Những thực phẩm như giò chả, bánh mứt kẹo… luôn có trong ngày tết của mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chọn lựa cho mình những thứ đảm bảo an toàn để có những ngày tết được vui trọn vẹn.

Chuyên gia 'mách nước' cách chọn thực phẩm an toàn dịp tết

Hồ Quang | 10/01/2023, 16:12

Những thực phẩm như giò chả, bánh mứt kẹo… luôn có trong ngày tết của mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chọn lựa cho mình những thứ đảm bảo an toàn để có những ngày tết được vui trọn vẹn.

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, nhu cầu của người dân đối với các loại thực phẩm phục vụ Tết tăng cao, nhất là các loại bánh, kẹo, mứt, chả, giò… Điều này khiến có những sản phẩm chất lượng kém, không an toàn trà trộn vào thị trường. Nếu người tiêu dùng không biết đâu là thực phẩm sạch, an toàn thì có thể bị nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến tính mạng.

Từ thực tế trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQLATTP) TP.HCM đã có những hướng dẫn, “mách nước” để người tiêu dùng biết cách lựa chọn thực phẩm an toàn dùng trong dịp Tết.

Lựa chọn giò, chả

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng giò, chả nhiều hơn thường ngày bởi đặc tính tiện lợi khi sử dụng. Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm này để làm quà biếu hoặc để dùng cho gia đình trong mâm cỗ cúng và chiêu đãi người thân.

bqlattp-tphcm-mach-nuoc-cach-chon-thuc-pham-trong-ngay-tet-an-toan-hinh-anh(1).png
Giò chả các loại - Ảnh: PV

Hiện nay, các sản phẩm giò chả ngày càng phong phú như: giò lụa (chả lụa), giò thủ, chả quế, chả chiên, chả giò hoa ngũ sắc... và nhiều tên gọi khác nhau do thành phần cấu tạo nên sản phẩm như: chả cua, chả mực, chả heo, chả bò, chả giò tai, chả giò cá hồi, chả giò đà điểu, chả giò gà, chả giò me, chả giò bì, chả giò ngựa…

Thành phần nguyên liệu tạo nên sản phẩm này gồm thịt, gia vị, phụ gia thực phẩm... Nếu sự kiểm soát nguyên liệu không được đảm bảo, quy trình chế biến không hợp vệ sinh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy... ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Vì thế khi mua, người tiêu dùng nên chọn mua những cơ sở, thương hiệu có uy tín, sản phẩm đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm như:

Yêu cầu đối với sản xuất, kinh doanh giò chả: phải đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sơ chế, chế biến thực phẩm, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến và có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hoặc cơ sở đã được cấp một trong số các giấy chứng nhận chất lượng khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc tương đương còn hiệu lực.

Yêu cầu đối với sản phẩm giò chả khi lưu thông trên thị trường: phải thực hiện việc tự công bố sản phẩm kiểm nghiệm sản phẩm phải đạt yêu cầu an toàn thực phẩm về chỉ tiêu vi sinh, kim loại nặng... và đáp ứng các quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với thực phẩm, gồm các nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn như: định lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.

Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và người thân, người tiêu dùng cần lưu ý chỉ mua sản phẩm giò chả được bao gói đáp ứng các quy định về ghi nhãn, đảm bảo các thông tin cơ bản: tên hàng hóa, thành phần cấu tạo, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, ngày sản xuất và hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, thông tin cảnh báo, hướng dẫn sử dụng...

Lựa bánh mứt kẹo

Sản phẩm bánh kẹo nằm trong danh mục thực phẩm bắt buộc phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn thực phẩm. Do đó, những sản phẩm này khi lưu thông trên thị trường phải được thực hiện việc tự công bố phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

bqlattp-tphcm-mach-nuoc-cach-chon-thuc-pham-trong-ngay-tet-an-toan-hinh-anh-2.png
Mứt, bánh, kẹo các loại - Ảnh: PV

Vì vậy, khi chọn mua bánh kẹo trong dịp Tết Nguyên đán, người tiêu dùng cần lưu ý một số thông tin sau:

Các sản phẩm đã được doanh nghiệp thực hiện tự công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; các sản phẩm được doanh nghiệp đăng ký thực hiện tự công bố tại TP.HCM người tiêu dùng.

Quan sát kỹ thông tin trên bao bì sản phẩm; bao bì phải có đầy đủ các nội dung về nhãn theo quy định như tên sản phẩm, thông tin nơi sản xuất, xuất xứ, ngày sản xuất, ngày hết hạn, thành phần, cách bảo quản sản phẩm… tránh mua sản phẩm có bao bì không nguyên vẹn, chữ in trên bao bì không sắc nét. Đối với sản phẩm nhập khẩu phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.

