Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho rằng áp dụng công nghệ đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản và ngược lại, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể sẽ bị tụt hậu so với đối thủ.

Chuyển đổi số trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản

Hoài Lam | 13/10/2022, 11:45

Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho rằng áp dụng công nghệ đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản và ngược lại, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể sẽ bị tụt hậu so với đối thủ.

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số đang mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp bất động sản. Theo báo cáo triển vọng bất động sản thương mại 2021, 56% số doanh nghiệp được hỏi cho biết đại dịch COVID-19 giúp họ nhận ra thiếu sót trong số hóa quy trình kinh doanh.

Theo đó, trung bình 45% số doanh nghiệp có kế hoạch tăng đầu tư vào chuyển đổi số trong 12 tháng tới, gồm tự động hóa quy trình bằng robot (RPA), trí tuệ nhân tạo (AI) và các kênh kỹ thuật số.

doanh-2.jpg
Chuyển đổi số ngành bất động sản là nhu cầu tất yếu

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam cho rằng hướng chuyển đổi số trong các ngành kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng là điều tất yếu.

Theo ông Doanh, doanh nghiệp chuyển đổi số có thể cắt giảm chi phí vận hành, đơn giản hóa quy trình và quản lý dữ liệu so với các mô hình truyền thống. Ngoài ra, công nghệ cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận được các đối tượng khách hàng trên kênh số mà lâu nay doanh nghiệp truyền thống không thể tiếp cận đến… Từ đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế trong việc tiếp cận khách hàng, lan tỏa thương hiệu, góp phần tăng khả năng tiêu thụ, doanh thu và sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Doanh, với khách hàng, xu hướng tìm kiếm, thương lượng giá, trao đổi thông tin về sản phẩm bất động sản thông qua nền tảng online ngày một nhiều. Họ cần thông tin đầy đủ và nhanh chóng không chỉ với bất động sản họ dự tính mua mà còn cần thông tin của tất cả các bất động sản trong khu vực đó để so sánh. Doanh nghiệp càng có nhiều dữ liệu, quy trình tiện dụng cho khách hàng thì càng tăng khả năng cạnh tranh.

Do đó, các công nghệ như thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường, hệ thống thông tin địa lý - bản đồ, chuỗi khối (blockchain)... được ra đời và áp dụng mang lại hiệu quả cao, trải nghiệm tốt cho khách hàng và có tính bảo mật cao.

“Do vậy, chuyển đổi số đã, đang và sẽ trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản, bởi việc áp dụng công nghệ đem lại lợi thế cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp bất động sản và ngược lại, nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể sẽ bị tụt hậu so với đối thủ”, ông Doanh nêu.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, ông Doanh cho rằng vai trò tiên phong của nhà cung cấp (nền tảng, dịch vụ công nghệ bất động sản) là vô cùng quan trọng. Trước hết, nhà tiên phong cung cấp công nghệ bất động sản phải cho khách hàng hiểu rõ được các sản phẩm của mình. Đồng thời phải đóng vai trò dẫn dắt thị trường, đảm bảo quan hệ giữa nhà cung cấp và các doanh nghiệp bất động sản, các sàn môi giới.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, Nhà nước cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định phải theo kịp nhu cầu khách quan của thực tế. Ví dụ quy định giao dịch bất động sản qua ngân hàng thì khách hàng lẫn chủ đầu tư, người mua lẫn người bán đều phải giao dịch qua ngân hàng, có tài khoản ngân hàng, điều này cũng thúc đẩy việc chuyển đổi số.

Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ. Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ sẽ kéo theo sự phát triển của rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác và thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững cho đất nước.

doanh-1.jpg
Ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam - Ảnh: Trí Lâm

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, công nghệ số, chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, là cơ sở để phát triển thị trường bất động sản ngày càng chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.

“Mặc dù tiềm năng của thị trường chuyển đổi số rất lớn, trong khi thực trạng phát triển Proptech ở Việt Nam vẫn chưa đáng kể, chủ yếu chỉ là những trang tin rao vặt về bất động sản. Đồng thời cũng có rất nhiều doanh nghiệp muốn tham gia và đã có rất nhiều tổ chức lớn đổ rất nhiều tiền vào lĩnh vực này nhưng thị trường này vẫn chưa thể phát triển”, ông Hà nói.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đã nêu ra 4 “chìa khóa vàng” dẫn lối thành công cho các doanh nghiệp trong công cuộc số hóa thị trường địa ốc.

Đó là cần phải có tầm nhìn và quyết tâm của người lãnh đạo đứng đầu; phải gắn chặt chiến lược chuyển đổi số với chiến lược kinh doanh thực của doanh nghiệp; phải bắt đầu chuyển đổi số ngay từ những việc nhỏ nhất và làm theo bằng một cách tốt nhất. Cuối cùng là các doanh nghiệp đừng cố gắng ôm đồm hết mọi thứ một mình, thay vào đó hãy hợp tác với nhau để cùng phát triển.

TS Võ Trí Thành ví von rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Còn muốn đi vừa nhanh, vừa xa thì hãy “ôm nhau”. Chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản không chỉ là cuộc cách mạng thuần túy về công nghệ mà còn là cuộc cách mạng về thể chế, nhằm hướng tới những thay đổi tích cực và hiện đại để hoàn thiện hơn nữa các chính sách, quy định và quy trình làm việc... Trong đó, trung tâm của tất cả chính là con người cho nên làm gì cũng phải tạo được niềm tin cho thị trường”.

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trở thành nhu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp bất động sản