Tới bây giờ tui cũng không thể biết được ai là người “phát kiến” ra chuyện truyền “nước biển” bằng nước trái dừa tươi. Nhưng đây là chuyện có thật 100%, rất nhiều người đã được cứu sống bằng phương pháp kỳ lạ này”, ông Tư Cược cười khà khà, nói.

Chuyện lấy nước dừa tươi truyền dịch cứu sống nhiều người thời chiến tranh

01/06/2020, 13:41

Tới bây giờ tui cũng không thể biết được ai là người “phát kiến” ra chuyện truyền “nước biển” bằng nước trái dừa tươi. Nhưng đây là chuyện có thật 100%, rất nhiều người đã được cứu sống bằng phương pháp kỳ lạ này”, ông Tư Cược cười khà khà, nói.

Ông Tư Cược kể chuyện dùng nước trái dừa tươi thay dịch truyền tĩnh mạch trong thời chiến tranh - Ảnh: Nguyễn Hùng

Một sáng kiến kỳ lạ, có một không hai

Hỏi thăm mãi, PV cũng tìm được nhà ông Tư Cược (Nguyễn Văn Cược) - nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang. Căn nhà của ông Tư giản dị, nằm kề cánh đồng lúa rộng mênh mông ở ấp Láng Biển, xã Mỹ Phước Tây (TX.Cai Lậy, Tiền Giang), lộng gió và yên tĩnh. Ở tuổi 73, dù bị tai biến nhẹ, nhưng ông Tư vẫn rất minh mẫn, mạnh khỏe, mà theo ông là nhờ không khí làng quê trong lành, yên bình. Nhắc chuyện “truyền nước biển” bằng nước trái dừa tươi, ông Tư cười khà khà, nói: “Đó là chuyện hồi xưa, lúc chiến tranh ác liệt, thiếu thốn trăm bề. Bây giờ y học rất hiện đại, dịch truyền đầy đủ, có ai còn lấy nước dừa truyền vào tĩnh mạch để cứu người, hả cháu?”.

Trầm ngâm bên tách trà nóng, ông Tư bồi hồi kể: “Tui nhớ hồi đó là vào những năm từ 1965 - 1973, lúc tui đang công tác ở quân dân y H.Cai Lậy. Hồi đó vùng Cai Lậy, Cái Bè của tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) chiến tranh rất ác liệt, thương binh, bệnh binh rất nhiều. Thời chiến, chỗ ăn, chỗ ở còn thiếu thốn trăm bề, nói chi đến thuốc men, vật tư y tế, đặc biệt là dịch truyền tĩnh mạch, mà người dân và các cán bộ quân dân y hay gọi là… nước biển”.

Theo ông Tư, trong thời chiến các bệnh viện quân dân y của tỉnh Mỹ Tho được bố trí phân tán trong nhiều xã của các huyện Cái Bè, Cai Lậy, hầu hết đều nằm dưới hầm bí mật kiên cố, mỗi điểm bệnh viện đều có kho dược, được bố trí lực lượng bảo vệ, canh phòng rất cẩn mật. Nhưng các loại thuốc men, dụng cụ y tế của các bệnh viện quân dân y phục vụ việc cứu chữa thương tích, bệnh tật cho thương bệnh binh và cán bộ, người dân trong vùng chiến tranh chủ yếu được các cơ sở mua từ vùng thành thị do quân đội Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát để chuyển vào, nên gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trong khi đó các ca mổ xẻ vết thương cho thương binh đều cần nhiều dịch truyền tĩnh mạch, nhưng nhiều lúc đường vận chuyển tiếp tế bị phe địch kiểm soát gắt gao, nên có thời điểm nhiều thương binh cần phẫu thuật gấp để cứu sống mà dịch truyền lại thiếu trầm trọng, khiến các y bác sĩ hết sức lo lắng. Trong hoàn cảnh thiếu thốn đó, ông Tư và nhiều y, bác sĩ bệnh viện quân dân y nghe được thông tin truyền miệng là có thể dùng nước của trái dừa tươi để truyền tĩnh mạch thay “nước biển” khi phẫu thuật.

