Ông Đinh Chí Đang, chuyên gia kỹ thuật Công ty dầu khí Việt Nhật cho rằng cần sớm sửa lại QCVN-95:2016/BGTVT, bỏ đi phần hạn chế dưới 12 người. Đây là cách đúng đắn nhất mà trên thế giới thường làm.
Liên quan đến những quan điểm trái chiều trong vấn đề đăng kiểm tàu, thuyền vật liệu PPC thời gian gần đây, dưới góc nhìn kỹ thuật, ông Đinh Chí Đang, chuyên gia kỹ thuật Công ty dầu khí Việt Nhật đã chia sẻ một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
Vì sao có con số 12 người?
Lý giải nguồn gốc con số 12 người, vị này cho biết, theo quy định của Công ước về an toàn sinh mạng trên biển (SOLAS convention) của tổ chức hàng hải quốc tế IMO thì tàu chở trên 12 hành khách (passenger) sẽ được phân cấp như tàu chở khách (passenger ship). Theo đó, những quy định với tàu chở khách sẽ phải áp dụng.
Do đó, con số 12 hành khách là để phân biệt tàu khách với tàu hàng hay tàu phục vụ mục đích vui chơi giải trí. Tuy nhiên, SOLAS có điều khoản ngoại trừ, không áp dụng cho những tàu không tham gia tuyến hàng hải quốc tế (engaged on international voyages) và những loại tàu khác như tàu chiến, tàu quân sự, tàu đánh bắt hải sản, tàu gỗ thô sơ.
Như vậy, nếu tàu bằng vật liệu PPC chỉ dùng chở khách trong tuyến đường thủy nội địa phân cấp SI hoặc SII theo TCVN 5801-2005 của Cục Đăng kiểm Việt Nam (VR) thì không cần thiết phải áp dụng quy định này. Nhưng Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định rõ là phương tiện thủy có sức chở trên 12 người, khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.
Cũng theo vị này, việc hai con tàu của James Boat là Ferry 42 và Ferry 56 đã được VR phân cấp thử nghiệm cũng không có vấn đề gì, hoàn toàn phù hợp với TCVN-5801-2005 mà theo đó cấp thử nghiệm sẽ được trao cho những tàu có thiết kế mới, sử dụng công nghệ mới, vật liệu mới hoặc các bộ phận của tàu không thỏa mãn các yêu cầu của quy phạm TCVN-5801 và chưa được thực tế khai thác kiểm nghiệm, khi phân cấp có thêm ký hiệu T, ví dụ như VR SI T.
Thực tế, các tổ chức đăng kiểm quốc tế khác cũng thường làm vậỵ. Vấn đề cần bàn là sao thử nghiệm đã lâu mà vẫn chưa đưa ra kết luận? Mặc dù các doanh nghiệp đóng tàu vật liệu PPC đã làm tàu thử nghiệm trước khi được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
“Không thể cứ tàu to hơn, lớn hơn là bắt doanh nghiệp phải làm thử nghiệm. Việc doanh nghiệp phát triển được tàu to hơn, lớn hơn là đáng được khuyến khích chứ không nên làm khó doanh nghiệp, không cho doanh nghiệp lớn”, ông Đang nói.
Vật liệu mới sao có tiêu chuẩn sẵn mà áp dụng?
Trước đó, trả lời báo chí trong công văn số 2286/ĐKVN ngày 8.5.2017 do ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm ký về công tác đăng kiểu tàu PPC cho biết, các tổ chức đăng kiểm nước ngoài như của Ấn Độ (IRS), Nhật Bản (NK), Nga (RS), Hàn Quốc (KRS), Pháp (BV) chưa từng đăng kiểm tàu, thuyền chế tạo bằng vật liệu PPC. Họ cũng như chưa có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu này.
Theo ông Đang, đây là vấn đề hết sức bình thường, vì vật liệu PPC mới áp dụng vào sản xuất tàu thuyền, chủ yếu là cỡ nhỏ, nhu cầu thị trường chưa có thì họ không làm chứ không phải không làm được.
Về ý kiến của VR cho rằng tổ chức CS Lloyds chỉ có Hướng dẫn T-202 về “Vật liệu và hàn vật liệu phi kim loại - nhựa” và sử dụng một số tiêu chuẩn về nhựa nói chung của châu Âu (không phải tiêu chuẩn chuyên dùng cho đóng tàu) phục vụ cho việc giám sát kỹ thuật tàu đóng mới bằng vật liệu PPC, ông Đang nhận định đây là cách làm đúng đắn của CS Lloyds mà các nước tiên tiến trên thế giới luôn áp dụng đối với những sản phẩm công nghệ mới.
“Đã là mới thì làm gì có tiêu chuẩn sẵn có mà áp dụng. Họ sẽ sử dụng những hướng dẫn chung để thẩm định cái mới do nhà sản xuất đưa ra”, ông Đang nhấn mạnh.
“Nhà sản xuất ra vật liệu PPC và các công ty ứng dụng vật liệu này để chế tạo tàu thuyền thì họ biết rõ về PPC. Cách tốt nhất là lắng nghe ý kiến của họ thay vì áp đặt những ý kiến chủ quan của mình”, vị này nhấn mạnh.
Nên tham khảo Đăng kiểm hải quân
Trong báo cáo gửi đi của mình, VR cho biết, đối với 2 tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 do Công ty James Boat sản xuất được đưa vào thử nghiệm trong thời gian qua thì cả hai phương tiện đều thường xuyên hư hỏng máy, nguyên nhân là do nước biển tràn vào. Hai tàu này cũng rất ít hoạt động, chủ yếu vận hành để duy trì, bảo dưỡng, việc sử dụng thử nghiệm mới chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm đối với tàu loại này.
Chia sẻ quan điểm về nhận định này, ông Đang cho biết việc xác định nguyên nhân sự cố không hề khó khăn. Nguyên nhân gì dẫn đến nước biển tràn vào máy tàu? Có liên quan tới độ ổn định của tàu không? Thử nghiệm độ ổn định của tàu thì có thể làm ngay được khi con tàu vừa chế tạo xong bằng cách xếp lên nó những bao cát đúng bằng tải trọng thiết kế, cho tàu chạy với điều kiện thiết kế (sóng, gió, dòng chảy…) thì có thể kết luận ngay được.
“Đã có rất nhiều tàu của biên phòng, hải quân, cảnh sát biển… làm bằng vật liệu này và có vận hành thực tế tại sao VR không tham khảo họ?”, ông Đang nhấn mạnh.
Do đó, vị này cho rằng VR cần sớm sửa lại QCVN-95:2016/BGTVT, bỏ đi phần hạn chế dưới 12 người. Nếu còn vướng mắc gì về kỹ thuật cần mở những hội thảo với nhà sản xuất và với các chuyên gia khác để hoàn thiện quy chuẩn. Đây là cách đúng đắn nhất mà trên thế giới thường làm.
Hoài Phong