Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xác định là yêu cầu tất yếu để tạo nên những đột phá mới cho mảng kinh tế chủ lực của vùng ĐBSCL. Theo ý kiến của các chuyên gia, để việc chuyển đổi số đạt mục tiêu như kỳ vọng, vấn đề cấp thiết là phải số hóa dữ liệu.
Cho đến thời điểm hiện nay việc chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn chưa như kỳ vọng. Trong khi đó tiềm năng, lợi thế và đóng góp của CĐS cho ngành nông nghiệp rất lớn. Thực tế 3 năm qua ở Hậu Giang đã xuất hiện nhiều mô hình, doanh nghiệp áp dụng số hóa đạt kết quả.
Ông Lê Nhật Nam, người phụ trách kỹ thuật của Công ty cổ phần Công nghệ H2A Việt Nam - đơn vị đang cung cấp giải pháp phần mềm quản lý vùng trồng, nhật ký canh tác để truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong ngành nông nghiệp cho biết: “Thay vì quản lý theo cách thủ công truyền thống, người nông dân có thể vào hệ thống (hiện đang miễn phí) của đơn vị (farm.h2aits.com) để đăng ký khởi tạo nông trại, vùng trồng bằng cách nhập địa chỉ và tên, thậm chí có thể phân lô, tách thửa tương ứng với diện tích loại cây trồng người nông dân có".
Theo ông Lê Nhật Nam, giải pháp phần mềm này sẽ giúp nông dân số hóa dữ liệu trong quá trình canh tác, bao gồm kế hoạch chuẩn bị, gieo trồng, chi phí đầu tư... Người canh tác sẽ có lịch bón phân, thời gian, người bón, loại phân, hàm lượng sản phẩm thế nào khi nông dân nhập lên hệ thống, thì tất cả mọi thứ được lưu giữ. Để việc số hóa được thuận lợi, yêu cầu đầu tiên là nông dân phải có kiến thức sử dụng. Muốn vậy, cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho nông dân trong việc sử dụng các giải pháp về phần mềm.
Việc số hóa ngành nông nghiệp sẽ giúp tiết kiệm công sức lao động của người nông dân, mà năng suất và chất lượng sản phẩm vẫn được bảo đảm. “Số hóa là hướng đi của nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả, từ đây giúp việc xây dựng thương hiệu cho nông sản dễ dàng hơn”, ông Lê Nhật Nam nói.
Việc số hóa dữ liệu sẽ giúp người nông dân theo dõi được dễ dàng, thậm chí ở mọi lúc mọi nơi khi có điện thoại di động kết nối internet. Cụ thể, muốn kiểm tra dữ liệu ở một thời điểm nào trong năm, thì chỉ cần gõ tìm kiếm sẽ cho ra kết quả rất nhanh và chính xác. Điều này giúp việc truy xuất nguồn gốc dễ dàng thông qua quét QR Code được xác lập.
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Rynan Technologies Việt Nam cho biết: "Quá trình chuyển đổi số bao gồm 3 bước: Đầu tiên là phải số hóa dữ liệu, tức chuyển đổi văn bản, hình ảnh, âm thanh... sang định dạng kỹ thuật số để có thể xử lý bằng máy tính; thứ 2 là số hóa quy trình, tích hợp các thiết bị kết nối internet vào tất cả các hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động; thứ 3 là quản lý số, tức quản lý tất cả mọi hoạt động với công cụ số như ứng dụng di động, các phần mềm".
Trong việc khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp, áp dụng CĐS và đổi mới sáng tạo tại TP.Ngã Bảy tỉnh Hậu Giang đã có một người phụ nữ rất thành công trong lĩnh vực này, là chị Cao Thị Cẩm Nhung. Chị Cẩm Nhung tận dụng những thành phần từ mít để làm thành "thịt thực vật" và nhiều sản phẩm được thị trường đón nhận.
Với trình độ chuyên môn cử nhân sư phạm hóa học, sau 3 năm khởi nghiệp, chị Cẩm Nhung đã xây dựng được thương hiệu LeMit và những sản phẩm từ mít. Thương hiệu LeMit Foods hiện nay đã trở thành một điểm sáng trong khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của tỉnh Hậu Giang và ĐBSCL. Chị là người tạo ra các sản phẩm thịt thực vật dựa trên sản phẩm chế biến từ mít đầu tiên tại Việt Nam. Các sản phẩm của LeMit Foods đã đoạt giải trong kỳ thi dự án khởi nghiệp cấp quốc gia vào năm 2022.
Theo chị Cẩm Nhung, Hậu Giang có diện tích mít lớn thứ nhì cả nước với hơn 7.000ha, chỉ sau Tiền Giang. Đây là cơ sở để chị tự tin sản phẩm của mình sẽ có nguồn nguyên liệu dồi dào và xã hội sẽ đón nhận do "thịt thực vật" hiện nay có nhu cầu lớn.
Những khó khăn bước đầu, như xử lý mủ trái mít non để không ảnh hưởng đến mùi vị, tiếp cận máy móc, công nghệ chế biến hiện đại... Đầu năm 2022, ba sản phẩm từ mít của thương hiệu LeMit Foods ra đời, gồm: pa tê, chả cá thát lát, bánh phồng. Đến nay bộ sản phẩm đã phong phú hơn khi có thêm snack (vị phô mai và vị muối hồng), khô mít...
Theo chị Nhung, sau 3 tháng đưa các sản phẩm giả thịt ra thị trường, Lemit Foods đã ghi nhận mức tăng trưởng doanh số gần 30%. Hiện pa tê mít trở thành sản phẩm chủ lực, được nhiều khách hàng trong nước tin dùng và lựa chọn. Ngoài thành lập công ty tại TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), chị Nhung còn xây dựng các kênh bán hàng trực tuyến trên website, mạng xã hội. Hiện nay cơ sở của chị đang mở rộng quy mô sản xuất và quy hoạch thêm vùng nguyên liệu mít tại quê nhà, trồng theo hướng VietGap, GlobalGap.
Chị Cẩm Nhung cho biết: "Kế hoạch của tôi là mở rộng danh mục sản phẩm gắn với giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời hỗ trợ nông dân địa phương tiêu thụ nông sản, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng".
Ngoài LeMit, tỉnh Hậu Giang hiện có hàng chục doanh nghiệp khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP. Đó là những điểm sáng, những thành quả bước đầu trong CĐS và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà Hậu Giang là địa phương nhiệt tình khởi động.