Đó là lời của bà Phan Thị Hườn sau 55 năm bị bom napan của quân Mỹ hủy hoại dung mạo.

Chuyện về cô gái napan-Bài cuối: ‘Tôi không còn giận quân Mỹ nữa, vì đó là chiến tranh’

Nguyên Việt | 04/03/2019, 06:18

Đó là lời của bà Phan Thị Hườn sau 55 năm bị bom napan của quân Mỹ hủy hoại dung mạo.

Bài 1: Bom napan và tiếng thét xé lòng của cô giao liên trẻ

Chuyện về cô gái napan-Bài 2: Người đàn ông trẻ và buổi hỏi vợ nhớ đời tại ủy ban phường

Có lẽ sự bình yên, tha thứ trong tâm hồn của bà Hườn là do chính người chồng trẻ hơn mình 18 tuổi mang lại. Ông Vui đã khiến bà thực sự là mộtngười phụ nữ với cuộc sống gia đình viên mãn. Ngoài dung mạo bị hủy hoại đến thậm tệ, bà Hườn cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác. Bà làm mẹ, nuôi cháu, chăm lo cho chồng con. Thời gian hạnh phúc giúp bà xóa nhòa thù hận.

Đã từng thù hận, nhưng…

Bà nói: “Lúc bị thương, và cả lúc trước đó nữa, tôi thù quân Mỹ chứ. Họ giày xéo quê hương mình mà. Tôi bị bom napan đốt mặt, tôi càng hận, có hận tôi mới càng chiến đấu. Nhưng bây giờ tôi không thù hận nữa, vì đó là chiến tranh mà, đất nước đã hòa bình mấy chục năm rồi”…

Nạn nhân của bom napan không chỉ mình bà Hườn, còn rất nhiều người đã oằn oại trong ngọn lửa kinh hoàng ấy đến bỏ mạng. Nhưng cũng may mắn như bà Hườn, trường hợp nổi tiếng “Em bé napan” - Phan Thị Kim Phúc, cũng may mắn thoát chết. Năm 1972, tại Trảng Bàng, Tây Ninh phóng viên ảnh của AP là Nick Ut đã may mắn chụp lại cảnh Kim Phúc cùng nhiều em nhỏ, lính Mỹ… chạy ra từ đám cháy của bom napan. Bức ảnh đã lột tả bản chất và sự hung tàn của cuộc chiến tranh do Mỹ phát động.

Lúc ấy, Kim Phúc chỉ mới 9 tuổi, từ trong đám cháy cô cùng em trai của mình và nhiều bạn nhỏ gào thét chạy thoát ra ngoài. Lưng của Phúc bị bỏng nặng, da bong tróc từng mảng, áo quần cô mặc cũng bị cháy sạch. Sự kinh hãi, đau đớn thể hiện rõ trên khuôn mặt của cô. May mắn hơn bà Hườn, bà Phúc không bị hủy hoại dung nhan, nhưng những vết cháy trên lưng của 1 đứa trẻ đã khiến bà suýt mất mạng.

Hiện bà đang sinh sống tại nước ngoài. Bà Phúc từng phát biểu với báo giới ngoài nước rằng bà đã tha thứ cho những người gây ra tổn thương nghiêm trọng trong tuổi thơ của mình. Bà còn đứng ra vận động mộtquỹ từ thiện để giúp đỡ những trẻ em là nạn nhân của chiến tranh trên thế giới.

Bà Hườn đã tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống, trong lòng không còn thù hận - Ảnh: Thanh Nguyên

Không được may mắn như bà Phúc được thế giới quan tâm và biết đến, nhưng bà Hườn không xem đó là thiệt thòi. Đối với bà, cuộc sống hiện tại như thế đã là hoàn mỹ. Trước khi gặp bà Hườn, chúng tôi cứ nghĩ rằng bà sẽ đau buồn, bi lụy.

Thế nhưng trái ngược lại, đó là một thái độ nhẹ nhàng với cuộc sống, không hề than trách số phận. Bà kể, mỗi buổi sáng, chồng chở bà đi chợ để chuẩn bị cơm nước, hai người luôn kề cận bên nhau 30 năm qua. Như vậy, bà đã bình yên, hạnh phúc hơn biết bao người.

Câu chuyện cảm động của đôi đũa lệch độc nhất vô nhị này còn khiến cho bà con hàng xóm vô cùng nể trọng. Ai ai ở trong con hẻm 12 ở đường Nguyễn Truyền Thanh cũng đều quý mến và nể trọng đôi vợ chồng già. Họ đã chứng minh cho rất nhiều người hiểu được giá trị của cuộc sống, của hạnh phúc không nằm ở những điều cao sang, xa vời mà hiện hữu giản đơn và bình dị như thế.

“Tôi chưa từng chứng kiến một câu chuyện nào như chuyện của vợ chồng bà Tư Hườn. Có tưởng tượng tôi cũng không tưởng tượng ra được. Nhưng đó là những điều đã diễn ra trước mắt tôi mấy chục năm qua”, mộtngười hàng xóm của bà Hườn xúc động nói.

