Với hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng được ký kết và bắt đầu có hiệu lực, năm 2016 được đánh giá là thời điểm nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng nhất với nền kinh tế thế giới.

Cơ hội ngay trước ngõ nhưng Việt Nam sẽ tận dụng thế nào?

Một Thế Giới | 10/01/2016, 08:24

Với hàng loạt các hiệp định thương mại quan trọng được ký kết và bắt đầu có hiệu lực, năm 2016 được đánh giá là thời điểm nền kinh tế Việt Nam bắt đầu hội nhập sâu rộng nhất với nền kinh tế thế giới.

Hầu hết các chuyên gia kinh tế thế giới đều dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất từ các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA, cộng với việc kinh tế Việt Nam đã có mức tăng trưởng cao trong năm 2015 làm nền tảng, nên một sự tăng trưởng nhanh trong năm 2016 có vẻ như đã là điều ở ngay trước mắt. Nhưng, lợi ích chỉ có thể đạt được một khi tối ưu hóa được các lợi thế mà Việt Nam nhận được trong thời gian sắp tới. Nếu như không thể nhận diện và tối ưu hóa được các lợi thế này, sẽ đồng nghĩa với việc phần lớn lợi ích sẽ bị bỏ phí.
Những lợi ích căn bản Việt Nam có thể nhận được từ TPP và các FTA

Có thể thấy rõ một điều rằng, trong thời gian qua, Việt Nam vẫn chưa xác định được một cách rõ ràng và đầy đủ những ưu thế lớn mà các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA đem lại cho nền kinh tế. Hầu hết các quan chức, chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đều chủ yếu vui mừng trước việc hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ được rộng cửa ở nhiều thị trường hơn và thuế quan thấp hơn, khiến hầu hết đều tưởng rằng lợi ích lớn nhất mà Việt Nam nhận được qua các hiệp định này chỉ đơn giản là tăng cường xuất khẩu. Trên thực tế, đó mới chỉ là một mặt của vấn đề. Còn rất nhiều lợi ích khác, lớn hơn và quan trọng hơn rất nhiều so với việc tăng cường cơ hội xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới.

Về bản chất, việc hoàn tất đàm phán TPP và ký kết các FTA đối với Việt Nam là một sự mở cửa cho luồng vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài vào thị trường Việt Nam trên một quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Hai yếu tố quan trọng nhất mà các hiệp định thương mại này đem lại là nguồn vốn và công nghệ dàn trải trên nhiều lĩnh vực, và có rất nhiều tác động trên nhiều mặt của nền kinh tế hơn là chỉ có duy nhất một mục đích đơn giản là lập nhà xưởng và sản xuất hàng xuất khẩu như trước đây Việt Nam vẫn nhìn nhận. 
Theo ước tính, chỉ tính riêng trong năm 2015, lượng vốn FDI đổ vào Việt Nam lên tới 22,76 tỷ USD, với 2.013 dự án mới được cấp phép và 814 dự án xin được tăng vốn đầu tư, một con số kỷ lục. Với nguồn vốn lớn kỷ lục như vậy, cùng với nguồn công nghệ đổ vào nền kinh tế, có thể dẫn tới những thay đổi lớn đối với bộ mặt nền kinh tế hơn là chỉ tăng cường công ăn việc làm và tăng cường xuất khẩu một cách đơn thuần.
Những lợi ích mang tính vĩ mô mà Việt Nam có thể nhận được từ việc tiếp nhận dòng vốn và công nghệ khổng lồ từ nước ngoài này là: nắn dòng chảy vốn và công nghệ đầu tư nước ngoài này theo ý muốn. Nếu như trong những năm trước, do khát vốn đầu tư Việt Nam sẵn sàng nới lỏng một số quy định pháp luật và tiêu chuẩn để thu hút càng nhiều dự án FDI càng tốt mà không có chọn lọc và quy hoạch bài bản. 
Nhưng giờ đây, khi cơn khát đó đã qua đi và các hiệp định thương mại như TPP và các FTA đang đem lại cho Việt Nam một nguồn vốn đầu tư và công nghệ khổng lồ, thì việc quan trọng nhất mà Chính phủ Việt Nam cần làm là đưa dòng chảy vốn và công nghệ khổng lồ này vào một quy hoạch phát triển kinh tế đất nước một cách bài bản và chọn lọc kỹ lưỡng. Nếu nắn được dòng thác vốn đầu tư và công nghệ FDI này để phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế tổng thể và bền vững, đó mới là lợi ích lớn nhất mà Việt Nam nhận được từ các hiệp định thương mại như TPP và FTA, thay vì chỉ có tác dụng tăng cường xuất khẩu một cách đơn thuần.
Việt Nam tận dụng những lợi thế đó như thế nào?

