Một cô giáo mầm non đăng ảnh “thiếu vải” lên Facebook đã hứng không ít búa rìu dư luận. Dù biện hộ đó là quyền của phái đẹp nhưng cô bị nhiều người chỉ trích đã đi quá giới hạn nghề nghiệp.

Cô giáo mầm non mê khoe ngực và phản ứng của dư luận

Một Thế Giới | 13/09/2015, 06:43

Một cô giáo mầm non đăng ảnh “thiếu vải” lên Facebook đã hứng không ít búa rìu dư luận. Dù biện hộ đó là quyền của phái đẹp nhưng cô bị nhiều người chỉ trích đã đi quá giới hạn nghề nghiệp.

Nhiều người nghĩ rằng ở một xứ sở tự do như Mỹ, việc khoe thân, khoe ngực công khai trên sân khấu là chuyện bình thường. Không hẳn vậy.

Vào năm 2004, trong sô ca nhạc truyền hình trực tiếp Super Bowl do hãng truyền hình CBS thực hiện, cuối một bản nhạc song ca với Justin Timberlake, nữ ca sĩ Janet Jackson đã vô ý để lộ một bên ngực. Ngay lập tức, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) đã nhận được 1,4 triệu cuộc gọi của khán giả phê bình, chỉ trích về việc lộ ngực này. Cả Janet Jackson, Justin Timberlake - bạn diễn khiến Janet bị lộ ngực - cũng như hãng CBS đã phải lên tiếng xin lỗi khán giả. Không dừng lại ở đó, CBS còn bị FCC phạt 550.000 USD và mãi tới năm 2012, sau thời gian kiện tụng kéo dài, tòa án mới lật ngược lại án phạt này.

Mới đây, tại cuộc trao giải video ca nhạc Mỹ (VMA) 2015 vào ngày 30.8, một sự cố tương tự lại xảy ra với người dẫn chương trình là ca sĩ Miley Cyrus. Mặc dù phản ứng của khán giả lần này nhẹ nhàng hơn, phần vì khán giả xem show VMA ít hơn nhiều so với show Super Bowl (9,8 triệu so với 86 triệu) và có lẽ do công chúng đã quen với cú sốc trước đó nhưng không phải công chúng không phản ứng. Hội đồng Truyền hình của phụ huynh đã lên án dù với lời lẽ nhẹ nhàng về vụ lộ ngực của Miley Cyrus.

Với giới showbiz Mỹ là thế.

Còn ở xứ ta, mới đây, những hình ảnh khoe ngực táo bạo, nóng bỏng của cô giáo mầm non Giang Cao (Hà Nội) đã và đang gây sốc cho cộng đồng mạng, dù việc một số người trẻ khoe thân trên mạng xã hội giờ đã không còn là điều gì lạ lẫm. Khác với người trong giới showbiz, Giang Cao là cô giáo và việc cô khoe thân, khoe ngực trên trang Facebook cá nhân khiến không ít phụ huynh lo lắng cho con em họ. “Một giáo viên mà có thể chia sẻ những hình ảnh thiếu đứng đắn như vậy khiến mình thực sự lo lắng cho việc dạy dỗ của cô giáo này” - một bạn trẻ viết trên mạng.

Một bạn trẻ khác bày tỏ: “Việc cô hứng thú với việc khoe thân khiến không ít phụ huynh rùng mình khi nghĩ đến việc phải giao con cho cô. Dù cuộc sống riêng của mỗi người là điều cần tôn trọng nhưng những hình ảnh như thế này chỉ nên cài đặt chế độ “một mình” thì có lẽ hợp lý hơn”.

Có lẽ cần phải làm rõ điều này: Nếu cô giáo Giang Cao có sở thích chụp hình hở hang, nhạy cảm và giữ những tấm ảnh ấy cho riêng bản thân thì đó là quyền tự do cá nhân và sẽ chẳng ai có thể ý kiến gì.
Co giao va chuyen ho nguc-hinh-anh-1
 Cô giáo mần non thích khoe ngực "khủng"

Một khi cô chia sẻ công khai những tấm ảnh nhạy cảm ấy trên mạng xã hội, liệu điều đó có khác gì việc những người trong giới showbiz cố tình khoe thân, để lộ ngực? Mặt khác, ngành nghề nào cũng có những tiêu chuẩn, những ràng buộc riêng của nó và ai cũng biết những yêu cầu đặt ra cho những người chọn nghề giáo là gì...

