Cô dâu nước ngoài sống tại Hàn Quốc chịu cảnh tủi nhục vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Theo ghi nhận trong một cuộc thăm dò năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc, hơn 42% số người vợ nước ngoài đã bị bạo lực gia đình, bao gồm lạm dụng thể xác, bị chà đạp bằng lời nói, tình dục và tài chính. CNN đã có bài viết phân tích về vấn đề đáng báo động này.

CNN: Từ cái chết của cô dâu người Việt đến dịch vụ mai mối đáng báo động ở Hàn Quốc

03/08/2020, 15:42

Cô dâu nước ngoài sống tại Hàn Quốc chịu cảnh tủi nhục vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Theo ghi nhận trong một cuộc thăm dò năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền quốc gia Hàn Quốc, hơn 42% số người vợ nước ngoài đã bị bạo lực gia đình, bao gồm lạm dụng thể xác, bị chà đạp bằng lời nói, tình dục và tài chính. CNN đã có bài viết phân tích về vấn đề đáng báo động này.

Cô dâu nước ngoài bị bạo hành ở Hàn Quốc là vấn đề báo động - Ảnh: Internet

Trinh đã gặp kẻ giết cô thông qua một người mai mối.

Trinh mới 29 tuổi và người chồng đã 50. Trinh chỉ nói tiếng Việt, còn người chồng chỉ nói tiếng Hàn.

Bất chấp rào cản ngôn ngữ, họ quyết định đến với nhau. Vào ngày 4.11.2018 – chỉ một ngày sau khi họ gặp nhau, hai người đã kết hôn trước sự chứng kiến của gia đình nhà gái tại Việt Nam.

Bảy tháng sau, Trinh (một cái tên do CNN đặt) chuyển đến Hàn Quốc để ở với chồng cô, tên là Shin. Ba tháng sau, Trinh qua đời.

Trinh là một trong số hàng ngàn phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Hàn Quốc thông qua dịch vụ mai mối - một dịch vụ không chỉ được khuyến khích ở Hàn Quốc, mà còn được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền bạc.

Một số cặp vợ chồng có hôn nhân thành công, hạnh phúc. Nhưng nhiều cô dâu nước ngoài lấy chồng theo cách này, đã trở thành nạn nhân của sự phân biệt đối xử, bạo hành gia đình và thậm chí là tử vong dưới tay chồng.

Các số liệu thống kê vẽ một bức tranh nghiệt ngã. Theo ghi nhận trong một cuộc thăm dò năm 2017 của Ủy ban Nhân quyền quốc gia, hơn 42% số người vợ nước ngoài đã bị bạo lực gia đình, bao gồm lạm dụng thể xác, bị chà đạp bằng lời nói, tình dục và tài chính. Để so sánh, theo ghi nhận của Bộ Gia đình và Bình đẳng giới của Hàn Quốc trong khảo sát năm ngoái, chỉ khoảng 29% phụ nữ Hàn Quốc cho biết họ là nạn nhân của bạo lực gia đình.

Các chuyên gia cho rằng các quy tắc phân biệt đối xử, kết hợp với chủ nghĩa phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc trong xã hội Hàn Quốc là điều đáng bị lên án. Chúng đang thúc đẩy Hàn Quốc cần thay đổi luật lệ để giữ an toàn cho các cô dâu nước ngoài.

Vấn đề giao tiếp

Ngay từ đầu, Trinh và Shin đã gặp khó khăn trong việc giao tiếp.

Sau đám cưới của họ, Shin về nhà ở Hàn Quốc. Họ sống cách xa nhau nhiều tháng cho dù họ vẫn giữ liên lạc qua mạng. Ngay khi đó, họ đã mâu thuẫn thường xuyên vì Trinh thường đòi chồng gửi thêm tiền.

Cuối cùng, vào ngày 16.8.2019, Trinh đã đến Hàn Quốc. Cô chuyển đến thành phố Yangju ở tỉnh Gyeonggi, cạnh thủ đô Seoul, để sống cùng chồng. Tài liệu tòa án không nêu rõ lý do tại sao cô trì hoãn đến Hàn Quốc, mặc dù một cặp vợ chồng phải đáp ứng các tiêu chí cụ thể để có được thị thực phối ngẫu.