Trái dừa có công dụng không ngờ- Ảnh: PV

“Lúc đầu anh em bán tín bán nghi, vì trước đó chưa từng nghe nói chuyện này. Nhưng mấy anh bác sĩ quân y thông tin chuyện lấy nước dừa tươi thay dịch truyền quả quyết việc này đã được Quân y khu 9 (vùng Nam sông Hậu) thực hiện nhiều lần, cứu sống nhiều thương binh, bệnh binh. Hồi đó làm gì có máy móc hiện đại để làm xét nghiệm xem trong nước dừa tươi gồm có những thành phần gì, chỉ biết nước dừa là tinh khiết, đại bổ đối với cơ thể con người.

Nên các y bác sĩ quân dân y Cai Lậy, Cái Bè suy nghĩ, bàn bạc rất nhiều, rồi quyết tâm… làm thử. Khi thực hiện truyền nước dừa tươi vào tĩnh mạch thương bệnh binh, các y bác sĩ rất thận trọng, truyền với tốc độ rất chậm để đề phòng nếu thương bệnh binh bị sốc thì còn cứu kịp. Truyền đến khi người bệnh cho biết cảm thấy cơ thể đã khỏe thì ngưng, không truyền nữa”, ông Tư Cược nhớ lại.

Sau nhiều ca truyền nước dừa tươi thay dịch truyền tĩnh mạch thành công mà không xảy ra ca sốc nào, các y bác sĩ quân dân y Cái Bè, Cai Lậy “mừng như bắt được vàng” vì đã giải quyết được bài toán thiếu dịch truyền trầm trọng. Nhưng ông Tư Cược cho biết, muốn sử dụng nước trái dừa tươi để truyền tĩnh mạch phải trải qua các công đoạn tuyển chọn rất gắt gao, bởi không phải trái dừa nào cũng có thể lấy nước làm dịch truyền.

Thứ nhất, trái dừa đủ tiêu chuẩn lấy nước truyền tĩnh mạch phải có cơm dừa (cùi dừa) nạo bằng muỗng thì cứng, nhưng cạy bằng đũa bếp phải mềm. Nếu cơm dừa cứng quá thì trái dừa đã già, trong nước có dầu, không tốt. Còn cơm dừa non quá thì dễ sinh ra ra a-xít, nhiều đạm, bị lợn cợn, khi truyền vào tĩnh mạch dễ bị tắc ống dẫn, nguy hiểm đến tính mạng của thương bệnh binh.

Thông thường để chọn được trái dừa đủ tiêu chuẩn lấy nước, các y bác sĩ phải leo lên tận ngọn cây, dùng ngón tay búng vào phần gần cuống của trái để xác định trái dừa non hay già. Nếu búng trái dừng nghe bụp bụp hay boong boong thì quá non hoặc quá già, không thể sử dụng được; búng nghe tiếng kêu thanh, trong là dừa đạt tiêu chuẩn sử dụng.

“Khi chọn được trái dừa ưng ý thì phải thận trọng dùng dây thừng cột thật chặt, cắt cuống nguyên quày dừa rồi chuyển xuống mặt đất hết sức nhẹ nhàng, nâng niu như trứng mỏng. Bởi lẽ, nếu quăng trái dừa từ trên ngọn cây xuống đất thì trong ruột trái sẽ bị động, cơm dừa, nước dừa xáo trộn, nên nước không sử dụng được, xem như vứt. Một điều cần lưu ý khác là phải chọn cây dừa mọc ở nơi có nước thủy triều lên xuống hàng ngày hoặc đứng giữa liếp vườn, không được chọn trái của những cây dừa mọc gần chuồng heo, chuồng gà, bãi đổ rác vì nước trong trái dừa dễ bị nhiễm độc, rất nguy hiểm.

