Các nhà phân tích nói khi Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, nhưng thực tế Trung Quốc đã khó cầm cự lâu dài với chính sách mới của Mỹ.

Cơ hội nào cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?

25/09/2018, 19:12

Các nhà phân tích nói khi Mỹ và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, nhưng thực tế Trung Quốc đã khó cầm cự lâu dài với chính sách mới của Mỹ.

Lãnh đạo Mỹ-Trung trong cuộc chiến thương mại - Ảnh: AP

Ngày 24.9, Bắc Kinh ra Sách Trắng Thương mại, cáo buộc Mỹ “bắt nạt kinh tế”, hù dọa các nước khác bằng các biện pháp kinh tế gây tổn thất cho kinh tế toàn cầu. Sách Trắng không nêu đích danh Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhưng chỉ trích chính sách kinh tế “Nước Mỹ trên hết” của ông đe dọa các thỏa thuận thương mại tự do đa phương đã có, đồng thời nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh, rằng cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến thương mại là hợp tác với nhau, để đôi bên cùng có lợi, giúp hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Cuộc chiến thương mại sẽ quyết định vận mệnh Trung Quốc

Từ ngày 24.9, Mỹ chính thức áp mức thuế mới trị giá 200 tỉ USD lên gần 6.000 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm xe đạp, đồ nội thất, túi xách, gạo và hàng dệt may. Đây là mức thuế lớn nhất nhưng sau đó mức thuế này sẽ tăng lên 25% từ ngày 1.1.2019, nếu như Trung Quốc không có những nhượng bộ.

Tổng thống Mỹ nói các biện pháp áp thuế là cần thiết, để chống lại mô hình kinh tế Trung Quốc vốn “ăn cắp” công nghệ Mỹ và đòi các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, đồng thời Bắc Kinh trợ vốn cho các công ty, tập đoàn nhà nước Trung Quốc.

Theo báo New York Times, chính phủ Mỹ năm 2017 còn mô tả Trung Quốc là “thế lực xét lại”, và hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ cũng cáo buộc tham vọng bá chủ châu Á của Bắc Kinh, hành xử hung hăng ở các vùng biển tranh chấp và có các chính sách thương mại “nhẫn tâm” nhằm thống trị các công nghệ tương lai.

Phản ứng lại, Trung Quốc cũng áp thuế lên hơn 6.000 mặt hàng Mỹ nhập khẩu, từ mật ong đến hóa chất công nghiệp. Đây được xem là vòng thuế quan thứ 3 mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "ăn miếng trả miếng" với nhau.

Nhưng cân thương mại giữa hai nước quá chênh lệch, nên Mỹ chỉ mới đánh thuế cao vào gần 50% hàng Trung Quốc nhập khẩu, trong khi Bắc Kinh đã đánh thuế gần như toàn bộ hàng nhập khẩu từ Mỹ, tức “hết cửa” áp thuế.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, phản ứng trả đũa của Trung Quốc chỉ ở cấp nhỏ, với mức thuế dao động từ 5 đến 10% tùy theo sản phẩm. Xét về giá trị, tổng số hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế là 250 tỉ USD, trong khi mức thuế Trung Quốc áp lên hàng Mỹ nhập khẩu ước tính chỉ là 110 tỉ USD/150 tỉ USD.

Mức thuế 40 tỉ USD còn lại-gồm các linh kiện sản xuất như bán dẫn-sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà sản xuất Trung Quốc.

Ông Đằng Kiến Quần thuộc Viện Nghiên cứu quan hệ quốc tế Trung Quốc, nói chính phủ Bắc Kinh cần chấp nhận thực tế và cho dân biết: cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể là sự khởi đầu của một cuộc đấu tranh sinh tồn dài hơi, để Trung Quốc có thể duy trì vị thế cường quốc.

Ông nói với Times: “Chúng tôi nên để người dân biết, rằng cuộc chiến thương mại này không phải là một cuộc chiến ngắn hạn, mà là một cuộc chiến có thể quyết định vận mệnh của đất nước Trung Quốc”.

“Dân Trung Quốc đã quen đói nghèo, sẵn sàng chịu thương đau”

Và khi quan hệ song phương suy yếu nghiêm trọng nhiều nhà phân tích Trung Quốc thắc mắc, rằng liệu nước mình có thể thắng Mỹ, siêu cường thế giới?

Khi sự thù ghét Mỹ lên cao, điều Bắc Kinh lo là liệu dân Trung Quốc đã quen thụ hưởng phát triển kinh tế nhanh sẽ đối phó cuộc chiến thương mại thế nào, và lo cuộc chiến tác động thế nào đến sự ổn định trong nước.

Tổng biên tập Hồ Tích Tiến của Hoàn cầu thời báo (nổi tiếng với quan điểm ủng hộ chủ nghĩa dân tộc) nói lạc quan: “Có lẽ tỉ lệ tăng trưởng sẽ chậm 1%. Đấy không phải điều khủng khiếp đối với chúng tôi. Mỹ sẽ phải sớm nhận ra rằng nếu không có người tiêu dùng Trung Quốc, thì các công ty xe hơi và điện thoại di động Mỹ không thể tồn tại. Khi thị trường của chúng tôi đang mở rộng và phát triển, Trung Quốc sẽ thắng cuộc chiến thương mại”.

Charles S. Y. Liu, một nhà đầu tư chứng khoán tư nhân đôi khi cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, nói với Times rằng dân nước này đã sẵn sàng chịu đựng cuộc chiến thương mại kéo dài: “Họ sẵn sàng chịu thương đau vì chúng tôi đã đói nghèo quá lâu. Sự thịnh vượng chỉ mới có trong 10 năm qua”.