Nhà giáo không chỉ là những người truyền thụ kiến thức mà còn phải giúp học trò thành người bằng tấm gương và cuộc sống của chính mình. Một cô giáo mầm non thích khoe ảnh nhạy cảm, hở hang thì nêu gương gì cho học trò? Có lẽ, nếu muốn tự do sống theo sở thích riêng của mình, cô nên chọn một nghề khác hơn là nghề giáo.
Đoàn Khắc Xuyên/ Người Lao động
Người trong cuộc nói gì?
Tôi là giáo viên nhưng tôi cũng là một cô gái trẻ, hiện đại. Tôi luôn muốn dung hòa 2 thế giới ấy với nhau. Miễn là tôi luôn làm tròn trách nhiệm của mình trong vai trò là giáo viên. Sau khi hình ảnh đời thường trên Facebook của tôi bị lan tỏa, tôi nhận được rất nhiều lời đề nghị khiếm nhã, thậm chí xúc phạm. Tuy nhiên, ở trường tôi không bị chê trách, các thầy cô trong trường luôn an ủi và động viên tôi. Học sinh cũng yêu quý tôi. Vì tôi luôn ý thức rằng ở trường ứng xử theo cách khác, trong cuộc sống cá nhân sẽ ứng xử theo cách khác. Giáo viên cũng như mọi người, có quyền xinh đẹp và ăn mặc theo sở thích cá nhân, sao cho mình thấy thoải mái và tự tin nhất.
Cô giáo Giang Cao
Ý kiến
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP HCM: Không nên vì một hành vi nhỏ mà đánh giá cả nhân cách và hiệu quả giảng dạy của một người. Giáo viên được xã hội kỳ vọng cao hơn về sự chỉn chu, nghiêm túc ở bất cứ môi trường nào. Không chỉ vậy, hình ảnh thể hiện còn liên đới tới hình ảnh của danh xưng “cô giáo” nói chung. Do đó, tốt nhất cô giáo chỉ nên chia sẻ hình ảnh mát mẻ một cách riêng tư với bạn bè thân thiết nếu muốn giữ gìn hình ảnh tốt cho bản thân và đồng nghiệp. Đã chọn nghề giáo trong xã hội thì đôi khi sẽ phải chịu những hạn chế nhất định trong việc tự do thể hiện mình, nhất là bằng những cách có thể khiến phụ huynh lo lắng.
- Âu Dương Anh Khoa, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca (quận 5, TP HCM): Nếu ở góc độ là những người trẻ, mình hoàn toàn có quyền thể hiện quan điểm, cá tính, hình ảnh trên mạng xã hội theo cách mình thích. Nhưng nếu là giáo viên thì những hình ảnh như cô giáo mầm non ở Hà Nội thể hiện trên Facebook vừa qua là không nên. Mạng xã hội có sức lan tỏa nhanh chóng. Nếu giáo viên sử dụng hình ảnh không đúng chuẩn mực sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến nhà trường, đến các đồng nghiệp khác, khiến phụ huynh và học sinh hoài nghi về nhân cách, tác phong của những người làm giáo viên.
- Dương Phương Anh (phụ huynh ở TP HCM): Từ 0-6 tuổi là giai đoạn hình thành nhân cách rất quan trọng của các bé nên cần cô và trường học thật tốt. Cô khoe ngực trên Facebook không sao nhưng quan trọng là nhân cách của cô, cách dạy khi đến lớp và cô có mang những chuyện riêng tư đó vào bài giảng, vào lớp không? Nhà trường phải kiểm soát chuyện này.
Hạ Văn ghi
Bình luận
Tự trọng với nghề
Công nghệ phát triển cộng với băng thông của một thế giới siêu phẳng, người ta có thể trong một giây trở thành “nổi tiếng”, cho dù là tiếng tốt hay tiếng xấu. Những hình ảnh hở hang của một cô giáo mầm non được cho là cố tình khoe ngực trở thành chuyện bàn tán trên các trang mạng.