Muốn sử dụng nước dừa tươi thay dịch truyền tĩnh mạch phải lựa chọn rất kỹ càng, hái từng quay dừa đưa xuống đất nhẹ nhàng- Ảnh: Nguyễn Hùng

Sau khi đem trái dừa xuống đất, phải dùng kim nhọn ghim vô phần non gần cuống dừa để chuyền nước vào chai, không được dùng dao chặt vỏ trái dừa lấy nước. Một điểm cần lưu ý khác là lấy nước xong thì cần phải bổ trái dừa ra. Nếu nhận thấy phần cơm dừa nơi dày nơi mỏng lợn cợn là dừa bị “trăng ăn” thì phải bỏ, không thể sử dụng nước dừa để làm dịch truyền, rất nguy hiểm”, ông Tư kể.

Sáng kiến hay chưa được nghiên cứu thấu đáo?

Theo ông Tư Cược, trong 15 năm làm giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Tiền Giang, nhiều lần ông cố công tìm hiểu xem ai là người có sáng kiến dùng nước dừa tươi thay dịch truyền tĩnh mạch cứu sống rất nhiều thương bệnh binh trong chiến tranh, nhưng cho đến nay vẫn chưa xác định được. Trong khi đó nhiều cựu chiến binh ở Tiền Giang thì cho rằng sáng kiến tuyệt vời này do 1 cán bộ quân y tên Trung ở Bệnh xá 2 của tỉnh Mỹ Tho đóng trên địa bàn H.Cái Bè thực hiện thành công đầu tiên.

Trong suốt các năm từ 1967 - 1970, tại phòng mổ quân y Cây Vừng thuộc vùng Hậu Mỹ của H.Cái Bè, cán bộ Trung đã dùng dịch truyền nước dừa cứu sống nhiều thương bệnh binh mà không để xảy ra trường hợp “sốc nước dừa” nào, sau đó kinh nghiệm được truyền ra khắp các bệnh viện quân dân y trong vùng. Nhưng cho đến nay vẫn không ai xác định được cán bộ quân y tên Trung là người quê ở đâu, còn sống hay đã mất.

“Sau này tui biết trong nước của trái dừa tươi có hàm lượng glucose đến 40%, trong khi dịch truyền tĩnh mạch chỉ cần hàm lượng glucose 30%. Trong nước trái dừa tươi còn có nhiều khoán chất cần thiết cho cơ thể thương bệnh binh như natri, kali, sắt, can-xi, đồng, ma-giê, kẽm, phốt-pho, chất điện giải, chất tạo ngọt tự nhiên, chất đạm, chất béo, các loại vitamine C, K, A, E… nên sử dụng truyền tĩnh mạch cho thương bệnh binh là rất tốt”, ông Tư Cược nói.

Theo ông, hiện nay trên thị trường thuốc, vật tư y tế có rất nhiều loại dịch truyền tĩnh mạch được sản xuất, đóng gói vô trùng, ghi rõ hàm lượng các chất trong dịch truyền… nên không còn ai sử dụng phương pháp truyền nước dừa trực tiếp vào cơ thể con người nữa. Tuy nhiên, có thể nói sáng kiến sử dụng nước dừa tươi thay dịch truyền tĩnh mạch là cách làm sáng tạo rất hay trong thời chiến, cứu được rất nhiều sinh mạng.

Tuy nhiên, theo 1 bác sĩ đang công tác tại Cà Mau: "Có thể do hồi xưa, khi điều kiện y tế còn thiếu thốn, không còn cách xoay xở người ta mới sử dụng thôi. Việc truyền nước dừa thay nước biển là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong. Trong điều kiện y tế như bây giờ, không ai làm như vậy đâu. Ai truyền như vậy là thì bị bắt liền, bởi thành phần của nước dừa không giống với nước muối sinh lý sử dụng trong y tế đâu nên có thể gây chết người".

Nguyễn Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam khẳng định tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc
7 giờ trước Sự kiện
Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 16.1, tại Trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Đại hội đồng LHQ Khóa 79 đã tổ chức phiên họp toàn thể để nghe giới thiệu và thảo luận về các ưu tiên của Tổng Thư ký LHQ António Guterres trong năm 2025.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện lấy nước dừa tươi truyền dịch cứu sống nhiều người thời chiến tranh