Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 22.10 dẫn các nguồn tin biết chuyện cho biết: khi được Bắc Kinh yêu cầu tư vấn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, các chuyên gia nghiên cứu luôn tránh làm cơ quan chủ quản phật ý, nên họ không nghiên cứu đầy đủ hoặc chỉ đưa ra các câu trả lời nhằm phục vụ quyền lợi của cơ quan chủ quản.

Chuyên gia tư vấn Trung Quốc chỉ giỏi lý thuyết suông

23/10/2018, 07:41

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 22.10 dẫn các nguồn tin biết chuyện cho biết: khi được Bắc Kinh yêu cầu tư vấn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ, các chuyên gia nghiên cứu luôn tránh làm cơ quan chủ quản phật ý, nên họ không nghiên cứu đầy đủ hoặc chỉ đưa ra các câu trả lời nhằm phục vụ quyền lợi của cơ quan chủ quản.

Minh họa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung - Ảnh: SCMP

Để tăng cường nghiên cứu về Mỹ, nhằm cải thiện khả năng tư vấn hiệu quả cho cách phản ứng với chính sách cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vào tháng 7, lần đầu tiên Bộ Tài Chính Trung Quốc lập một liên minh 20 tổ chức nghiên cứu các Bộ này, Bộ Thương Mại, Bộ Ngoại Giao, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia và của nhiều đại học hàng đầu ở Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu thuộc liên minh các tổ chức nghiên cứu nói, việc Trung Quốc nghiên cứu các vấn đề Mỹ không đào sâu nghiên cứu để giúp Bắc Kinh chuẩn bị đối phó cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng.

Nhà nghiên cứu chỉ cắm mặt vào máy điện toán, không đi thực tế

Trung Quốc có hơn 500 tổ chức nghiên cứu (so với Mỹ có 1.800 tổ chức) và đa số các tổ chức này đều do nhà nước chi tiền tài trợ.

Giáo sư Lý Trung Thượng thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh nói: “Bị phân nhánh, bị cô lập và phục vụ quyền lợi của cơ quan chủ quản là căn bệnh kinh niên của các tổ chức nghiên cứu của Trung Quốc. Trong khi việc được tài trợ đã dễ dàng hơn trong vài năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu vẫn đặt nặng chuyện nhận tiền và xem trọng việc làm đẹp lòng cấp trên. Họ không quan tâm đến chất lượng nghiên cứu, vì họ biết các kết quả của họ khó tác động đến các nhà hoạch định chính sách”.

Nhà nghiên cứu Lý Quốc Cường ở Trung tâm Nghiên cứu Phát triển (thuộc Hội đồng Bộ trưởng Trung Quốc) cho biết, vài nhà nghiên cứu “suốt ngày cắm mặt vào máy điện toán, không bao giờ đi nghiên cứu thực địa, nên không ai có thể dựa vào các nghiên cứu của họ để giải quyết các vấn đề trong thực tế”.

Nhà nghiên cứu tư vấn bị hạn chế xuất cảnh, hậu quả là lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc bị thất vọng

Các nhà nghiên cứu của Bắc Kinh cũng bị chính phủ Trung Quốc hạn chế đi nước ngoài, nên họ bị hạn chế khả năng đề xuất một phản ứng thích đáng với các động thái thương mại cứng rắn của chính phủ Mỹ, theo các nguồn tin của SCMP.

Các nhà nghiên cứu nói với SCMP: Bắc Kinh chỉ cho phép các chuyên gia chính sách thăm Mỹ vài ngày hoặc chỉ một tuần, khiến các nhà nghiên cứu không thể thực hiện công tác tìm hiểu và tiếp xúc đạt chất lượng với Mỹ.

Ông Vương Huy Diệu, người lập Trung tâm vì Trung Quốc và Toàn cầu hóa (một thành viên liên minh các tổ chức nghiên cứu) nói, quan hệ liên lạc Trung - Mỹ hiện rất cần, nhưng nỗ lực hiểu được cuộc chiến thương mại của các nhà nghiên cứu bị chính quyền hạn chế cấp visa xuất cảnh.

Ông nói: “Khác với quan hệ ngoại giao song phương, Trung Quốc cần phải nghiên cứu sâu về số liệu thương mại Trung - Mỹ, về luật Mỹ, công nghiệp Mỹ, nhưng đó là các lĩnh vực không được nghiên cứu kỹ lưỡng”.

Các nguồn tin nói trong 6 tháng kể từ lúc Mỹ áp mức thuế trị giá 50 tỉ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, các quan chức Bắc Kinh thất vọng, vì tư vấn của các tổ chức nghiên cứu chỉ lo làm đẹp lòng, phục vụ quyền lợi của cơ quan chủ quản.

Khi cuộc chiến thương mại leo thang, nó kích hoạt một làn sóng quan điểm về các chính sách của Trung Quốc.

Bị soi nhiều nhất là dự án cơ sở hạ tầng Vành Đai Con Đường (BRI) của Chủ tịch Tập Cận Bình. Kế hoạch tham vọng này nhằm giúp Trung Quốc kết nối với châu Á, châu Âu và châu Phi.

BRI được cho là tách rời khỏi chủ trương “thao quang dưỡng hối” (ẩn mình giấu móng vuốt chờ thời) của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Một số nhà phê bình nói sự xa rời này đã kích hoạt cảm xúc chống Trung Quốc ở Mỹ.

Việc Trung Quốc chú trọng đầu tư lớn cho các doanh nghiệp nhà nước (SOE) cũng bị chỉ trích là khiến cho thị trường toàn cầu bất mãn với Trung Quốc.

Một nguồn tin nói: “Vài tổ chức nghiên cứu chụp lấy cơ hội để thúc đẩy cải cách, trong khi vài tổ chức cho rằng Trung Quốc phải tỏ thái độ cứng rắn. Các ý kiến khác nhau và sự bất đồng tư tưởng rất lớn, tốt thôi. Nhưng sự thất vọng lớn nhất là từ vài tổ chức nghiên cứu không dám nói ra sự thật”.

Theo các nguồn tin của SCMP, khi Bắc Kinh nỗ lực nắm bắt tư tưởng của các doanh nghiệp nước ngoài, vài tổ chức nghiên cứu thuộc các Bộ đã tuồn thông tin họ tập hợp được, cho các kênh liên lạc giữa các Bộ với các Văn phòng Thương mại của nước ngoài.

Các nguồn tin nói thêm, rằng Bắc Kinh chưa quyết các động thái kế tiếp trong cuộc chiến thương mại, và trong tương lai gần, có lẽ Trung Quốc sẽ duy trì thái độ chờ xem, khi ông Trump đang nắm vai trò hàng đầu trong cuộc chiến thương mại”.

Vĩnh Thụy (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
13 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia tư vấn Trung Quốc chỉ giỏi lý thuyết suông