Về vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng đây là hiện tượng sạt lở bờ sông do việc khai thác cát không bền vững ở những con sông lớn.
Bảo vệ môi trường

Chuyên gia nói gì về vụ sạt lở bờ kênh cạnh đường tỉnh 921 ở Cần Thơ?

Văn Kim Khanh - Đỗ Vy 19/04/2024 23:10

Về vụ sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng đây là hiện tượng sạt lở bờ sông do việc khai thác cát không bền vững ở những con sông lớn.

sat-13.jpg
Sạt lở làm hư hại một nhà kho ở xã Trung Hưng - Ảnh: Đỗ Vy

Ngày 19.4, phóng viên Một Thế Giới có cuộc trao đổi với thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long và sông Mekong, về hiện tượng sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ. Ông Thiện cho rằng: “Đây là hiện tượng sạt lở bờ sông do việc tận thu cát ở những dòng sông lớn”.

Theo báo cáo của UBND huyện Cờ Đỏ, vào lúc 16 giờ 30 ngày 18.4, bờ kênh Thốt Nốt (thuộc địa bàn ấp Thạnh Hưng 1, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ) bị sạt lở 135,5m chiều dài, ăn sâu vào hơn 11m, tổng diện tích 1.531m2. Khu vực bị sạt lở là nhà kho bến thủy của Công ty CP Lương thực Hưng Phước, ước tổng thiệt hại khoảng 10 tỉ đồng. Vụ sạt lở còn làm nứt bề mặt đường tỉnh 921 với chiều dài ảnh hưởng khoảng 48m, rộng 3,5m, tổng diện tích 168m2.

sat-12.jpg
Chính quyền địa phương huy động nhiều lực lượng để hỗ trợ, đẩy nhanh việc tháo dỡ nhà kho - Ảnh: Đỗ Vy

Sau khi sạt lở xảy ra, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Cờ Đỏ đã chỉ đạo lực lượng quân sự, công an huyện và xã Trung Hưng phối hợp với công ty để khắc phục hậu quả.

Ông Lê Chí Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết, do diện tích của nhà kho rộng nên thiệt hại ban đầu khá lớn. Vụ sạt lở đã làm hư hại một số cơ sở hạ tầng, bến lên xuống hàng hóa và máy móc của nhà kho, nhưng rất may không có thiệt hại về người và ít ảnh hưởng đến nhà dân lân cận.

“Trước mắt, huyện sẽ phối hợp với công ty để trong 3 ngày phải tháo dỡ phần mái, khung sắt của nhà kho để giảm thiệt hại”, ông Phương cho biết.

sat-8.jpg
Việc tháo dỡ nhà kho cần phải đẩy nhanh vì bờ kênh đang sạt lở - Ảnh: Đỗ Vy

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, hiện tượng xảy ra ngày 18.4 ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ không phải sụt lún mà là sạt lở bờ sông do tình trạng khai thác cát không bền vững ở những con sông lớn.

Phân tích những nguyên nhân cốt lõi gây sạt lở bờ sông, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện nhận định, ĐBSCL là một châu thổ trẻ được bồi đắp nên bởi bùn cát của sông Mekong. Trong điều kiện tự nhiên trước đây, trung bình hàng năm dòng sông Mekong tải về khoảng 160 triệu tấn bùn và 30 triệu tấn cát trong mùa nước. Một phần bùn theo kênh rạch vào ruộng vườn bồi đắp cho đất đai, còn khoảng 100 triệu tấn được dòng sông mang ra bồi đắp bờ biển.

Cát là vật liệu nặng nên nằm ở đáy sông Tiền, sông Hậu. Cát hạt thô, nặng thì nằm ở đoạn đầu nguồn ở An Giang, Đồng Tháp. Cát mịn, nhẹ hơn thì xuống đoạn sông bên dưới và một phần ra biển bồi đắp bờ biển ở vùng cửa sông Cửu Long.

“Đến đầu thập niên 1990, khi các đập thủy điện xuất hiện trên lưu vực Mekong, lượng bùn cát về ĐBSCL bắt đầu giảm và sạt lở gia tăng. Năm 2005 có thể xem là điểm cân bằng khi sạt lở đuổi kịp bồi đắp. Càng về sau càng có nhiều đập thủy điện cộng thêm hoạt động khai thác cát diễn ra rầm rộ ở tất cả các quốc gia trên suốt chiều dài sông Mekong khiến cho lượng bùn cát suy giảm nghiêm trọng, sạt lở từ đó ngày càng dữ dội”, ông Thiện cho biết.

Theo ông Thiện, sông Mekong tại Việt Nam là một hệ thống, khi khai thác cát trên nhánh chính sông Tiền, sông Hậu sẽ tạo ra những hố sâu. Dòng chảy sẽ khỏa lấp và tái phân phối đáy sông làm hạ thấp toàn bộ đáy sông Tiền, sông Hậu. Khi đáy dòng nhánh chính bị hạ sâu sẽ rút bùn cát từ đáy các sông nhánh ra. Sông nhánh bị sâu lại tiếp tục rút từ đáy các sông nhỏ hơn ra. Cứ thế nó gây sạt lở lan tỏa khắp đồng bằng, kể cả kênh rạch nhỏ, nơi không có khai thác cát.

sat-4.jpg
Những khe nứt rộng và sâu bên cạnh nhà kho của công ty lương thực - Ảnh: Đỗ Vy

Ông Thiện cho rằng, ngoài các nguyên nhân kể trên thì còn một số yếu tố gây nên vụ sạt lở ở xã Trung Hưng. Theo đó, khu vực trên là một nhà kho lớn chứa lúa gạo. Mỗi ngày, các ghe lớn đến giao nhận lúa gạo dưới sông, cùng lượng xe tải chuyên chở gạo quanh năm nên áp lực về mặt đường ngày càng lớn, lòng sông sâu, bờ sông dốc thẳng đứng… là những yếu tố khiến cho hiện tượng sạt lở dễ xảy ra.

“Hiện nay đã có thiết bị siêu âm dòng sông. Với thiết bị này, các chuyên viên về môi trường có thể siêu âm lòng sông và dự báo về khả năng những nơi có thể xảy ra sạt lở để cảnh báo sớm cho người dân, giúp giảm thiểu những thiệt hại do sạt lở gây ra”, ông Thiện cho biết thêm.

Hiện trường vụ sụt lún bờ kênh Thốt Nốt gây thiệt hại chục tỉ đồng - Clip: Đỗ Vy
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nói gì về vụ sạt lở bờ kênh cạnh đường tỉnh 921 ở Cần Thơ?