Nhưng những người khác vẫn lo, và cho rằng lãnh đạo Trung Quốc nên tranh thủ lúc này để chuyển nền kinh tế hướng tới các thị trường mở và lĩnh vực tư nhân, thay vì cứ mãi ưu ái các công ty, tập đoàn nhà nước làm ăn không hiệu quả.

Ông Diêm Học Thông, chủ nhiệm Viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh, nói: “Một giải pháp đóng cửa sẽ dẫn đến sự suy yếu khả năng cạnh tranh của đất nước”, và cảnh báo Trung Quốc có nguy cơ quay lại thời đói nghèo do đóng cửa với bên ngoài (thời Mao Trạch Đông làm lãnh đạo).

Ông nói thêm: “Khi Trump chọn chính sách bảo hộ thương mại, Trung Quốc nên mở cửa và buộc các tập đoàn nhà nước phải cải cách”. Nhưng ông khẳng định với Times: “Tôi không nhận được phản ứng nào, không ai chịu nghe tôi”.

Lời cảnh báo sự kiêu ngạo và hung hăng

Các học giả Trung Quốc khác nói: có thể tránh được sự thù địch của Mỹ, nếu Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục theo đuổi chính sách “Thao quang dưỡng hối” (Ẩn mình giấu móng vuốt chờ thời) của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã chọn cách tự xem Trung Quốc là “vai em” nhằm tránh xung đột với Mỹ.

Thay vào đó, ông Tập tung ra hai chương trình đầy tham vọng “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” nhằm thống trị các công nghiệp hiện đại, và Vành đai và Con đường (BRI) nhằm phát triển các tuyến đường thương mại đến khắp châu Á, châu Âu và châu Phi.

Hai chương trình này đều bị chính phủ Mỹ chỉ trích. Nhà phân tích Tôn Vân của Trung tâm Stimson (một tổ chức nghiên cứu ở Washington) nói: “Các chương trình này có thể thực hiện mà không cần tỏ ra kiêu căng. Tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ước được thấy nhiều hành động hơn và cương quyết hơn, nhưng ông Tập lại làm quá”.

Nhân công Trung Quốc đào đường hầm cho tuyến đường sắt Trung- Lào - Ảnh: New York Times

Theo Times, Trung Quốc đã nỗ lực kiểm duyệt sự chỉ trích ông Tập, nhưng cư dân mạng Trung Quốc vẫn lo ngại về hậu quả tiềm năng của cuộc chiến thương mại, và phẫn nộ với BRI vốn tiến hành chủ yếu là vung tiền tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở các nước khác, nhằm để Bắc Kinh gieo ảnh hưởng chính trị-kinh tế.

Giáo sư hưu trí Tôn Văn Quảng (từng là chủ nhiệm khoa kinh tế Đại học Sơn Đông) nói việc Bắc Kinh vung tiền như thế là sai, lẽ ra phải dùng tiền để giải quyết các vấn nạn trong nước: “Một số người dân quá nghèo, không thể đi khám bác sĩ, không được hưởng lương hưu hoặc không thể đến trường. Nếu cứ ném tiền qua nước khác thì bảo đảm lòng dân bất an”.

Theo Times, lời chỉ trích của vị giáo sư phản ánh một mối quan ngại lớn hơn ở Trung Quốc, về nỗ lực thu hút đồng minh của Bắc Kinh, vào lúc Mỹ cũng cần có đồng minh mạnh nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, nhất là ở châu Á.

Trung Quốc đang thụ hưởng các ưu thế ở khu vực này, là đối tác thương mại lớn nhất của mỗi quốc gia châu Á, trong khi ông Trump gây căng thẳng trong quan hệ với các đồng minh trên khắp thế giới.

Ngay cả Nhật Bản, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á, xem ra cũng nghiêng dần qua Trung Quốc, khi ông Trump dọa đánh thuế cả với Nhật Bản. Dự kiến Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đến Bắc Kinh tháng 10 tới, và đó là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một lãnh đạo Nhật, kể từ năm 2011 đến nay.

Nhưng một số nhà phân tích Trung Quốc nói: Bắc Kinh bỏ phí cơ hội mà ông Trump tạo ra, và nhiều nước đã chống BRI vì tham vọng này đẩy các chính phủ lâm cảnh ngập nợ với Bắc Kinh, dân địa phương không được tạo cơ hội có việc làm ở những dự án do Trung Quốc chi tiền và sử dụng nhân công Trung Quốc, lại còn tàn phá môi trường.

Một số quốc gia cũng báo động về việc Bắc Kinh nỗ lực can thiệp vào chính trị nội bộ các nước nhỏ hơn.

Trong một bài xã luận được cư dân mạng Trung Quốc chia sẻ, ông La Kiến Ba, Giám đốc Trung tâm chính sách đối ngoại Trung Quốc (thuộc Trường Đảng Trung ương) cảnh báo sự kiêu căng và tham vọng, lưu ý số phận của những thế lực trỗi dậy rồi sụp đổ hồi thế kỷ 20 vì “ẩu tả và hung hăng”, ám chỉ phát xít Đức, quân phiệt Nhật và Liên Xô.

Ông viết: “Tôi còn nhớ cư dân mạng trẻ tuổi bàn luận sôi nổi đề tài này: kẻ thù thật sự của Trung Quốc là ai? Mỹ, Nhật hay Nga?. Nếu chúng ta suy nghĩ tỉnh táo thì có lẽ không phải các nước đó. Kẻ thù của Trung Quốc chính là Trung Quốc”.

Vĩnh Thụy (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội nào cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?