Với một vài hành động bất thường sau trận đấu với Đồng Nai, đã có ý kiến cho rằng HLV Miura đang ở trong trạng thái bất an, hoặc cũng có thể ông đang cảm nhận quá nhiều khó khăn hơn mức ông dự tính.
Đương nhiên là cũng khó biết ông Miura nghĩ gì trong đầu. Trạng thái này cũng từng xảy ra trước trận đấu bán kết lượt đi AFF Cup 2014 với người Malaysia. Kết quả sau đó thì lại rất tốt đẹp nên cũng khoan vội kết luận về tâm lý của ông Miura.
Nhưng có một điều rất dễ nhận thấy: Ông HLV Miura đang cô đơn với áp lực mà ông đang chịu. Thậm chí, cô đơn ngay trong đội bóng của mình.
Sau trận đấu với Uzbekistan, trả lời phỏng vấn, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tỏ ra khá lạc quan. Thậm chí ông này còn cho biết cả trận đội tuyển Olympic Việt Nam chỉ chuyền sai có 3 lần, một con số cực kỳ hoàn hảo với bất kỳ đội bóng nào.
Đánh giá của ông chủ tịch là một kiểu áp lực. Vì trên thực tế, ai cũng thấy sự tiến bộ của tuyển Việt Nam là rất ít. Nó không nằm ở chỗ chúng ta chưa thua sau 4 trận tập huấn mà ở cách triển khai lối chơi cũng như ổn định nhân sự.
Một đội bóng chỉ có thường xuyên 17-18 cầu thủ lành lặn thì rất khó để HLV có thể xây dựng được 2-3 đấu pháp khác nhau để có thể đá 3 trận đấu với 3 mục đích rất khác nhau ở vòng loại U.22 châu Á sắp đến.
Nếu HLV Miura cảm thấy lo lắng, là vì ông chưa tìm ra bất kỳ giải pháp nào về số lượng cầu thủ hạn chế mà ông đang có. Hai trận đấu liên tiếp cùng một sự bế tắc về mặt chiến thuật đã nói lên nhiều điều.
Cái đáng lo nhất, chính là ông Miura đang cô đơn. VFF hầu như không có người trợ giúp HLV người Nhật này về mặt chuyên môn mà đang khoán trắng cho ông. Dàn trợ lý thì chỉ giúp công tác tập luyện, không đủ đẳng cấp để tranh cãi về chiến thuật. Người đứng đầu VFF thì lại tin tưởng vào sự tiến bộ vượt bậc của Olympic Việt Nam, cũng chẳng khác gì cách nhìn của đại đa số người hâm mộ.
Những khó khăn mà ông Miura đang đối diện, liệu có ai biết không? Và ông sẽ chia sẻ với ai ngoài bóng tối trên sân Bình Dương sau trận đấu tập với Đồng Nai.
Tin và tôn trọng HLV Miura là một chuyện nhưng khoán trắng mọi thứ cho ông từ niềm tin đến chuyên môn lại là điều... chỉ có tại Việt Nam.
Ví dụ điển hình nhất: Sự bổ sung 3 cầu thủ cho đội tuyển vừa qua thật ra là chỉ để đủ số lượng 23 người đăng ký chứ hoàn toàn không theo kế hoạch nào về chuyên môn cả. Các chấn thương của Olympic Việt Nam đều thuộc dạng dài hạn, đa số cầu thủ đều nằm ngoài giáo án từ khi lên tập trung đến nay.
Tại sao đến thời điểm đăng ký danh sách thì mới bổ sung người? Do ông Miura yêu cầu hay do các bộ phận thủ tục của VFF đề nghị để họ hoàn thành công việc của mình?
Hồ Việt (Sài Gòn Thể thao)