Tuy nhiên, mâu thuẫn vẫn tiếp tục khi họ ở chung. Họ bất đồng thường xuyên - do rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt trong lối sống và các vấn đề tài chính.

Ba tháng sau, vào ngày 16.11, Trinh nói với Shin rằng cô sẽ rời nhà để tới sống với một người họ hàng ở thành phố khác. Shin cố gắng ngăn vợ lại, vì vậy cô lấy một con dao từ trong bếp và đâm vào đùi phải chồng.

Theo hồ sơ tòa án, Shin đã tước con dao đó và đâm vợ khoảng 10 lần vào ngực và bụng. Sau khi Trinh tử vong, Shin bọc cơ thể vợ vào túi nylon cho vào trong xe rồi chở đến một vườn hồng trong huyện Wanju, tỉnh Bắc Jeolla cách nhà 200 cây số. Ở đó, Shin đã chôn Trinh.

Vào tháng 4, Shin đã bị kết án 15 năm tù vì tội giết người. Bằng chứng được đưa ra tại phiên tòa bao gồm ảnh từ hiện trường vụ án, giấy đăng ký kết hôn và lời khai của bị cáo.

"Bị cáo đáng phải chịu án tù thật nặng khi xem xét nỗi đau mà nạn nhân phải trải qua, cảm xúc cay đắng mà nạn nhân phải kết thúc cuộc đời ở nước ngoài theo cách này và nỗi buồn mất người thân của gia đình nạn nhân", thẩm phán Kang Dong-hyeok nêu trong bản tuyên án. "Thi thể nạn nhân được đưa về quê hương", ông cho biết.

Cô dâu nước ngoài tại Hàn Quốc

Trong nhiều thập niên, đã có sự mất cân bằng giới tính ở các vùng nông thôn của Hàn Quốc. Phụ nữ trẻ thường đến các thành phố để tìm việc làm và kết hôn, trong khi các thanh niên nông thôn ở lại để giữ quê cha đất tổ, phụng dưỡng cha mẹ theo tư tưởng Khổng giáo.

Vào những năm 1980, chính quyền địa phương bắt đầu trợ cấp cho các nhà môi giới hôn nhân tư nhân, những người có thể giới thiệu nông dân độc thân cho phụ nữ gốc Triều Tiên ở Trung Quốc. Các nhà môi giới được trả 4 đến 6 triệu won (khoảng 3.800 đến 5.700 USD) cho mỗi cuộc hôn nhân. Đó là một nỗ lực để giải quyết dân số già bằng cách khuyến khích đàn ông tìm vợ và hy vọng họ có con.

Cô dâu các nước tham gia đoàn phản đối việc các cô dâu nước ngoài bị chồng sát hại tại Seoul, Hàn Quốc

Trong những thập niên sau đó, các cô dâu không còn chỉ là người gốc Triều Tiên mà bắt đầu đến từ nhiều quốc gia hơn, như Philippines, Việt Nam và Campuchia.

Một ngành công nghiệp môi giới hôn nhân xuyên quốc gia sớm xuất hiện. Tính đến tháng 5.2020, theo thống kê của chính phủ, có 380 tổ chức mai mối đã được đăng ký tại Hàn Quốc.

Những ngày này, cô dâu nước ngoài ở Hàn Quốc đến từ Việt Nam nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Hầu hết chú rể là ở các vùng nông thôn của Hàn Quốc, nơi một số tỉnh vẫn cung cấp tiền trợ cấp - ví dụ, tỉnh South Jeolla, cung cấp cho những người đàn ông trên 35 tuổi chưa bao giờ kết hôn với khoản trợ cấp 5 triệu won (4.190 USD) để kết hôn với một người vợ nước ngoài và xuất trình đăng ký kết hôn.

