Hôm nay 28.8.2018 nhớ lại bức ảnh Che Guavara in ở Cuba năm 1988 được tặng lúc thành lập First News, thấy mình có duyên khi làm cuốn sách sóng gió về sự kiện Gạc Ma năm 1988 (cuốn sách đầu tiên dịch cũng năm 1988).

Chuyến đi không quên từ La Habana đến Paris giá lạnh

First News | 28/08/2018, 10:28

Hôm nay 28.8.2018 nhớ lại bức ảnh Che Guavara in ở Cuba năm 1988 được tặng lúc thành lập First News, thấy mình có duyên khi làm cuốn sách sóng gió về sự kiện Gạc Ma năm 1988 (cuốn sách đầu tiên dịch cũng năm 1988).

Sau chuyến đi Seoul viết sách về HLV Guus Hiddink để tặng bóng đá Việt Nam chỉ vì quá ấn tượng sau khi thấy đội tuyển Hàn Quốc thắng Ý 2-1 rất ấn tượngvà hừng hực ý chí lan toả đến làn sóng ‘Be the Red’ của hàng triệu người hâm mộ ở Seoul - World Cup 2002 - Tôi bay sang Cuba để tìm kiếm, thu thập tư liệu làm cuốn sách về Che Guevara và ‘Fidel Castro và những âm mưu ám sát của CIA‘.

Chuyến đi kéo dài gần một tháng.Với thư giới thiệu của Đại sứ Cuba, tôi được vào tìm tư liệu ở Cục Dữ liệu An ninh Cuba và được ăn tối cùng ôngRaul Castro, em ruột của Fidel. Còn về Che, từ thuở sinh viên tôi đã rất thích Che với câu nói: “Hạnh phúc không phải là cảm giác đến đích mà chính trên từng chặng đường đi”. Tôi rất thích bãi biển Varademo tuyệt đẹp rộn tiếng đàn điệu nhạc Tây Ban Nha và ấn tượng với bức tượng đồng của Che Guevara đặt ở ngã tư phố cổ với dòng chữ khắc hoạ tính cách của Che bằng tiếng Pháp "l'homme d'idée et d'action": Con người của ý tưởng và hành động.

Chuyến bay từ La Habana về quá cảnh tại sân bay Charles de Gaulle ở Paris hạ cánh lúc 2h chiều thứ Sáu, Tôi đẩy xe đẩy hành lý ra cổng Arival và ngắm Paris qua những bức tranh dọc lối đi và tưởng tượng, rất cảm hứng vì sắp được khám phá nước Pháp và Paris mà tôi từng được thấy qua sách báo phim ảnh. Tôi có điện thoại roaming quốc tế nhưng vì muốn thử cảm giác gọi bằng đồng xu Pháp ở booth điện thoại công cộng ngay trong sân bay. Trong khi tôi loay hoay gọi điện công cộng cho GS Trần Văn Khê lúc đó đang ở Pháp mà không có ai trả lời thì đằng sau lưng tôi ai đó đã khoắng mất cái ba lô đa năng đựng hộ chiếu, tiền bạc, vé máy bay, thẻ tín dụng, 2 máy ảnh...

Choáng váng cho lần đầu tiên đặt chân lên Paris văn minh tráng lệ, lẻ loi nơi đất khách quê người. Tôi tỉnh hẳn, hết mơ mộng...

Tôi cãi nhau một lúc với cảnh sát Pháp ở sân bay sau khi được anh chàng cảnh sát da đen to cao nắm tay dẫn tôi đi một lúc rồi chỉ vào tấm biển in bằng 4 thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha: “Coi chừng mất cắp ở sân bay!”. Mất hơn 2 tiếng đồng hồ hơn cả vô nghĩa ở sân bay. Khó khăn lắm tôi mới chấp nhận thực tế ở hiện tại bằng cách mạnh dạn mở vali lấy một điếu cigar to duy nhất được tặng từ Cuba sau khi kéo lê vali ra chỗ chờ taxi và châm lửa hút. Mọi người đứng đợi xe nhìn tôi lúc đó có vẻ rất vị nể. (Tôi lúc đó thì gầy mà điếu cigar lại to). Trên taxi tôi hỏi đường đến Đại sứ quán Việt Nam tại Paris định tá túc vì trong túi quần còn sót lại không đến 100 đô, lúc đó khoảng 5 giờ chiều. Paris trở rét lạnh.

Đến Đại sứ quánViệt Nam. Vừa đến cửa, đãcó hai con chó bergie to rất dữ chạy xổ ra.Gọi mãi một lúc nữa không được, chỉ có hai con chó trung thành gầm gừ sủa tôi, chẳng thấy người đâu nữa. Tôi đành phải kéo valy lang thang rời Đại sứ quán. Đói, mệt, tôi nhớ đến câu chuyện ‘Những Người Khốn Khổ’ của Victor Hugo để tự động viên mình.