Lợi ích đầu tiên và quan trọng nhất mà dòng thác đầu tư vốn và công nghệ từ nước ngoài đem đến cho nền kinh tế Việt Nam, là đặt nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững. Với lợi thế là nơi tập trung của dòng vốn FDI từ nhiều nơi trên thế giới đổ về như hiện nay, Việt Nam có thể lựa chọn các dự án đầu tư cần thiết mang tính lâu dài cho nền kinh tế theo những tiêu chuẩn cao và nghiêm ngặt. Vì ở thời điểm hiện tại, vấn đề cần quan tâm nhất không phải là số lượng các dự án đầu tư FDI, khi nó đang trở nên khá lớn, mà là ở chất lượng các dự án đó.

Việc lựa chọn kỹ lưỡng các dự án đầu tư chất lượng cao có thể đem đến rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là sự cân bằng của nền kinh tế. Tính đến thời điểm kết thúc năm 2015, khối FDI đang chiếm tới hơn 70% lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, và khối doanh nghiệp nội chỉ chiếm chưa đầy 30% hàng xuất khẩu, việc lựa chọn kỹ các dự án đầu tư FDI chất lượng cao thay vì cho phép đầu tư tràn lan như trước có thể khiến cho sự mất quân bình này không tăng lên thêm quá nhanh. 
Ngoài ra, việc lựa chọn các dự án đầu tư FDI có chất lượng cao cũng đảm bảo tính bền vững cho nền kinh tế, khi các dự án này có vốn đầu tư lớn và thời gian duy trì hoạt động lâu dài, các chủ đầu tư sẽ không dễ dàng rút vốn trong ngắn hạn. Cùng với đó là những dây chuyền công nghệ cao của các dự án này sẽ giúp gia tăng giá trị hàng xuất khẩu và kích thích ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa.
Trên thực tế, vấn đề cần thiết nhất trong thời gian tới của kinh tế Việt Nam là đặt nền tảng cho phát triển bền vững. Do đó, điều cần làm là thiết lập những yêu cầu và tiêu chuẩn cao cho các dự án đầu tư nước ngoài này. Điển hình như về vấn đề độ hiện đại của công nghệ đầu tư và vấn đề chuyển giao công nghệ. Một thực tế là trong nhiều năm qua, phần lớn các dự án FDI ở Việt Nam đều sử dụng công nghệ chỉ ở mức trung bình.  
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến năm 2013, trên 80% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có khoảng 5-6% là công nghệ cao. Trong đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự sơ hở của pháp luật và yếu kém về quản lý của Nhà nước để đưa vào Việt Nam công nghệ lạc hậu, giá trị gia tăng thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, vấn đề chuyển giao công nghệ cũng rất ảm đạm. Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, có khoảng 838 hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt từ năm 1999 đến năm 2012, trong đó khối FDI chỉ chiếm khoảng 50%, tức hơn 400 hợp đồng, một con số quá khiêm tốn so với gần 14.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên toàn quốc. Đó là chưa kể theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, từ năm 2007 đến nay có khoảng 254 hợp đồng chuyển giao công nghệ được cấp phép, trong đó có 217 thuộc khối FDI, nhưng đều được thực hiện dưới dạng chuyển từ công ty mẹ sang công ty con, chứ không phải là chuyển từ doanh nghiệp FDI sang cho doanh nghiệp trong nước.

Nếu tiếp tục để tình trạng đầu tư FDI tràn lan, thiếu hiệu quả và nhiều hiểm họa về công nghệ lạc hậu như hiện nay, Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn, điển hình là nguy cơ biến thành bãi rác thải công nghệ và phụ thuộc nghiêm trọng vào công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài.

Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang có ưu thế rất lớn để có thể đặt ra luật chơi, tức đề ra các quy định và tiêu chuẩn cao và khắt khe trong việc chọn lựa các dự án đầu tư nước ngoài về vốn và công nghệ. Nếu muốn hướng tới một nền kinh tế hiện đại, công nghệ cao, và bền vững, Việt Nam cần phải có một quy hoạch với các dự án đầu tư nước ngoài ngay thời điểm hiện tại. 
Cái lợi lớn nhất mà Việt Nam đạt được trong những năm sắp tới từ các hiệp định thương mại như TPP hay các FTA, không phải chỉ đơn thuần là tăng cường xuất khẩu như các chuyên gia trong và ngoài nước nhìn nhận một cách hạn hẹp, mà là một cơ hội lớn chưa từng có để thiết lập nền tảng, quy hoạch và định hình nền kinh tế bền vững trong tương lai.

(Còn tiếp)

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ Ictnews, Vafie, Trí thức & Phát triển, Fpts)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
2 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ hội ngay trước ngõ nhưng Việt Nam sẽ tận dụng thế nào?