Năm 2018, 16.608 đàn ông Hàn Quốc kết hôn với phụ nữ nước ngoài, trong đó có 6.338 đến từ Việt Nam, 3.671 từ Trung Quốc và 1.560 từ Thái Lan. Trong tất cả các cuộc hôn nhân giữa một người nước ngoài và một công dân Hàn Quốc, có đến 28% theo công thức chú rể Hàn Quốc + cô dâu Việt Nam.

Một phần lý do rất nhiều cô dâu đến từ Việt Nam là kinh tế. Theo CIA World Factbook, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2017 là 6.900 USD, cùng năm đó Hàn Quốc là 39.500. Các cô dâu thường trẻ và nuôi hy vọng về một cuộc sống tốt hơn. Theo khảo sát của chính phủ năm 2017, độ tuổi trung bình của chú rể Hàn Quốc trong môi giới hôn nhân là 43,6, trong khi độ tuổi trung bình của cô dâu nước ngoài là 25,2.

Lee Jin-hye, luật sư của Migrant Center Friends có trụ sở tại Seoul, cho biết các cô dâu nước ngoài đang chọn đến Hàn Quốc, thậm chí với lý do chính là gửi tiền về cho gia đình họ, thay vì vì lợi ích cá nhân của họ .

Trong trường hợp của Trinh, tài liệu tòa án cho thấy cô ấy đã sẵn sàng đến Hàn Quốc. "Nạn nhân tin tưởng bị cáo (tức người chồng tên Shin), cô ấy rời khỏi Việt Nam và bắt đầu cuộc sống ở Hàn Quốc", thẩm phán Kang nói.

Có chuyện gì vậy?

Chính phủ Hàn Quốc và các quốc gia ở Đông Nam Á từ lâu đã lo lắng rằng ngành công nghiệp cô dâu nước ngoài có thể dẫn đến nạn buôn người và lạm dụng.

Năm 2010, Campuchia tạm thời cấm công dân kết hôn với người Hàn Quốc. Người Việt Nam cũng đưa ra quan ngại với Hàn Quốc về chuyện này.

Tại Hàn Quốc, các quy tắc cũng đã được thắt chặt, kể từ năm 2014 công dân Hàn Quốc và người phối ngẫu nước ngoài của họ phải chứng minh rằng họ có thể giao tiếp với nhau để được cấp thị thực. Các cô dâu cần chứng minh có trình độ tiếng Hàn cơ bản, hoặc ít ra cặp đôi có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ thứ 3. Không rõ làm thế nào Trinh lách được quy tắc này dù đang gặp vấn đề giao tiếp với chồng, trong khi không có bằng chứng về khả năng tiếng Việt của người chồng.

Hơn nữa, Hàn Quốc năm ngoái đã công bố kế hoạch ngăn chặn những người đàn ông có lịch sử lạm dụng được phép bảo lãnh vợ người nước ngoài nhập cảnh. Luật đó được thiết lập để có hiệu lực vào tháng 10.2019.

Nhưng vẫn còn những vấn đề về quy tắc ở Hàn Quốc khiến các cô dâu nước ngoài và chồng của họ gặp khó khăn.

Theo luật nhập cư của Hàn Quốc, các cô dâu nước ngoài cần chồng tiếp tục bảo lãnh visa sau mỗi 5 năm. "Có những trường hợp người chồng đe dọa rút bảo lãnh nếu người vợ muốn ly thân", luật sư Lee nói. Phụ nữ có giấy bảo lãnh hôn nhân có thể làm việc ở Hàn Quốc và cuối cùng có thể trở thành “thường trú nhân”.

Nếu một người chồng bị ngược đãi, thì người vợ phải chứng minh sự lạm dụng nếu cô ấy muốn tiếp tục sống ở Hàn Quốc mà không cần bảo lãnh. Và nếu hai vợ chồng ly hôn mà không có con, người vợ phải trở về quê nhà.

"Những điều kiện thể chế này có tác dụng tăng cường quyền lực của vợ/chồng người Hàn Quốc", Heo Young-sook, người đứng đầu Trung tâm Nhân quyền phụ nữ nhập cư Hàn Quốc cho biết. "Ngay cả khi có vấn đề, phụ nữ nhập cư cảm thấy rằng họ nên duy trì cuộc hôn nhân dẫu không hạnh phúc chỉ vì những vấn đề quy tắc này".