Sau cuốc taxi dài, trong túi chỉ còn mấy chục USD, tôi phải lần tìm đi xe điện hỏi thăm đến Paris quận 13, nơi có nhiều người Việt sinh sống, may ra có người Việt giúp. Khác với mọi lần, tôi tìm đến một khách sạn nhìn bé nhỏ nhất của người Việt. Nghe tôi trình bày mất hết tiền bạc, giấy tờ tùy thân, người chủ nhà trọ nhìn tôi ái ngại, tỏ ra rất thông cảm, dẫn tôi lên cầu thang gỗ nhỏ lên phòng sát mái, nơi dành cho tài xế, và yêu cầu đưa tiền trước cho một đêm duy nhất.

Số tiền còn lại chỉ đủ ăn 1 tô phở. Tôi đuối sức nên ngủ một giấc dài đến trưa rồi xuống gửi hành lý trả phòng. Tôi lang thang đi bộ đến tháp Eiffel, đi dạo sông Seine, dù cảnh đẹp đến mấy mà lòng chỉ thấy lạnh và trống rỗng.

Mấy thanh niên Pháp ngồi chơi bên bờ sông Seine nhìn thấy tôi lúc đó chắc có vẻ “hoàn cảnh” lắm hay sao mà họ đã ân cần mang mời tôi một lon coca và một cái bánh.

Tối xuống, tôi thả bộ khám phá quận 13 giá lạnh, đã quá nửa đêm, đi sâu trong một hẻm cụt, gặp một nhóm thanh niên đang uống bia, đàn hát trên một sàn gỗ. Với vốn tiếng Pháp ít ỏi, nhưng lại biết đàn hát bằng tiếng Anh từ lúc dạy trẻ mồ côi thời sinh viên, tôi nhập bọn và say sưa đàn hát cùng họ. Gần sáng, khi biết tình cảnh của tôi, họ gom lại mỗi người một ít euro giúp tôi. Trong số đó tôi nhận ra nhiều anh chàng là Gay. Vậy là tôi sống qua đượcChủ nhật.

Hồi đó mới sau khủng bố 11/9, ở Paris nếu đi đêm không có giấy tờ tùy thân sẽ bị cảnh sát bắt. Sau này tôi mới biết - chứ lúc đó tôi rất hồn nhiên chẳng hề bận tâm gì.

Sáng thứ Hai, tôi bắt tàu điện ngầm sang Đại sứ quán Việt Nam, trình bày rõ câu chuyện của mình mà họ vẫn không tin, đòi phải có đơn cớ mất hộ chiếu gửi về Việt Nam để có đóng dấu xác minh ở PA 18, hoặc dấu xác minh của công an phường Bến Nghé, Quận 1 mới cấp giấy thông hành. Lệ phí là 40 euro. Mà sau một tuần thư EMS hai chiều mới đến.
Không chơi được với nguyên tắc rồi. Phải tìm cách khác.

Năn nỉ mãi cũng không được. Cũng may trong chiếc điện thoại Nokia 8210 còn lưu số, tôi gọi thẳng về cho bác Năm Xuân (là Đại Tướng Mai Chí Thọ, sau này viết lời giới thiệu cho cuốn sách Fidel Castro của tôi). Bác nghe không rõ nên tôi phải nói rất to. Lát sau tôi bật loa để bác nói chuyện với viên sứ quán:

“Đứa nào đấy ? Đây là thằng Phước cháu tao đi Cuba viết sách mà bị mất hộ chiếu, tụi bây giúp nó cho làm giấy thông hành về ngay chứ nó làm mất hết tiền rồi.”

Tôi thầm cảm ơn sự sáng ý của bác. Thế là tôi chạy bay ra đầu phố vào booth chụp ảnh lấy liền mất 5 euro, làm xong giấy thông hành mà không phải trả tiền sau hơn một giờ và rời Đại sứ quán Việt Nam. Lần này tinh thần khác hẳn chiều thứ Sáu.

Tôi không muốn gọi về nhà hay First News ở Việt Nam nói tình trạng của mình, vì khi đi nhiều người đã cản. Tôi hỏi lần bạn bè bằng nhắn tin và tìm được một người học trò ở Lyon gửi tiền qua đủ để mua vé máy bay và một ít sách về Việt Nam.

Đó là chuyến đi Cuba nhớ đời ở Pháp. Cuốn sách Cách mạng của Tổng thống Pháp Macron mà First News được trao quyền xuất bản ở Việt Nam 15 năm sau như một nhân duyên, tôi vẫn nhớ mãi lon coca của người thanh niên Pháp bên bờ sông Seine và những đồng euro chia sẻ quí giá lúc gần sáng của những chàng Gay mà tôi không bao giờ gặp lại ở khu phố Paris 13.

Sau này, khi là người Việt Nam đầu tiên được Tổng Thống Pháp bắt tay trao bản quyền sách, tôi chợt nhớ về những ngày giá lạnh ấm tình người Pháp ở Paris. Mà người Việt Nam ở Pháp lúc đó ôi sao xa cách.

Cuốn ‘Huyền Thoại Che’ và ‘Fidel Castro và những âm mưu ám sát của CIA’ sau này được các nhà lãnh đạo Việt Nam mang sang tặng lãnh đạo Cuba.

Nguyễn Văn Phước
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyến đi không quên từ La Habana đến Paris giá lạnh