Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an cho rằng, đối chiếu với Pháp lệnh ưu đãi người có công, cần xác nhận liệt sĩ với những công dân hy sinh khi tấn công bắt giữ tội phạm, ví dụ như trong vụ 2 hiệp sĩ vừa hy sinh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Chuyên gia Bộ Công an: Công dân hy sinh trong bắt tội phạm nên được phong liệt sĩ

Trí Lâm | 15/05/2018, 10:45

Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an cho rằng, đối chiếu với Pháp lệnh ưu đãi người có công, cần xác nhận liệt sĩ với những công dân hy sinh khi tấn công bắt giữ tội phạm, ví dụ như trong vụ 2 hiệp sĩ vừa hy sinh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Hành động hiệp nghĩa, đúng luật

Bình luận về việc 2 hiệp sĩ thiệt mạng trong quá trình bắt trộm, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học của Bộ Công an cho rằng đây là hành động rất hiệp nghĩa, đáng trân trọng khi nhóm hiệp sĩ đã lường trước nguy hiểm nhưng họ vẫn tình nguyện dấn thân, đối mặt, bất chấp nguy cơ đe dọa tính mạng.

“Từng là lính hình sự, nhiều lần đối mặt với tội phạm trong những nhiệm vụ tấn công trấn áp tội phạm, chúng tôi hiểu rõ những nguy cơ có thể xảy ra. Nhưng đó là chúng tôi gánh vác sứ mệnh để làm công việc mạo hiểm đó, còn ở đây là những người dân thường, không chế độ, không lương bổng. Chỉ với trách nhiệm công dân, cùng bản tính nghĩa hiệp, họ đã tình nguyện bước vào đội ngũ những người tham gia, hỗ trợ cơ quan chức năng bài trừ tội phạm”, ông Hiếu chia sẻ.

"Phải thấy rõ điều ấy, chúng ta mới có sự tri ân sâu sắc trước những con người quả cảm đó, xúc động thực sự trước gương hy sinh cao đẹp của họ vì bình an cho tất cả mọi người", ông Hiếu nêu.

Ông Hiếu cũng đồng tình với quan điểm cần nhân rộng phong trào hiệp sĩ giữ gìn an ninh trật tự. Theo đó, trước những diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, trách nhiệm bảo vệ bình yên cuộc sống không thể chỉ do một lực lượng đảm nhận, mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Trong đó, mỗi người dân phải là một chiến sĩ trong mặt trận bảo vệ an ninh trật tự.

“Ở nhiều địa phương, việc người dân tự giác thành lập các tổ tự quản, các CLB phòng chống tôi phạm đã đem lại những hiệu quả rất tích cực trong công tác duy trì trật tự trị an”, ông Hiếu nêu.

Trung tá Hiếu cũng cho biết, theo quy định tại Điều 111 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, trong trường hợp phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ. Đó là trường hợp đang phạm tội hoặc ngay sau khi phạm tội thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt. Như vậy, việc các hiệp sĩ bắt giữ những tên tội phạm khi chúng đang có hành vi trộm cắp tài sản là hoàn toàn được phép.

“Thực tế là cơ quan chức năng không thể luôn có mặt kịp thời tại những nơi xảy ra tội phạm, với sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có các tổ tự quản, các CLB phòng chống tội phạm…chúng ta có thể kịp thời ngăn chặn tội phạm khi nó xảy ra”, ông Hiếu nêu và cho rằng tội phạm cướp giật rất manh động, liều lĩnh nên người dân cần phải hết sức cẩn trọng.

Trong khi đó, ông Hiếu bảy tỏ, hiện nay vẫn chưa có một quy định nào của pháp luật quy định rõ về chế độ đền bù, hỗ trợ người dân bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản khi tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, nên khi xảy ra những tổn thất, việc vận dụng các quy định để hỗ trợ người dân còn gặp lúng túng.

“Đối chiếu với Pháp lệnh ưu đãi người có công, tôi thấy cần xác nhận liệt sĩ với những công dân hy sinh khi tấn công bắt giữ tội phạm, như trong vụ án vừa xảy ra”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cần có luật về lĩnh vực này

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc 2 hiệp sĩ tại TP.HCM thiệt mạng trong quá trình truy bắt tội phạm, luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, thực tế việc bắt cướp này là tự phát do các hiệp sĩ thấy cướp nhiều và bất bình nên họ tự nguyện không đòi hỏi phí hay thù lao.

