãi vẫn không mòn. Sắm được cây bút Kim tinh hoặc Anh hùng còn khó hơn sắm chiếc xe tay ga bây giờ. Loại cao cấp này giá chừng 10 đồng chiếc. Nên nhớ rằng tiền lương tháng công nhân chỉ có 36 đồng, lương trung cấp 48 đồng, lương kỹ sư 60 – 64 đồng. Bởi nó là “hàng hiệu”, độc quyền sở hữu của nhà giàu, của người quan trọng, nên thiên hạ chỉ cần nhìn vào túi áo ai đó, thấy chiếc bút Kim tinh, bút Anh hùng lóe ánh vàng trên ngực là biết mình đang được diện kiến những đẳng cấp cao trong xã hội. Vậy nhưng có nhiều anh sợ người ta chưa đánh giá hết tầm quan trọng của mình nên chơi luôn cả hai, ba chiếc bút cài lên túi áo, trông cứ như cửa hàng văn phòng phẩm di động.

So với hai loại bút trên thì bút Con trâu khác lạ hơn. Nó to gấp rưỡi bút thường, đen tuyền. Có nhẽ vì vậy mà thiên hạ đặt nôm na tên cho nó là bút Con trâu. Ngòi cực bền, ruột chứa mực to khủng tới mức nếu bơm đầy có thể viết mấy ngày mới cạn. Bút này không để khoe nhưng dùng sướng lắm. Bạn bè tặng nhau cây bút Con trâu không khác chi trao cho nhau một thứ gia sản. Tôi hồi lớp 7 đi thi văn thành phố được giải khuyến khích, hiện vật là cây bút Tàu độc đáo này, dùng tới hết năm lớp 9 mới cùn ngòi, tiếc cứ giữ mãi, sau phải bỏ bởi không biết mua ngòi mới ở đâu. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Kỳ 1: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-but-chuyen-muc-116113.html

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
7 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện bút chuyện mực (kỳ 2)