Câu chuyện ca nữ Nguyễn Thị Huệ cứu người dân kinh thành Thăng Long thoát khỏi bệnh dịch được truyền tụng trong dân gian như một giai thoại đẹp về người phụ nữ Việt Nam.

Chuyện một ca nữ đã cứu dân Thăng Long khỏi bệnh dịch

TS Nguyễn Xuân Diện | 08/03/2023, 10:07

Câu chuyện ca nữ Nguyễn Thị Huệ cứu người dân kinh thành Thăng Long thoát khỏi bệnh dịch được truyền tụng trong dân gian như một giai thoại đẹp về người phụ nữ Việt Nam.

334840351_222513263519028_1680831487689294495_n.jpg

Vào thời chúa Trịnh Cương (1709-1729), cả kinh thành Thăng Long ai cũng biết tiếng ca nữ tài danh Nguyễn Thị Huệ. Nàng không những được trời phú cho một giọng hát tuyệt trần, một sắc đẹp yêu kiều mà còn một thiên tư sáng láng. Là con một nhà nho lỡ vận (sống bằng nghề bốc thuốc), Nguyễn Thị Huệ có theo đòi văn chương thơ phú. Con gái làng Cự Lâu quê nàng - môt làng nhỏ bên hồ Hoàn Kiếm đều theo nghiệp cầm ca.

Thuở bé, Nguyễn Thị Huệ vẫn thường theo mẹ và các bậc đàn chị trong giáo phường Cựu Lâu đi hát ở khắp trong triều ngoài nội, khi thì theo lời mời của một dịp xuân thu tế lễ của một làng, khi thì theo lời mời của một ông quan lịch duyệt chỉ thích tiếp khách bằng một chầu hát. Năm nàng 16 tuổi, cha nàng mất. Mẹ nàng ở vậy nuôi con thờ chồng trọn đạo. Hai mẹ con họ đã sống cuộc sống vất vả của nghề ca xướng như vậy cho đến khi nàng lọt vào mắt xanh của An Đô vương Trịnh Cương.

334945968_147368104900046_4272869294217722403_n.jpg
Đền Hàng Trống đầu thế kỷ 20. Gần đó là trụ sở báo Trung Bắc tân văn. Ảnh gốc đen trắng đã được nhóm Đại Việt Phục Cổ tô màu

Lần ấy, nhân một dịp khánh tiết, chúa cho mời các giáo phường của Thăng Long vào biểu diễn. Trong một đêm diễn, nàng đã được chúa để ý đến. Khi đó, nàng vừa tròn 21 tuổi. Nhờ giọng hát với những luyến láy trác tuyệt, nhờ sắc đẹp “nguyệt thẹn hoa nhường” và sự lịch lãm của một người am hiểu văn chương từ điệu, nàng được chúa Trịnh Cương lưu lại trong cung. An Đô vương Trịnh Cương đã ban cho nàng một cái tên rất đẹp: Ngọc Kiều. Khi biết gia cảnh của hai mẹ con nàng, chúa đã sai xây cho mẹ nàng một ngôi nhà nhỏ ở phường Hàng Trống và cho phép nàng thường xuyên lui tới để thăm nom mẹ.

Vào một năm nọ, cả kinh thành Thăng Long bị mắc một bệnh dịch, chết rất nhiều người. Nguyễn Thị Huệ đã nhờ bài thuốc gia truyền của cha để lại mà cứu sống được những người trong họ hàng nội ngoại. Sau đó, nàng bỏ tiền riêng mua dược liệu rồi tự tay sao tẩm, bào chế và cấp phát không cho mọi người. Một nửa kinh thành được cứu sống. Một lần nữa, nàng lại trở nên nổi tiếng khắp Thăng Long.

Về sau, mẹ nàng ốm rồi mất trong căn nhà nhỏ mà chúa Trịnh xây cho. Nàng rời phủ chúa, về tu phật tại chùa Cựu Lâu, sống cuộc đời yên tĩnh như vậy cho đến khi qua đời, thọ 71 tuổi. Nhân dân trong vùng đã xây một ngôi đền thờ nàng ở phường Hàng Trống, ngay trên mảnh đất mà xưa kia mẹ nàng đã sống. Giờ gọi là đền Đông Hương, vì đền nằm trên phố phường Hàng Trống nên còn có tên đền Hàng Trống (nay là số 82 phố Hàng Trống, Hà Nội).

Nàng là Huệ - tên một loài hoa đẹp, trắng tinh khôi, thơm ngan ngát và thanh tịnh. Để tỏ lòng thành kính trước người ca nữ tài danh, nhân hậu và hào hiệp, những người đến lễ đền Hàng Trống từ xưa đến nay đều không đem hoa huệ vào đền, dù là để dâng nàng với tất cả sự thành tâm nhất.

Bài liên quan
Không gian thiêng của người Việt
Với người Việt, văn hóa tâm linh (lấy cái thiêng liêng làm giá trị cao nhất) tràn đầy tín ngưỡng với cội nguồn quê hương, gia đình và đồng loại như một chốn nương về.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thắng Malaysia, Việt Nam mở toang cửa vào tứ kết U.23 châu Á
một giờ trước Thể thao
Với chiến thắng thứ 2 liên tiếp, U.23 Việt Nam đã mở toang cánh cửa vào vòng tứ kết giải vô địch châu Á.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện một ca nữ đã cứu dân Thăng Long khỏi bệnh dịch