Đạp lên khó khăn để hạnh phúc

Cuộc sống của gia đình bà Hườn hiện còn rất khó khăn. Cũng như mấy chục năm qua, họ vẫn chưa thoát ra khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền. 30 năm trước, lúc mới lấy nhau về,hai vợ chồng suy tính rồi bàn với nhau mua mộtchiếc ghe lớn cũ. Họ đưa cây trái từ Cần Thơ về Cà Mau để bán, rồi khi quay về lại chở thêm cá mắm để bỏ mối cho các chợ nhỏ ở Cần Thơ. Hai vợ chồng lênh đênh trên sông nước mang câu chuyện của cuộc đời mình đi khắp nơi.

“Làm được khoảng 2 năm thì chúng tôi nghỉ. Lúc đó, đứa con trai còn nhỏ quá, đứa con gái thì tôi gửi nhờ đứa em nuôi. Cứ sống hoài trên ghe như vầy không an toàn cho con nên chúng tôi thôi”, ông Vui kể. Thấy con rể thể hiện tốt, chăm lo cho vợ con, cha mẹ của bà Hườn mới cắt cho 20 công ruộng ở H.Hồng Dân, Bạc Liêu để hai vợ chồng lên bờ làm ruộng.

“Ruộng thời đó làm cực vô cùng, mà chỉ một tay tôi làm, đất đai thì nhiễm phèn chỉ toàn là năn, sậy nên 1 công giỏi lắm là được 16, 17 giạ (1 giạ = 20kg). Mấy lão nông dưới đó, thấy tôi thì cười mỉa mai rằng, thằng này ở phố thì làm sao biết làm ruộng. Vậy mà tôi vác lúa giống, sạ lúa đâu vô đó, khi lúa mọc, họ mới biết tôi cũng là nông dân chính hiệu. Cuộc sống của vợ chồng tôi chưa bao giờ hết cực, nhưng khổ cực thì biết đâu mà đong đếm được”, ông Vui nói.

Họ đã cùng nhau đi suốt quãng đường 30 năm hạnh phúc - Ảnh: Thanh Nguyên

Năm 1996, hai vợ chồng mới về sống ở căn nhà đang ở hiện tại. Đó là căn nhà tình nghĩa được nhà nước cấp cho bà Hườn. Hằng ngày, ông Vui đi làm thợ hồ, làm thuê làm mướn kiếm sống, bà Hườn thì sống bằng lương hưu, thương binh với cấp bậc thượng úy. Con cái lớn khôn, dựng vợ gả chồng, họ lại gom góp xây nhà rộng ra thêm một chút.

Và cho đến nay, căn nhà ấy vẫn còn phải sửa chữa, chống ngập mùa lũ. Sống cùng ông Vui, bà Hườn hiện nay là 2 vợ chồng con trai và 3 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Mỗi ngày, bà Hườn tự tay lo cơm nước cho gia đình, đến chiều lại ngồi ngoài cửa hóng cơn gió mát, chờ đón chồng đi làm về.

Ngoài tình yêu vô bờ bến dành cho người phụ nữ khiếm khuyết ấy, ông Vui còn thể hiện bản lĩnh của mình khi lo toan hết cho cả gia đình mà không hề phân biệt, con ông hay con bà. Anh Trần Thanh Phương, con trai của bà Hườn và người chồng trước kể, ngày anh còn nhỏ, nhà ở trong vườn, đến mùa nước ngập, người cha thứ 2 đã cõng anh trên lưng để đến trường. Có lúc trợt té, khiến người hai cha con ướt sũng.

Còn đến mùa Trung thu, ông Vui cũng tự tay làm lồng đèn, mua quà bánh cho các con mà không hề có sự phân biệt. Bà Hườn xúc động kể: “Có bận tôi bệnh phải nằm viện mấy ngày, tiền bạc cũng vừa hết, ông ấy ban ngày đi làm thuê, tối vô chăm sóc cho tôi. Ổng không một lời than vãn mà còn động viên tôi yên tâm tịnh dưỡng, đừng lo lắng gì vì ở nhà đã có ông.

Về làm vợ của ông ấy, tôi chưa từng vất vả ngày nào”. Đáp lại tình cảm đó của chồng, bà Hườn cũng hết lòng chăm lo cho đứa cháu ngoại ruột của ông Vui. Cô bé hiện 14 tuổi, sống xa cha mẹ, nhưng rất biết quý trọng, nghe lời ông bà.

Hiện nay, sức khỏe của ông Vui ngày càng sa sút, không còn làm được những việc nặng nhọc. Bà Hườn cũng khuyên chồng thôi đừng đi làm để giữ gìn sức khỏe, ở nhà rau cháo có nhau nhưng với bản tính không chịu ngồi yên, khi có việc ông vẫn xông xáo đi làm. Mỗi buổi cơm chiều, gia đình nhỏ ấy lại quây quần bên nhau, tiếng trẻ con gọi cha mẹ, tiếng hai vợ chồng trò chuyện làm bừng sáng lên hạnh phúc.

Thanh Nguyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện về cô gái napan-Bài cuối: ‘Tôi không còn giận quân Mỹ nữa, vì đó là chiến tranh’