Sản phẩm của các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua phải hàng nhái kiểu dáng, nhãn hiệu. Đối với các sản phẩm bán theo khối lượng nên chọn mua ở những nơi uy tín, có giấy tờ, hồ sơ liên quan đến sản phẩm, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản xuất và chất lượng sản phẩm vì những sản phẩm này thường được trưng bày trong các túi, hũ lớn, thiếu các thông tin bắt buộc về sản phẩm.

Nếu chọn giỏ quà tết gói sẵn để biếu, người tiêu dùng cần chú ý chất lượng sản phẩm bên trong, tránh sản phẩm đã hết hạn hoặc gần hết hạn; hàng nhái, hàng giả kém chất lượng. Nên chọn mua riêng từng sản phẩm và nhờ người bán đóng gói thành giỏ quà.

Đối với các sản phẩm mứt khô nên chọn loại có màu sắc tự nhiên, hạn chế loại có nhiều màu sắc tổng hợp; bao bì còn nguyên vẹn, bày bán nơi thoáng mát, mới sản xuất và còn hạn sử dụng; quan sát kỹ bên ngoài sản phẩm nếu phát hiện mứt bị mốc, thâm kim hay có mùi hôi, chảy nước, mùi chua thì tuyệt đối không sử dụng.

Lựa chọn rau củ quả, trái cây

Ngoài các sản phẩm thường dùng nhiều vào ngày tết như đã nêu ở trên, các gia đình nên lưu ý bổ sung thêm thành phần rau, trái cây tươi để cân đối chất lượng bữa ăn, tăng cường khả năng tiêu hóa của cơ thể, giúp duy trì sức khỏe sau những ngày hưởng tết.

bqlattp-tphcm-mach-nuoc-cach-chon-thuc-pham-trong-ngay-tet-an-toan-hinh-anh-1.png
Rau củ quả và trái cây - Ảnh: PV

Để nhận biết và chọn lựa các loại rau và trái cây an toàn bằng mắt thường, người tiêu dùng có thể lựa chọn rau và trái cây dựa trên các tiêu chí sau:

Đối với rau ăn ngọn như: rau lang, rau muống, đọt bầu bí… thì không nên mua những bó rau có ngọn vươn ra quá dài, do bị dùng thuốc chất kích thích tăng trưởng quá liều và không đảm bảo thời gian cách ly. Nếu mua về không sử dụng liền để ngày hôm sau ngọn rau sẽ vươn ra thêm một đoạn từ 5 - 10cm.

Rau cải (cải xanh, cải thảo...): Khi mua nên bẻ ngang phần gốc, nếu thấy có nước từ thân tiết ra thì rau cải đã bị bón quá nhiều phân đạm, không đảm bảo thời gian cách ly, hàm lượng nitrat trong rau còn rất cao. Nếu để quá 12 giờ thì dễ bị úng nâu đen. Loại như thế không nên mua.

Rau muống: Không nên mua những bó rau có cọng to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen, nhìn nghiêng mặt trên của lá rau rất bóng và mướt, do sử dụng nhiều phân đạm hoặc phân bón lá. Khi nước luộc rau này nguội, nước sẽ biến thành màu xanh đen; khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.

Rau bí (ngọn và lá của cây bí ngô): Không nên mua bó rau có ngọn dài, khoảng cách giữa các lóng xa nhau (ngọn vươn dài), tay cuống mập và ngắn, ít lông tơ, ngọn bí màu xanh nhạt, lá màu xanh đen... do bị bón thừa đạm hoặc nhiều phân bón lá và chưa đủ thời gian cách ly.

Rau cần: Khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo thì không nên mua do bị sử dụng quá nhiều phân bón lá và có khả năng còn tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen.

Củ, quả: Không nên chọn những trái quá lớn, mà chọn những trái có kích thước vừa phải hoặc hơi nhỏ. Không chọn những trái da căng và có vết nứt dọc theo thân, những trái da xanh bóng. Đặc biệt đối với trái cây: quan sát trong lô hàng có quả chín hay không để nhận biết trái cây sinh trưởng và phát triển bình thường.

Các loại đậu (đậu đũa, đậu cô ve, đậu Hà Lan, đậu ván...): Không nên chọn loại bóng nhẫy, ít lông tơ...

Để hạn chế sản phẩm rau và trái cây có nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và nhiễm khuẩn, người tiêu dùng cần lưu ý rửa rau và trái cây dưới vòi nước sạch, chảy mạnh để loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật và một số chất bẩn trên bề mặt sản phẩm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia 'mách nước' cách chọn thực phẩm an toàn dịp tết