“Việc thành lập mô hình hiệp sĩ cũng là điều cần thiết và nên khi hiện nay có nhiều vụ cướp táo tợn và manh động. Mô hình hiệp sĩ có thể giao cho các công ty tư nhân kinh doanh độc lập và chúng ta có thể bổ sung ngành nghề kinh doanh này như các công ty bảo vệ, các công ty thu hồi nợ….”, ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nếu việc mô hình hiệp sĩ thông qua thì đó là điều có ích cho xã hội nhưng vấn đề là việc bắt cướp, tội phạm phải được huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và công cụ hỗ trợ vừa phòng vệ cho mình, người xung quanh và tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc.

“Để làm được điều này thì phải có kinh phí và lại phải có luật để điều chỉnh. Đây là cả một vấn đề và có thể gây nên chồng chéo về thẩm quyền, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách khác”, ông Hùng nêu.

Do đó, luật sư này cho rằng cần phải có luật hoặc văn bản quy định điều chỉnh cụ thể lĩnh vực này. Nếu là tư nhân thì cần có thể thành lập công ty hoạt động kinh doanh có điều kiện mà pháp luật đã điều chỉnh và quy định về tiêu chuẩn, điều hoạt hoạt động.

Những hiệp sĩ cần được trang bị kiến thức pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ và 1 số công cụ nhất định khi đi bắt cướp để bảo vệ cho mình và người xung quanh… Về lâu dài cần ban hành luật cụ thể điều chỉnh và hội nhóm bắt cướp và đầu tư kinh phí cho hoạt động này hoạt động một cách hợp pháp cũng như ràng buộc trách nhiệm pháp lý, quyền và nghĩa vụ, điều kiện nhất định khi hoạt động.

Cùng quan điểm, trung tá Hiếu cũng cho rằng cần thiết phải trang bị công cụ hỗ trợ (áo giáp, găng bắt dao, dùi cui) cho các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Để bảo đảm an toàn cho thành viên các tổ chức này khi thực hiện nhiệm vụ, cần có sự huấn luyện về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý tình huống cho họ. Bên cạnh đó cần có chế độ phụ cấp (điện thoại, xăng xe…) cho thành viên các tổ chức này để họ yên tâm và đỡ thiệt thòi khi phục vụ công việc chung.

“Từ vụ án đau lòng này, tôi cho rằng cần sớm có quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tự quản, các CLB phòng chống tội phạm; ban hành chế độ chính sách đãi ngộ thỏa đáng, đẩy mạnh việc đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, đào tạo võ thuật, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho các tổ chức tự quản, dân lập, các CLB phòng chống tội phạm… để chủ động giảm thiểu thiệt hại khi người dân tiếp cận đánh bắt tội phạm”, ông Hiếu nhấn mạnh.

TP.HCM nên thành lập lực lượng 141

Ông Hiếu cũng ủng hộ việc TP.HCM thành lập tổ công tác trấn áp tội phạm đường phố lực lượng 141 như Công an TP.Hà Nội. Việc triển khai các tổ công tác liên ngành (cảnh sát cơ động, cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự) mật phục kết hợp công khai chốt chặn trên các tuyến giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm.

Lý do là trong quá trình di chuyển, tội phạm có thể vi phạm giao thông hoặc biểu hiện nghi vấn thì các trinh sát có thể tổ chức kiểm tra hành chính, nếu phát hiện trong người có hung khí thì lực lượng cảnh sát đã có thể bắt giữ, thu giữ hung khí từ đó ngăn chặn sớm một vụ trọng án có thể xảy ra. Rồi rất nhiều băng nhóm giang hồ dẫn quân đi để thanh toán nhau, nhưng trên đường đi gặp lực lượng 141 nên đã bị chặn lại…

Ông Hiếu cho rằng, tình hình an ninh trật tự TP.HCM rất phức tạp, nên cần thiết phải duy trì các tổ công tác lưu động như các tổ 141 tại Hà Nội. Việc phối hợp với các tổ công tác đặc biệt, với các tổ dân phòng tự quản, câu lạc bộ phòng chống tội phạm tạo thành thế trận đan xen giữa các lực lượng với nhau, để phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm.

Chia sẻ với phóng viên, ĐBQH Đặng Thuần Phong cho rằng mô hình hoạt động của các hiệp sĩ ở Bình Dương rất tốt, có sự gắn kết với cơ quan công an. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ ở mức câu lạc bộ, như một sân chơi ở một địa phương. Điều cần thiết là hành lang pháp lý vững chắc để các địa phương khác cùng thực hiện.

Tuy nhiên, quan trọng hơn, ông Phong cho rằng lực lượng công an cũng cần có những giải pháp trấn áp tội phạm mạnh mẽ hơn nữa. Đại biểu này ủng hộ việc tái lập phong trào săn bắt cướp.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Bộ Công an: Công dân hy sinh trong bắt tội phạm nên được phong liệt sĩ