Trong cuộc khảo sát của Ủy ban Nhân quyền quốc gia năm 2017, hầu hết các cô dâu nước ngoài được thăm dò cho biết họ không nói cho ai biết về bạo lực gia đình mà họ phải chịu đựng. Họ nói rằng rất xấu hổ, không biết nói với ai và không mong muốn thay đổi điều gì.

Những gì cần thay đổi?

Làm phụ nữ ở Hàn Quốc không dễ.

Quốc gia này được xếp hạng thấp nhất trong báo cáo Phân biệt giới tính toàn cầu mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới, một phần do cơ hội việc làm và chính trị không bình đẳng cho phụ nữ. Trong vài năm qua, các cáo buộc tội phạm tình dục chống lại các ngôi sao giải trí, chính trị gia và huấn luyện viên thể thao đã phơi bày mặt trái một nền văn hóa gia trưởng sâu sắc.

Theo cô Heo Young-sook, cuộc sống thậm chí còn khó thở hơn đối với các cô dâu nước ngoài. "Người Hàn Quốc thường thể hiện thái độ tự ti so với phương Tây, thậm chí tự nhận mình là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, nhưng lại tỏ thái độ "thượng đẳng" với những người đến từ các quốc gia có điều kiện kinh tế không cao như Hàn Quốc", cô nói.

"Phụ nữ nhập cư phải đối mặt với sự phân biệt đối xử nhiều tầng, thường là phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc, kết hợp với các vấn đề về thể chế quy tắc, tạo ra cả một vấn đề to lớn".

Luật sư Lee từ Migrant Center Friends, nói rằng phụ nữ nhập cư thường cảm thấy bị phân biệt đối xử bởi chính gia đình của họ - mẹ chồng có thể phàn nàn về việc họ nấu ăn và một số gia đình không cho nàng dâu nước ngoài có tiếng nói trong nhà. Nhiều người vợ không có tiền để chi tiêu và phải ngửa tay xin.

Tuy nhiên, tình hình có một số chuyển biến. Năm nay, nghị sĩ của đảng Công lý, ông Jang Hye-yong, đã đề xuất một dự luật chống phân biệt đối xử, nếu được thông qua, sẽ là cuộc cách mạng.

Hàn Quốc không có luật chống phân biệt đối xử đối với mọi công dân, kể cả người thiểu số và người LGBT. Dự luật đề xuất nhằm bảo vệ người dân đối mặt với sự phân biệt đối xử và cung cấp cho nhà nước công cụ giải quyết tranh chấp và bảo vệ các cá nhân. Không rõ khi nào dự luật sẽ được bỏ phiếu, mặc dù quốc hội đã hoạt động trở lại vào ngày 17.7 vừa rồi.

Nếu được chấp thuận, Jang tin rằng luật pháp có thể giúp phụ nữ nhập cư, mặc dù luật không đề cập cụ thể đến việc lạm dụng họ. Tuy nhiên, luật cấm phân biệt đối xử, gián tiếp gây đau đớn về thể chất hoặc tinh thần cho một nhóm hoặc cá nhân.

"Nếu (cách đối xử với phụ nữ nhập cư) được định nghĩa là phân biệt đối xử và có thể được sửa đổi, tôi nghĩ rằng nhiều phụ nữ nhập cư trong xã hội của chúng ta có thể sống an toàn hơn và được bảo vệ nhân phẩm hơn"

Cô Lee không tin rằng dự luật sẽ là một “đơn thuốc” nhanh chóng cho phụ nữ nhập cư. Thay vào đó, cô nghĩ rằng dự luật sẽ giúp mang lại sự thay đổi xã hội, nâng cao nhận thức về phân biệt chủng tộc ở nơi làm việc, trường học và ở gia đình.

Anh Tú (dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CNN: Từ cái chết của cô dâu người Việt đến dịch vụ mai mối đáng báo động ở Hàn Quốc