Những ngày qua, dư luận xã hội và cư dân mạng đang sôi sục về chuyện chú hải cẩu bị giết chết tàn nhẫn ở tỉnh Bình Thuận…
UBND H.Tuy Phong (Bình Thuận) cho biết đã chỉ đạo công an điều tra vụ con hải cẩu nằm chết ở bãi cát thuộc TT.Phan Rí Cửa với nhiều thương tích trên đầu.
Con hải cẩu này từng xuất hiện tại khu vực biển Phan Rí Cửa từ tháng 12.2016 và thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương, do khá thân thiện với mọi người xung quanh, hay đùa giỡn... Chính quyền địa phương cũng đã cử người vận động bà con tiếp xúc với hải cẩu không có hành động xâm hại hải cẩu.
Khoảng 21 giờ ngày 1.1.2017, một người dân phát hiện con hải cẩu này đã bị đánh chết. Chú hải cẩu bị thương ở đầu, chảy nhiều máu dính trên cát biển. Những người dân địa phương đã chôn xác con hải cẩu. Nhiều người nghi vấn hải cẩu bị đánh chết do nó cắn phá lưới giăng đánh bắt hải sản của ngư dân giăng thả tại khu vực biển gần bờ.
Rõ ràng, đây là hành động tàn nhẫn và độc ác. Những chú hải cẩu thường khá hiền lành, không tấn công con người, thì cớ gì lại giết chúng?
Trước đó, hồi tháng 11.2016, trang Facebook của một người ở Phú Quốc cũng đã đưa hình ảnh một nhóm người, được cho là đang giết thịt cá heo. Cư dân mạng cũng giận dữ và cơ quan chức năng vào cuộc. Cuối cùng, nhóm người này khai cá heo đã chết trước đó, và nơi họ xẻ thịt là ở biển nước bạn… thì sự việc mới nguôi ngoai.
Thực ra, giết cá heo hay hải cẩu có phải là điều kinh khủng? Cá heo thì lại là món ăn khoái khẩu của nhiều người trên thế giới. Như ở Nhật, nhiều người rất thích món cá heo. Từ đầu tháng 9, nhiều ngư dân vẫn đổ về vùng biển ven thị trấn Taiji (Nhật Bản) để bắt đầu mùa săn cá heo, kéo dài 5 tháng.
Mỗi năm hàng nghìn con cá heo bị ngư dân Nhật bắt và giết tại vùng biển này. Phần lớn các con vật này sẽ bị mổ lấy thịt, một số nhỏ được giữ lại để bán cho các vườn thú, thủy cung trên khắp thế giới…
Chưa đầy 1 năm trước, ông Ric O’Barry, một nhà huấn luyện cá heo từng nổi danh trên các kênh truyền hình tại Mỹ và Anh, sau khi thực hiện bộ phim tài liệu về hoạt động tàn sát cá heo tại Nhật đã bị trục xuất về Mỹ. Quan chức Cục Xuất nhập cảnh Nhật đã tạm giữ ông trong 2 tuần và ban hành lệnh cấm ông trở lại Nhật. Nguyên nhân chỉ vì ông lên án hành vi săn bắt và giết thịt cá heo tại Nhật…
Phía người Nhật có cái lý riêng bởi theo họ, người Nhật chưa bao giờ lên tiếng chỉ trích người phương Tây chuyện giết mổ gia cầm hay bò, lợn. Vì thế việc người Nhật giết 1 con cá heo cũng chẳng khác gì việc người Mỹ giết 1 con bò hay gà, lợn.
Còn ở Canada, chính quyền vùng Newfoundland đã cho phép ngư dân giết chết tới 468.000 con hải cẩu, trong số đó rất nhiều con mới chỉ vài tuần tuổi, để lấy lông mặc dù nhu cầu dùng lông hải cẩu trên thế giới đã giảm đi rất nhiều.
Dưới sự săn bắn của ngư dân, nhiều hải cẩu con thường chết ngay tại chỗ, trong khi đó, số ít hải cẩu thoát được nhưng cũng không thể sống sót bởi những vết thương quá nặng. Sau khi đã tóm gọn được những con vật này, các ngư dân sẽ dùng 1 chiếc móc nhọn để xiên vào cơ thể chúng rồi kéo về tàu.
Do vậy, chuyện ăn hay không ăn thịt cá heo, giết hải cẩu.. là tùy mỗi người, mỗi quốc gia. Như ngay tại Việt Nam, vẫn có nhiều người lên án việc ăn thịt chó- con vật trung thành và thân thiện với con người, trong khi nhiều người vẫn xem đó là món khoái khẩu, kể cả phụ nữ… Và nếu chúng ta lên án việc giết cá heo tại Nhật, chuyện bắn hải cẩu ở Canada… thì có thể còn bị… ném đá trở lại. Mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, tập quán và phong tục mỗi khác…
Nhưng ở Việt Nam, khó ai chấp nhận chuyện tàn sát chú hải cẩu như vậy! Heo, gà, vịt… bị chúng ta giết thịt hằng ngày làm thực phẩm, nhưng cũng chẳng ai vô cớ đập đầu một con heo (lợn) rồi vứt đó, bỏ đi. Đó vẫn là hành động vô nhân đạo, khi giết thú vật không có mục đích. Đó là chưa kể chú hải cẩu là con vật hiền lành, đem lại niềm vui cho bao người, nhất là trẻ con.
Loài vật vốn chỉ tấn công nhau để đảm bảo sự sinh tồn, còn bình thường, chúng cũng chẳng vô cớ giết nhau rồi vứt xác như vậy. Là con người, lẽ nào ai đó còn dã man, thú tính hơn cả... loài vật?
Người Việt vốn hiếu khách. Còn chú hải cẩu vốn là dân xứ hàn đới, ôn đới, vô tình trôi dạt về Bình Thuận. Sao lại dã man đến thế, với “vị khách” hiền lành từ xứ xa xôi đến? Than ôi, với không ít người Việt bây giờ, lòng nhân ái lạc đi đâu mất!
Dã man với loài vật như vậy, liệu có giữ hòa khí, hiếu thuận với con người với nhau được bao lâu? Rõ ràng, cái chết của chú hải cẩu là lời cảnh báo.
Hồ Hùng