Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng luật không cấm lập các nhóm “anti”, nhưng nếu vì động cơ cá nhân hoặc thiếu kiểm soát khiến hội nhóm trở thành công cụ xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức thì người quản lý hội nhóm là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Đăng quang hoa hậu chưa lâu, Huỳnh Trần Ý Nhi thu hút nhiều sự chỉ trích của dư luận xoay quanh các hoạt động bên lề.
Đơn cử, khi tham gia một phần vấn đáp nhanh cùng 2 á hậu Đào Thị Hiền và Huỳnh Minh Kiên, khi được MC yêu cầu kể tên 3 người nổi tiếng quê ở Bình Định, tân hoa hậu đáp: "Em, nhà thơ Hàn Mặc Tử và vua Quang Trung". Cư dân mạng phản ứng vì cho rằng hoa hậu Ý Nhi “ngông” khi dám đặt mình ngang hàng, thậm chí đặt trước anh hùng dân tộc.
Dù đã lên tiếng xin lỗi về những phát ngôn của mình, nhưng tân hoa hậu không nhận được sự cảm thông của cộng đồng mạng. Thậm chí, hàng loạt "group anti” Ý Nhi nhanh chóng xuất hiện và thu hút lượng lớn người tham gia.
Dưới góc nhìn pháp luật, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng các nhóm “antifan” là mặt đối lập của các nhóm người hâm mộ nghệ sĩ, người nổi tiếng nào đó.
“Đây là hiện tượng xã hội, là biểu hiện rất cụ thể của quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội, pháp luật không cấm. Đây là biểu hiện của dư luận xã hội đối với những người có sức ảnh hưởng đối với xã hội”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo ông Cường, nếu những người tham gia các hội nhóm này mất kiểm soát cảm xúc, có những hành vi thiếu chuẩn mực, đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận hoặc nếu người quản lý các hội nhóm này muốn lợi dụng đám đông để dẫn dắt dư luận theo chiều hướng xấu, xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì là hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Cường cho hay Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ của mọi người đối với các vấn đề xã hội. Pháp luật cũng không can thiệp đến thái độ, tình cảm của công dân đối với những người khác. Do đó, ai đó có người yêu, kẻ ghét là chuyện bình thường.
“Với những người nổi tiếng thì sẽ có nhiều người yêu, cũng có nhiều người ghét. Những người yêu thích hội nhóm để ngợi ca, cổ vũ, động viên, ủng hộ thì đó là những "fan". Còn những người ghét cũng tụ tập lại soi mói, nói xấu, chê bai thì đó là nhóm đối lập "antifan". Fan và antifan hoạt động theo hai hướng đối lập nhưng đều tập trung vào một chủ thể. Một nhóm là động viên cổ vũ, một nhóm là chỉ ra cái sai, cái xấu. Không phải khi nào fan cũng tốt và cũng không phải khi nào antifan cũng là xấu”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho rằng với những người nổi tiếng mà cầu thị, muốn hoàn thiện bản thân thì những thông tin từ các hội nhóm antifan đôi khi cũng rất có giá trị, sẽ là những bài học quý giá sau mỗi sai lầm của bản thân.
“Tuy vậy, các nhóm antifan cũng có thể tạo ra những tâm lý cảm xúc tiêu cực cho nghệ sĩ. Theo đó những lời nói, chỉ trích có thể như những nhát dao cứa vào lòng tự trọng, tự ái của nghệ sĩ. Những người trong nhóm antifan cũng dễ bị dẫn dắt bởi những thông tin tiêu cực, bị cảm xúc tiêu cực chi phối hoặc hoạt động theo định hướng xấu của người quản lý trang mạng đó nên có thể có những phát ngôn, hành vi thiếu chuẩn mực, thậm chí sai trái gây ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của người nổi tiếng...”, ông Cường nói.
Theo luật sư Cường, về một nguyên tắc chung là khi cảm xúc lên cao thì lý trí xuống thấp. Cảm xúc chi phối lí trí thì người ta không còn tỉnh táo minh mẫn nữa và dễ mắc sai lầm. Do đó, khi bày tỏ quan điểm đều cân nhắc và cần phải kiểm soát cảm xúc trước khi phát ngôn.
“Đành rằng khen chê là quyền của mỗi người, bình luận, đánh giá cũng là quyền cá nhân. Tuy nhiên pháp luật nghiêm cấm việc lợi dụng khen chê để cố ý xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, bí mật gia đình, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, khi tham gia vào các hội nhóm trên mạng xã hội thì mọi người cần phải tỉnh táo, không nên bị dẫn dắt bởi những thông tin chưa được kiểm chứng”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng nhấn mạnh, những người admin, quản lý các hội nhóm là người có trách nhiệm chính liên quan đến thông tin của các hội nhóm (fan hoặc antifan). Do đó, nếu vì động cơ cá nhân hoặc thiếu kiểm soát thông tin mà biến các hội nhóm đó trở thành công cụ để thực hiện các hành vi đưa tin trái pháp luật thì người quản lý hội nhóm là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
“Những hành vi đưa thông tin sai sự thật nên không gian mạng, hành vi bịa đặt, vu khống hoặc những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm uy tín của người khác là những hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Cường nhấn mạnh.