Ở kịch bản lạc quan nhất, CIEM dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,46% trong năm 2023, còn kịch bản kém lạc quan nhất là tăng trưởng GDP chỉ 5,34%.

CIEM nêu 3 kịch bản cho kinh tế năm 2023

Hoài Lam | 10/07/2023, 17:07

Ở kịch bản lạc quan nhất, CIEM dự báo tăng trưởng GDP ở mức 6,46% trong năm 2023, còn kịch bản kém lạc quan nhất là tăng trưởng GDP chỉ 5,34%.

Ngày 10.7, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức - GIZ tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”.

Báo cáo đã cập nhật kết quả dự báo cho năm 2023 theo 3 kịch bản:

Kịch bản 1 giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỉ USD.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

ht.jpg
Hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỉ USD.

Kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn...) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam. Điều đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỉ USD.

CIEM nhận định triển vọng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, cụ thể như: khả năng tiếp tục và mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt; các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh chiến lược (cả về địa chính trị, kinh tế, công nghệ), song xu hướng cân bằng hợp tác theo hướng tránh “chọn bên” sẽ phổ biến hơn ở các nền kinh tế có quy mô nhỏ và trung bình; dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục có sự chuyển dịch trong bối cảnh các nước đang chuẩn bị thực thi cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu; tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; năng lực của Việt Nam trong việc thực hiện hài hòa, song hành cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Theo CIEM, thực tiễn các năm 2020 - 2022 đã cho thấy không ít lần Việt Nam gặp phải suy giảm tăng trưởng trong 1, 2 quý đầu năm, nhưng sau đó đã phục hồi mạnh mẽ trong các tháng cuối năm.

“Với tâm thế ấy, bối cảnh khó khăn trong các tháng đầu năm 2023 cũng chính là sức ép tích cực để Chính phủ, các bộ ngành, địa phương của Việt Nam phải quyết liệt hơn trong điều hành và cải cách trong thời gian tới”, báo cáo nhận định.

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau. Có những khó khăn đã được dự báo từ trước, như chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài, xu hướng thắt chặt tiền tệ ở nhiều nền kinh tế lớn, biến đổi khí hậu phức tạp hơn…

minh.jpg
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

“Càng trong bối cảnh khó khăn, các nước càng nhìn nhận yêu cầu phải tăng cường thúc đẩy hợp tác, đối thoại trên nhiều lĩnh vực. Đó sẽ là cơ hội cho các nền kinh tế có quy mô tầm trung, trong đó có Việt Nam tham gia hiệu quả vào xây dựng luật chơi hiện đại cho hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế”, bà Minh nêu.

TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, ở trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động. Chính vì vậy, tăng trưởng kinh tế luôn là một mục tiêu quan trọng.

“Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội chính là những nền tảng không thể thiếu, song chúng ta vẫn phải phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu đề ra, trong đó có thúc đẩy tăng trưởng kinh tế có chất lượng, có tính bền vững”, bà Minh nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CIEM nêu 3 kịch bản cho kinh tế năm 2023