Nhiều ý kiến phê phán cô giáo này thích “khoe hàng”, muốn chơi trội. Nếu như cô gái này không phải là một cô giáo thì chuyện cũng chẳng có gì đáng nói bởi vì các ca sĩ, nghệ sĩ, người mẫu cũng “tung hàng” lên trang cá nhân, các trang mạng hoặc tạo xì-căng-đan để gây sự chú ý quá nhiều. Đó là những người thích nổi tiếng tầm thường, chẳng ai mất thì giờ đi chấp, có chăng chỉ là những thông tin giải quyết sự tò mò.
Nhưng là cô giáo, sự xuất hiện những hình ảnh “khoe hàng” tất nhiên gặp sự phản ứng.
Sự chuẩn mực về ứng xử, lối sống của nhà giáo được xã hội mặc nhiên thừa nhận. Nhà giáo là đại diện cho những người làm công tác giáo dục các thế hệ học sinh. Những phát ngôn, ăn mặc, hành vi ứng xử của người thầy đều có ảnh hưởng đến cộng đồng và chịu sự quan sát ít nhiều từ cộng đồng. Ví dụ, một thầy giáo không thể chửi thề trước đám đông bởi vì chửi thề là hành vi phản giáo dục. Một cô giáo không thể hở ngực “kích động” như nghề người mẫu.
Cô giáo đương nhiên phải ăn mặc kín đáo khi đến trường nhưng ngay cả giao tiếp ở các không gian khác, cô giáo cũng không thể ăn mặc quá hở hang. Thầy cô giáo ăn mặc lịch sự, chỉnh tề không chỉ là tôn trọng những người xung quanh mà tôn trọng bản thân mình và đề cao giá trị nghề nghiệp của mình.
Người Việt có truyền thống “tôn sư trọng đạo” chứng tỏ dân tộc Việt đặt địa vị của người thầy rất cao. Con người thời hiện đại không quá đặt nặng hình thức nhưng về bản chất vẫn giữ truyền thống “tôn sư trọng đạo”, vẫn xem người thầy là chuẩn mực, “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Cô giáo đó có quyền sống với những sở thích riêng tư nhưng không nên công khai sự riêng tư đó một khi nó đi ngược lại với sự chuẩn mực trong lối sống, hành vi của một nhà giáo, không thể vì cái riêng của mình mà ảnh hưởng đến hình ảnh chung của nghề giáo. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên quá khắt khe đánh giá về tư cách, phẩm giá của một con người chỉ qua những tấm ảnh cũng như cần tôn trọng sự riêng tư của người khác.
Chuyện ồn ào của cô giáo trên không có gì ghê gớm song ít ra cũng là sự nhắc nhở cho những cô giáo trẻ khác. Khi đã chọn nghề giáo thì có sự dấn thân, có sự hy sinh cho nghề nghiệp của mình. Một trong những sự hy sinh đó là giữ mình mực thước, luôn xem mình là một nhà sư phạm, đang được học sinh, phụ huynh và cả xã hội nhìn vào. Nếu như tất cả thầy cô giáo đều có nhận thức như vậy thì ngành giáo dục sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, xã hội càng tôn trọng nghề giáo và những người thầy hơn. 
 Chân Ngôn


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đấu thầu vàng: Không hủy thì ế hàng, mục tiêu hạ nhiệt thị trường vàng thất bại
Ngân hàng Nhà nước mở 4 phiên đấu thầu vàng, nhưng hủy đến 3 lần. Một phiên đấu thầu diễn ra thì cũng chỉ bán được 20% số vàng chào thầu cho 2 đơn vị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo mầm non mê khoe ngực và phản ứng của dư luận